|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãng phí kéo dài khi hạ tầng giao thông, y tế còn khó khăn nhưng đầu tư công 'không dùng hết tiền'

16:09 | 25/05/2023
Chia sẻ
Ông Nhân dẫn chứng năm 2022 còn dư gần 20% đầu tư công với gần 135.000 tỷ đồng không sử dụng đến. Đây là sự lãng phí thời cơ và sự lãng phí này đã kéo dài, cần phải đề cập đến.

Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tễ xã hội sáng 25/5, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) bày to băn khoăn về việc nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng bên trong của nước ta chưa phát huy tốt, hạ tầng còn khó khăn từ giao thông đến y tế, nhưng đầu tư công lại "không dùng hết tiền".

Ông Nhân dẫn chứng năm 2022 còn dư gần 20% đầu tư công với gần 135.000 tỷ đồng không sử dụng đến. Nếu tất cả số tiền này được sử dụng, không chỉ tạo thêm thu nhập những người trực tiếp sản xuất hàng hóa, mà nó còn kích thích vận tải phát triển, nông nghiệp phát triển, thương mại phát triển. Đây là sự lãng phí thời cơ và sự lãng phí này đã kéo dài, cần phải đề cập đến.

 Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. (Ảnh: Vietnam+).

Bên lề Quốc hội, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề đầu tư công. Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang cho biết tính đến thời điểm này, kết quả giải ngân vốn đầu tư công về tỷ lệ phần trăm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù Chính phủ đã rốt ráo chỉ đạo thực hiện, kiểm tra tháo gỡ khó khăn từ đầu năm. 

Theo đó, tổng thể có rất nhiều nguyên nhân từ việc trình tự thủ tục còn nhiều, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh như: giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, hay ý thức trách niệm người đứng đầu, phối hợp giữa các cơ quan tổ chức chưa đồng bộ…

Điều đáng nói, năm nay tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Bởi, ngoài vốn đầu tư công trung hạn tập trung giải ngân vào năm nay rất nhiều, vốn của chương trình phục hồi kinh tế phải giải ngân cũng rất lớn. Tổng nguồn vốn lớn nên áp lực giải ngân lớn và khó khăn. Vấn đề là cần các biện pháp thúc đẩy thực hiện, để sử dụng hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng.

Đầu tư công tạo ra các công trình hạ tầng, nền tảng cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Bên cạnh đó là nguồn cung tiền cho nền kinh tế để kích cầu, thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng tăng trưởng. Từ đó, bù đắp cho những vấn đề khó khăn, thách thức mà một số lĩnh vực hiện nay gặp phải bất lợi do các yếu tố khách quan.

Những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế thấp bởi các yếu tố thị trường quốc tế như: giá nhiên, nguyên vật liệu, sản xuất do vậy bị ảnh hưởng rất lớn, lao động việc làm cũng gặp khó khăn. Do đó, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề giải quyết bài toán đầu tư công.  

Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) cũng nói về vấn đề gỡ nút thắt pháp luật về đầu tư công. Ông cho biết giải ngân vốn đầu tư cơ bản thấp.

Thực tế, giá cả hàng hoá thời gian qua tăng, trong khi hợp đồng ký kết không điều chỉnh giá khiến nhiều nhà đầu tư bỏ công trình, không tiếp tục thi công, không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư cơ bản. Từ những khó khăn này dẫn đến đời sống của người dân cũng khó khăn, công nhân không có việc làm, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đình đốn. 

Một trong nhưng nguyên nhân do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và lựa chọn nhà đầu tư… còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù với thực tiễn, gây lực cản lớn trong quá trình điều hành, thực hiện của chính quyền địa phương.

Nhiều nghị định, thông tư chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công như việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư của dự án đòi hỏi nhà đầu tư nộp thêm tiền vốn ký quỹ bồi thường đất, nếu không ký quỹ không được thực hiện. Trong khi diện tích dự án không tăng lên, khối lượng công việc tăng lên khiến vốn đầu tư của doanh nghiệp phải tăng theo, gây khó trong triển khai dự án.

Tiếp theo, biến động giá cả, vật tự đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra không tăng kịp gây khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặt khác, quy định điều chỉnh nguồn vốn giải ngân chậm tại Luật Đầu tư cũng cần xem xét lại.  

Theo quy định, nguồn vốn giải ngân chậm của cấp dưới như huyện, xã, giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ra nghị quyết cho phép gia hạn vốn nếu không tiêu hết. Như công trình, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã không được điều chỉnh, giao cho HĐND tỉnh điều chỉnh, trong khi nguyên nhân chậm giải ngân cấp huyện, xã nắm rõ nhất, dễ tháo gỡ nhất. Đây là nút thắt khiến cho việc triển khai đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả đề ra. 

 

Anh Đào