ĐBQH: 1 triệu tỷ đọng trong ngân quỹ trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi hơn 3 triệu tỷ đồng
Ngày 26/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã trả lời báo chí liên quan đến vấn đề hiện ngân quỹ tồn hơn 1 triệu tỷ đồng đang được gửi ngân hàng, theo tin từ báo Người lao động.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, tình trạng có tiền không tiêu được là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công.
Giai đoạn năm 2021-2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn lên tới 700.000 đến 800.000 tỷ đồng, chưa đưa vào nền kinh tế. Cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân. Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được hoặc phân bổ rồi lại không giải ngân được.
Theo đại biểu Lâm, hơn 1 triệu tỷ đồng là khoản tiền rất lớn đang dư ở một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách tiền lương, đầu tư xây dựng cơ bản và một số khoản chi mang tính chất thường xuyên.
"Ai cũng xót xa khi ngân quỹ tồn số tiền lớn đến như vậy. 1 triệu tỷ đồng không được phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 đến 300.000 tỷ đồng, trong khi tiền có trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí", báo Người lao động dẫn lời ông Lâm.
Tuy nhiên, đại biểu Lâm cho rằng chúng ta cũng không nên đẩy tiền đầu tư công ra bằng mọi giá, mà cần sử dụng hiệu quả. Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí thì còn xót xa hơn. Không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan. Trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật. Bởi nếu cắt hết các quy trình, thủ tục thì dễ nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.
Ngày 25/5, tại phiên thảo luận ở tổ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng cho biết tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tới giữa tháng 5 này đã vượt 1 triệu tỷ đồng.
Theo ông Đồng, đây là một vấn đề nhức nhối, là nghịch lý "tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được", không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn toàn đúng. Theo Bộ trưởng, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành nên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, xuất nhập khẩu…
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân.
"Hiện do nghẽn giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8%/năm", ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Từ các vướng mắc trong vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này. Theo Bộ trưởng, khâu chuẩn bị đầu tư hiện nay còn nhiều bất cập.