Lần đầu tiên xuất khẩu ở các tỉnh thành lớn đều tăng trưởng âm, mất gần 15 tỷ USD những tháng đầu năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 20 tỉnh thành dẫn đầu về xuất khẩu 4 tháng đầu năm (chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), hầu hết đều tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm so với 4 tháng 2022. Chỉ có Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Tiền Giang, Bình Phước ghi nhận trị giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên bức tranh xuất khẩu 4 tháng đầu năm ở hầu hết các tỉnh thành lớn tăng trưởng âm.
Nếu như 4 tháng 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm 20 địa phương này đạt 108,5 tỷ USD thì 4 tháng năm nay chỉ đạt 93,68 tỷ USD, giảm 14,82 tỷ USD.
Trong nhóm này, ba tỉnh thành công nghiệp lớn phía Nam gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều trong nhóm 5 địa phương giảm mạnh nhất về xuất khẩu. Thái Nguyên dẫn đầu với mức giảm hơn 24%. Một tỉnh phía Bắc khác là Hưng Yên cũng trong nhóm giảm sâu (-22,16%).
Kết quả xuất khẩu suy giảm cũng tương đồng với các số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp IIP những tháng đầu năm không quá khả quan ở các tỉnh thành lớn.
Theo Cục Thống kê Thái Nguyên, 4 tháng đầu năm, IIP của tỉnh tăng 4,54% so với cùng kỳ là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (chỉ cao hơn IIP năm 2020 là giảm 10,3% do giãn cách xã hội).
Cơ quan thống kê của tỉnh đánh giá sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm tốc do chi phí đầu vào, lãi suất tăng cao, trong khi các động lực tăng trưởng đều suy giảm như: xuất khẩu giảm, nhu cầu giảm, giải ngân đầu tư công chậm.
Hầu hết các chỉ số quan trọng của những ngành chủ lực đều có xu hướng giảm, đặc biệt là chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh song tháng 4/2023 chỉ tăng 0,48%, ngành sản xuất kim loại giảm 11,5%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 9,61% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, IIP 4 tháng đầu năm của TP HCM chỉ tăng nhẹ 1,4%, Bình Dương tăng 1,9%.
Đáng chú ý, IIP 4 tháng đầu năm của Bắc Ninh giảm tới 18,47%, mức giảm mạnh nhất trong 5 năm. Trước đó 4 tháng 2022, chỉ số này của Bắc Ninh tăng hơn 17,6%.
Tình hình xuất khẩu khó khăn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nền kinh tế và khiến nhiều công nhân mất việc. Theo báo cáo việc làm quý I của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022.
Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149.000 lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (khoảng gần 21.700 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700).
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm nay là gần 294.000 người.
Trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%.
Số lao động nghỉ giãn việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang (16.000người), Hải Dương (9.800 người), Ninh Bình (19.700 người), Thanh Hóa (62.400 người), Nghệ An (12.600 người), Tây Ninh (khoảng 21.800 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), Đồng Nai (khoảng 35.000 người), TP HCM (khoảng 19.800 người), Tiền Giang (khoảng 11.500 người), Vĩnh Long (khoảng 13.200 người).
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp.
Dựa trên kết quả khảo sát 7.333 doanh nghiệp về dự kiến giảm quy mô lao động. Ban IV nhận định có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, TP HCM có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%).
Khảo sát về hoạt động của doanh nghiệp trong những quý còn lại của năm 2023 theo địa phương, Đà Nẵng đứng đầu trong các địa phương về tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng/tạm ngừng kinh doanh (30,3%), cao hơn khá nhiều mức trung bình cả nước (23,3%).
Đồng Nai đứng đầu các địa phương được phân tích về tỷ lệ doanh nghiệp giảm mạnh quy mô hoạt động (43,9%), sau đó đến Bà Rịa – Vũng Tàu (42,4%).
Theo Ban IV, đây là các địa phương có vị trí quan trọng trong nền kinh tế và có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất khẩu. Kết quả này khá liên quan với bức tranh sụt giảm mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu các tháng đầu năm 2023 và là vấn đề đáng báo động vì khi đa số doanh nghiệp gặp khó khăn, nền kinh tế của từng địa phương và cả quốc gia sẽ gặp khó khăn.