Từ kế hoạch vươn ra toàn cầu của VinFast đến kỳ vọng sản xuất nội địa mạnh, thoát phụ thuộc FDI
Từ tham vọng vươn ra toàn cầu của VinFast,...
Lần gần nhất ông Phạm Nhật Vượng xuất hiện trước truyền thông vào hôm 17/5 – tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup (VIC). Như thường lệ mỗi lần xuất hiện luôn gây chú ý, lần này trước các cổ đông, ông Vượng cho biết nếu chỉ vì kinh doanh kiếm tiền, Vingroup không dại gì làm ô tô.
"Thứ nhất là nhu cầu đóng góp của tập đoàn cho xã hội, cho đất nước. Vingroup là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thành đạt đã có năng lực nhất định thì phải có đóng góp cho đất nước, đóng góp thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, quan tâm trên trường quốc tế. Nếu chỉ kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì lao vào lĩnh vực khó khăn gian khổ thế. Dễ thì không đến lượt chúng ta làm.
VinFast thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của chúng tôi đối với đất nước, không có toan tính trong đó", ông Vượng chia sẻ về lý do Vingroup thành lập VinFast.
VinFast được thành lập vào năm 2017, là mũi nhọn của Vingroup trong hành trình vươn ra toàn cầu. Trong 6 năm kể từ khi thành lập, điểm nhấn của VinFast là quyết định dừng xe xăng để làm xe điện.
Tính từ cuối năm 2021 đến tháng 2/2023, VinFast bàn giao tới người tiêu dùng Việt khoảng gần 10.000 chiếc xe điện VF e34 và VF8. Trong phiên họp thường niên hôm 17/5, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết VinFast trên đường đạt điểm hoà vốn và sẽ sớm có lãi. Ngoài ra, VinFast đang cân nhắc triển khai dòng xe điện siêu nhỏ, nhằm mục tiêu phủ toàn bộ các dải phân khúc sản phẩm.
Đến kỳ vọng xây nền sản xuất nội địa mạnh, tránh phụ thuộc FDI
Ngay sau khi kết thúc phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Vingroup với kế hoạch kinh doanh tiềm năng nhất là VinFast, vấn đề xây dựng một nền sản xuất nội địa mạnh một lần nữa lại được đề cập đến, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn một phần do nhu cầu bên ngoài sụt giảm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhắc lại một quy luật tất yếu nếu nền kinh tế dựa quá nhiều vào FDI, không phát triển được sản xuất nội địa thì rất rủi ro. Khối FDI có thể giảm bớt quy mô đầu tư vào một quốc gia khi không còn các chính sách ưu đãi hoặc qua giai đoạn dân số vàng.
Trong một báo cáo của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các chuyên gia phân tích bản chất của việc doanh nghiệp FDI xuất siêu nhiều sẽ không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều thì cũng nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước xuất xứ, không phải ở Việt Nam, kéo theo giá trị gia tăng trong nước không cao. Các chuyên gia của UNIDO cũng khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI.
Vấn đề cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ bên ngoài và năng lực xuất khẩu của khu vực FDI khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước khủng hoảng toàn cầu cũng từng được nhiều chuyên gia nói đến.
Tại hội thảo chuyên sâu về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước diễn ra cách đây khá lâu từ 2020, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay.
Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu đang ngày càng phụ thuộc vào FDI. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Nếu như năm 2012, xuất khẩu khu vực FDI chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến 2022, tỷ trọng này tăng lên 74,4%.
Theo Sách Trắng Doanh nghiệp năm 2022 do Tổng cục Thống kê ban hành, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 684.260 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp FDI là 22.242 doanh nghiệp. Thế nhưng, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước của khối này chiếm tới khoảng 70%.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh dẫn tới xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp nội địa càng cần được ủng hộ và có các chính sách hỗ trợ, đặc biệt về hỗ trợ thuế, phí để giúp doanh nghiệp "thắng ngay trên sân nhà". Không chỉ về khía cạnh tạo việc làm, tạo thương hiệu quốc gia mà còn thúc đẩy tiêu dùng nội địa, có dòng tiền quay vòng, và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Năm 2019, VinFast đã mang về tới 3.000 tỷ đồng tiền thuế cho Hải Phòng, chiếm 11% tổng thu nội địa, dù chỉ mới chính thức đi vào sản xuất được gần 7 tháng.
Năm 2020, VinFast mang lại số thu gần 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% số thu nội địa của Hải Phòng. Đến năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà máy sản xuất ô tô VinFast vẫn nộp thuế tới gần 5.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất Hải Phòng trong những năm qua.
Năm 2022, VinFast nộp khoảng 2.700 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách Hải Phòng, con số này giảm so với dự toán gần 6.000 tỷ đồng dừng do hãng dừng sản xuất ô tô chạy xăng để chuyển sang sản xuất ô tô điện nên được hưởng ưu đãi thuế.
Hai đại gia ô tô khác là Thành Công (TC Group) và Thaco Group nộp ngân sách lần lượt 22.000 tỷ đồng và hơn 30.100 tỷ đồng trong năm 2022.
Nói riêng về ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm phát triển công nghiệp ô tô theo hướng sản xuất, lắp ráp trong nước, hạn chế nhập khẩu. Trong những năm qua, ba ông lớn gồm VinFast, Thaco Group và Thành Công (TC Group) là ba công ty Việt Nam, cùng có điểm chung về định hướng sản xuất, lắp ráp đã đẩy mạnh mở rộng, xây mới nhà máy.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh trong những năm gần đây.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp ô tô đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines (xe khách, xe con do Thaco sản xuất, lắp ráp) và Mỹ (xe điện của Vinfast).
Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Ngoài ra, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: kết quả đạt được vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng trên 5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
Quay trở lại với câu chuyện xây dựng một khối sản xuất nội địa mạnh, Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ một trong các mục tiêu cụ thể là "hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…” và sản xuất ô tô là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn được chú trọng phát triển.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra định hướng “…khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ”.
Hiện Bộ Công Thương đã kiến nghị về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Mới đây, Bộ này cũng ủng hộ đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước đến hết năm 2023.
Bộ Công Thương cho rằng, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho.
"Mặc dù còn nhiều khó khăn, một số mục tiêu còn cần nhiều thời gian để đạt được, nhưng những doanh nghiệp dám nghĩ dám làm nên được ủng hộ. Lợi ích thấy rõ nhất là tạo việc làm cho nhiều người Việt, xa hơn nữa là cùng Việt Nam vượt bẫy gia công lắp ráp", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.