|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh, Quảng Nam giảm mạnh nhất cả nước dù năm ngoái lọt nhóm tăng cao

19:28 | 29/05/2023
Chia sẻ
Trái ngược với cùng kỳ năm ngoái, 5 tháng 2023, Bắc Ninh và Quảng Nam đều có chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng thấp nhất cả nước.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Quảng Nam có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng 2023 giảm nhiều nhất cả nước (-33%), Bắc Ninh đứng thứ 4 với mức giảm 19%, trái ngược với cùng kỳ năm 2022 khi đều trong nhóm 10 tỉnh thành có tốc độ tăng IIP nhanh nhất.

Về Bắc Ninh, trước đó, trong báo cáo kinh tế 4 tháng đầu năm, Cục Thống kê tỉnh này cho biết các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đây là những khó khăn hiện nay đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Toàn ngành công nghiệp của tỉnh sụt giảm nhiều còn do các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do lạm phát, lãi suất tăng cao, sức tiêu dùng giảm; chỉ số tồn kho khá lớn đối với mặt hàng điện tử và may mặc. 

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam liên tiếp ghi nhận chỉ số IIP tăng trưởng âm từ đầu năm đến nay. Cơ quan thống kê của tỉnh nhận xét điều này đã cho thấy bức tranh sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn.

"Nguyên nhân chính là do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, cộng với những khó khăn về thị trường, việc thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm… khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp phải thu hẹp sản xuất", Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam cho hay.

 

Ở nhóm có chỉ số IIP tăng cao 5 tháng 2023, Bắc Giang dẫn đầu với mức tăng 15,4%, sau đó là Phú Thọ (15,2%) và Hậu Giang (13,9%). Dù Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng IIP nhưng mức tăng này vẫn kém xa mức tăng 5 tháng 2022 (hơn 43%).

 

Theo cơ quan thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Gia Lai tăng 21,7%; Tuyên Quang tăng 18,6%; Bắc Giang tăng 15,9%; Phú Thọ tăng 15,3%; Hải Phòng tăng 13,4%; Nam Định tăng 13,3%; Kiên Giang tăng 13,1%; Phú Yên tăng 12,3%; Hậu Giang tăng 8,3%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 270,9%; Thái Bình tăng 63,3%; Nam Định tăng 12%.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước gồm Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6%.

Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%; Hòa Bình giảm 6,2%; Đà Nẵng giảm 2,7%. Địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Vĩnh Long giảm 66,5%; Hà Giang giảm 27,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 9,1%; Sóc Trăng giảm 6%.    

Về sản xuất công nghiệp cả nước, Tổng cục Thống kê cho biết tình hình trong tháng 5 có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 4, chỉ số IIP tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. 

Anh Đào