|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ có tăng trưởng từ quý IV

20:00 | 31/05/2023
Chia sẻ
Mặc dù 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn giảm trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giảm đang từng bước được thu nhỏ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về nhiều giải pháp đang được ngành nông nghiệp đưa ra để đảm bảo hoàn thành mục tiêu 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2023.

- Xin Thứ trưởng đánh giá về kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong 5 tháng đầu năm 2023?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có bước chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua số liệu thống kê. Cụ thể, tháng 1 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm trên 68% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do tháng này có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 2, giá trị xuất khẩu giảm 38,4%; tháng 3 giảm gần 30% và sang tháng 4 giảm 13,3% và tháng 5 mức giảm còn 11,1%. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,26 tỷ USD.

Với đà phục hồi này thì dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết quý III sẽ bằng với quý III/2022 và sang quý IV có thể đẩy mạnh tăng trưởng. Với nhiều giải pháp thì ngành nông nghiệp sẽ về đích đạt 55 tỷ USD năm 2023.

Về tổ chức sản xuất, nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: giá vật tư đầu vào cao, biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn… nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ cuối năm 2022, sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản vẫn ổn định. Ngành bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; an toàn thực phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chẳng hạn, đến trung tuần tháng 5, cả nước gieo cấy được gần 4.255.800 ha lúa, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhờ năng suất lúa tăng 1 tạ/ha nên sản lượng đạt 17,46 triệu tấn, tăng 0,7%. An ninh lương thực là thách thức của nhiều quốc gia nhưng Việt Nam hoàn toàn chủ động. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo với giá trị đạt 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Chăn nuôi mặc dù đối mặt với giá thức ăn cao, nhưng nhờ khống chế dịch bệnh tốt nên sản xuất vẫn đáp ứng được yêu cầu. Đàn bò tăng khoảng 1,2%; đàn lợn tăng 2,6%; đàn gia cầm tăng 1,3%; chỉ có đàn trâu giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt  với mức 1,4%, đạt trên 3,4 triệu tấn. Sự tăng trưởng đến chủ yếu từ nuôi trồng thủy sản; trong đó tôm, cá tra đều tăng trưởng tốt.

Những ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp vẫn có tăng trưởng trong sản xuất nhưng còn chậm. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có chỉ đạo cụ thể để đảm bảo tăng trưởng ngành năm 2023.

- Đến nay, xuất khẩu thủy sản, trong đó đặc biệt là tôm và cá tra; gỗ và sản phẩm từ gỗ vẫn có sự giảm khá sâu. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Qua đánh giá từng ngành hàng, từng thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ có sự phục hồi chậm, thủy sản cũng chậm. Đây là những mặt hàng chịu tác động rất lớn từ nhu cầu thị trường thế giới.

Những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu thị trường quốc tế tốt, đặc biệt là thị trường Trung Quốc như: gạo, cà phê, rau quả, hạt điều… thì Việt Nam đang tận dụng tốt.

Với sản phẩm lâm sản và thủy sản cần cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong cơ cấu thị trường có sự thay đổi lớn, như thị trường Mỹ năm 2022 chiếm 26,4% giá trị xuất khẩu nhưng hiện còn trên 20%; Trung Quốc thời điểm COVID-19 chiếm có 17% nay đã tăng 21%...

Trước biến động thị trường, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cho các lãnh đạo đơn vị tập trung xúc tiến thương mại cho các thị trường truyền thống, tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… với các sản phẩm Việt Nam đang lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

- Trước những khó khăn trong sản xuất cũng như thách thức từ thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì ứng phó, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước khó khăn, thách thức của thế giới, nền kinh tế, tổng cầu giảm rất nhiều, nhiều ngành hàng không có đơn hàng. Nhiều ngành hàng, người lao động chỉ làm việc một số buổi trong tháng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, do đó, nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm.

Trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong chăn nuôi rất lớn; dự báo nắng hạn tiếp tục ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng, khi đã nhận rõ thách thức cũng như đánh giá lợi thế, tiềm năng, ngành đưa ra những giải pháp ứng phó linh hoạt.

Chẳng hạn, năng suất lúa quyết định chính bởi 25 ngày cuối cùng trước khi thu hoạch. Nếu không nắm chắc thời vụ, chỉ đạo không quyết liệt thời điểm xuống giống thì sẽ khó đảm bảo được sản lượng lương thực.

Trong chăn nuôi, bên cạnh tăng cường nhân rộng mô hình  chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ngành triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến giá cả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như: ngô, sắn… tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023 về thủy sản, ngành sẽ có kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trước diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai nghiêm các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.

Tất cả các khâu từ giống, quy trình canh tác, chăm sóc, thú y phòng bệnh đến sơ chế, đóng gói… đều phải thông suốt thì mới có thể nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài để Việt Nam có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng