|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản phục hồi mạnh trong quý III

12:18 | 02/10/2024
Chia sẻ
Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch COVID-19, căng thảng địa chính trị, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III.

 

Trong quý III, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là giai đoạn cao điểm của năm, với các mặt hàng thủy sản chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng khá. Xuất khẩu cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, và nhuyễn thể có vỏ tăng mạnh nhất với mức tăng 95%.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ trong quý III lại không khả quan khi giảm gần 6% trong tháng 9. Điều này khiến xuất khẩu cá ngừ trong quý chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đã chững lại và có dấu hiệu giảm sút do ảnh hưởng của quy định về kích thước tối thiểu khi đánh bắt, làm thiếu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.

 Nguồn: VASEP

Mặt hàng tôm tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu với gần 2,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý III, xuất khẩu tôm ghi nhận mức tăng trưởng khá, trong đó tôm chế biến tăng gần 10% và tôm đông lạnh tăng 4,5%.

Mặt hàng cua ghẹ đạt kết quả tích cực trong quý III, với mức tăng 56% so với cùng kỳ. Nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt với sản phẩm cua sống, là động lực chính cho sự tăng trưởng này.

Xuất khẩu các loài cá biển khác trong quý III cũng có sự khởi sắc, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 181 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu chả cá surimi tiếp tục giảm 3%, kéo lũy kế 9 tháng đầu năm giảm gần 11% so với năm ngoái, chỉ đạt 203 triệu USD.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Luỹ kế 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP nhận định với đà tăng trưởng này, ngành thủy sản đang có kỳ vọng lớn về sự bứt phá trong những tháng cuối năm, góp phần vào mục tiêu đạt 9,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả năm 2024.

Trong báo cáo mới đây, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho dự báo những tháng cuối năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực. Nhu cầu tiêu thụ cá tra dự kiến tăng mạnh trong mùa lễ hội, cùng với mức so sánh thấp của năm 2023, sẽ tạo điều kiện cho giá bán tăng trưởng.

Bên cạnh đó, giá cá tra cũng đang cải thiện dần, hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của các loại cá khác. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của toàn ngành khó có khả năng tăng cao do không còn ưu thế từ mức nền thấp của năm trước. Dù vậy, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, giữ vững đà tăng trưởng của ngành.

Tại thị trường Mỹ, lượng xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ gia tăng nhờ tỷ lệ hàng tồn kho của ngành thực phẩm và đồ uống so với doanh số bán lẻ vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức trung bình 5 năm qua. Ngoài ra, lượng nhập khẩu cá fillet của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2024 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, cho thấy hàng tồn kho không quá lớn. Thêm vào đó, với mức giá thấp hơn các loại cá khác, cá tra đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể tại thị trường này.

Tại Trung Quốc, lượng xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ vào nhu cầu gia tăng trong mùa lễ hội và sự phục hồi kinh tế sau các biện pháp kích thích kinh tế từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Chính sách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay trung hạn đã giúp thúc đẩy tiêu dùng, tạo động lực cho xuất khẩu cá tra, đặc biệt khi giá cá tra vẫn thấp hơn cá rô phi.

Đối với ngành tôm, VDSC dự báo ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024, với động lực chính đến từ sự gia tăng sản lượng. Giá bán tôm có khả năng phục hồi nhẹ, được hỗ trợ bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và nhu cầu tăng trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, giá bán khó có thể tăng mạnh do sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia xuất khẩu tôm lớn như Ecuador và Indonesia.

H.Mĩ