|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng: Ngành nông nghiệp vượt 'cơn gió ngược', được mùa, được giá trong năm 2023

19:59 | 03/01/2024
Chia sẻ
Thủ tướng cho biết vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với nhiều điểm sáng nổi bật.

2023 là năm "được mùa, được giá" của ngành nông nghiệp

Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp hơn 5% vào tăng trưởng nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, hoàn thành 96% chỉ tiêu 55 tỷ USD Thủ tướng giao. Xuất siêu ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 44% so với ngoái, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. 

Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. Trong thành tích chung của cả nước, ngành nông nghiệp năm 2023 được đánh giá “được mùa, được giá”.

“Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”, Thủ tướng nói.

Điểm sáng của ngành nông nghiệp trong năm 2023 là mặt hàng rau quả và gạo. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2018 (3,8 tỷ USD).

Trong đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023. Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng đạt mức cao nhất 34 năm với 4,8 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2022.

Thủ tướng cho biết sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong top 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000 ha.

“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới đứng trước nhiều rủi ro. Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: Tùng Đinh)

Còn theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2023 rất khó khăn với nhiều ngành kinh tế. “1% tăng trưởng năm nay khó tương đương 7% những năm khác. Do vậy, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp rất đáng ghi nhận”, ông Tú chia sẻ.

Theo lãnh đạo NHNN, sự phát triển của ngành nông nghiệp thể hiện ở nhiều mặt như tình trạng “được mùa mất giá” không còn, an ninh lương thực luôn được giữ vững, sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều kênh phân phối…

Phó Thống đốc NHNN đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo ký hợp tác toàn diện giữa hai ngành trong thời gian sớm nhất.

“Ngành ngân hàng không có giới hạn nào về cơ chế chính sách, nguồn vốn, cũng như việc khoanh nợ, xóa nợ tại vùng thiên tai, trần lãi suất cho doanh nghiệp nông nghiệp luôn được ưu đãi ở mức tốt nhất là 4%”, Phó Thống đốc NHNN nói.

Ngành nông nghiệp còn hai "điều nợ”

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2023, ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cho rằng ngành nông nghiệp còn hai "điều nợ”. Đó là còn nợ nông dân vì thu nhập thấp và nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính.

Ông Bổng cho rằng nếu giải quyết được hai "lời nguyền" này, ngành nông nghiệp sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Riêng với ngành lúa gạo, ông đánh giá “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” là việc khả thi. Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở Việt Nam có thế mạnh về khoa học công nghệ, bộ giống lúa tốt cho gạo chất lượng cao.

 “Trình độ sản xuất lúa của Việt Nam cũng tiên tiến, gạo của nước ta đã vào được cả những thị trường khó tính nhất. Hạ tầng thủy lợi cũng rất tốt so với mặt bằng chung. Rất ít quốc gia làm được thủy lợi tốt như Việt Nam. Ngoài ra, chính sách của nhà nước từ xưa đến nay cũng rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo, ông Bùi Bá Bổng nhận định.

Đại diện Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng để thực hiện thành công đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, sự lỏng lẻo trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần phải giải quyết ngay. 

Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. (Ảnh: Tùng Đinh) 

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD, tăng 2-4% so với năm 2023.

Để đạt được kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin về 6 giải pháp của ngành, trong đó nhấn mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ và NHNN sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp. Điển hình như năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lâm sản và thủy sản, đến nay đã giải ngân được hơn 70%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc. Cùng với đó, các bộ cần xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…

Hoàng Anh