|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vasep: Thủy sản vẫn rộng cửa đi Mỹ dưới chính quyền Trump

14:45 | 10/11/2024
Chia sẻ
Theo Vasep, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có thể gặp thách thức từ chính sách phòng vệ thương mại, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội sau khi ông Trump thành tổng thống.

Nhận định được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nêu sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu của Vasep, 5 năm qua, bình quân mỗi năm xuất khẩu thủy sản sang nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,5-2,1 tỷ USD.

10 tháng đầu năm, kim ngạch sang Mỹ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Ước cả năm nay, Mỹ sẽ chi 1,85 tỷ USD mua thủy sản Việt Nam, tăng 19%.

Hiệp hội này cho rằng chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế nên ít bị tác động trước kết quả bầu cử Mỹ. "Nhu cầu thủy sản Việt của thị trường Mỹ vẫn rất lớn, dù mặt hàng này luôn đối mặt với thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp", Vasep nhận định.

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang đầu năm 2023. (Ảnh: Bùi Toàn).

Vasep phân tích việc ông Trump tái đắc cử tổng thống có thể khiến chuỗi cung ứng của Mỹ thay đổi lớn, theo hướng giảm nhập thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực sang Mỹ nên sẽ thêm cơ hội tăng trưởng.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc giảm mua thủy sản Mỹ, khả năng chuyển sang nhập hàng Việt để thay thế. Nhìn chung, chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn thì vẫn tạo ra cơ hội. "Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Vasep nhận định.

Tuy nhiên, ngành thủy sản đồng thời cũng đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại tăng, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Chính quyền Trump dự kiến tăng các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể khiến các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng chi phí sản xuất và kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, các chính sách này cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia.

Vasep khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ dù thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp thuận lợi hơn năm nay.

Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, Vasep khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng các phương pháp nuôi trồng sạch, theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC).

Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.

Dỹ Tùng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.