Chưa có cải thiện đột phá, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam có thể bị Bangladesh, Ấn Độ vượt qua
Tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng khó khăn đang tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp, mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay.
Ông đề cập đến câu chuyện xuất khẩu tôm, thủy sản của Việt Nam giảm, cạnh tranh quốc tế tăng.
"Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỷ USD, muốn lên 15 tỷ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản. Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới", ông nói.
Theo VASEP, tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
VASEP cho hay cả hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đều sụt giảm. Cụ thể, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng 4. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Tại tọa đàm, TS. Khương nêu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Ireland, Singapore khi họ chú trọng hỗ trợ chiến lược doanh nghiệp. Không nên nghĩ doanh nghiệp cứ có thị trường là giỏi. Nếu không có tư vấn, họ đi chưa chắc đã đúng hướng.
"Ví dụ xuất khẩu tôm, doanh nghiệp Việt Nam luôn muốn mở rộng xuất nhiều hơn, không nghĩ đến tăng giá trị gia tăng cao hơn, giảm xuất nhưng hàm lượng giá trị cao hơn. Với các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, cần tính toán kỹ hơn, nhất là thời gian tới phải đương đầu với sự cạnh tranh đến từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh".
TS. Vũ Minh Khương cũng nói đến vấn đề lao động trình độ cao hơn. Ông nêu câu hỏi "lương họ đủ chưa, bao giờ nâng từ 10 triệu lên 15 triệu/tháng".
"Rõ ràng phải đổi mới mô hình, từ việc nhân lực rẻ trở thành nhân lực cao như thế nào là một bài toán tất cả các địa phương phải suy nghĩ đến. Hiện giờ là 'chúng tôi có nhân lực rẻ, đất rẻ, cứ vào đây' là không được. Phải là nhân lực cao", TS. Khương nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cho rằng cần nhanh chóng vượt qua giai đoạn giảm phiền hà, và từ chỗ giảm phiền hà chuyển thành đội quân tinh nhuệ yểm trợ cho các doanh nghiệp tiến lên.
Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị cho các cú sốc bên trong, "ví dụ như trái phiếu vỡ nợ thì giải quyết như thế nào".