|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Khó khăn tạo tâm lý ức chế cho doanh nghiệp, mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải thay đổi'

07:27 | 29/05/2023
Chia sẻ
TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh "khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp, tuy nhiên không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay'.

Vấn đề trên được  TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhấn mạnh tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5. 

Ông đề cập đến bối cảnh thế giới với những biến động khó lường và nhấn mạnh cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn quyết liệt. 

"Thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch nhưng không ngờ ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế, có những cái không phải ngày một ngày hai. Trong khi đó, bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất lên cao chưa từng thấy, các nước đang phải vật lộn", ông nói.

 TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore). (Ảnh: VGP).

Nhận xét về điểm tích cực, ông cho rằng Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.

 

Ngoài ra, dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Họ vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới.

Theo ông, giống như Việt Nam, Singapore có tỷ lệ thương mại cao gấp mấy lần GDP. Quý I, GDP Singapore tăng 0,1%. Tăng trưởng của Mỹ khi điều chỉnh vừa rồi xuống còn 1,1%, tức là dấu hiệu còn khó khăn trước khi trở lại thuận lợi.

TS. Khương nhấn mạnh khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay.

Vị giảng viên nêu ví dụ xuất khẩu tôm, thủy sản giảm, cạnh tranh quốc tế tăng. "Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỷ USD, muốn lên 15 tỷ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản. Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới", ông nói và nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như  ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới.

TS. Vũ Minh Khương cũng đưa khuyến nghị phải chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho các cú sốc bên trong, ví dụ như trái phiếu vỡ nợ thì giải quyết như thế nào, cần khu trú tất cả những vấn đề không ảnh hưởng tới tâm tý mọi người.

 

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.