Lãnh đạo Vissan muốn đẩy mạnh bán xúc xích trên kênh TMĐT, lo ngại giá heo tăng ảnh hưởng lợi nhuận
Ngày 26/4, CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan - Mã: VSN) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại đại hội, ban lãnh đạo báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty trong 2023. Theo đó, năm ngoái, VSN ghi nhận tổng doanh thu là 3.384,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 106,7 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch; sản lượng thực phẩm tươi sống 10.470 tấn và thực phẩm chế biến 21.511 tấn.
Công ty dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 sẽ tăng trưởng chậm lại. Các thách thức như suy thoái trong ngắn hạn, áp lực về lãi suất, tỷ giá và lạm phát gia tăng, sức mua giảm vẫn còn là thách thức lớn đối hoạt động sản xuất kinh doanh của Vissan.
Trước những thách thức đó, Vissan đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 với tổng doanh thu đạt 3.570 tỷ đồng (tăng 5,5% so với 2023), lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 141,5 tỷ đồng (tăng 2,1%), sản lượng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến lần lượt là 10.600 tấn (tăng 1,2%) và 23.500 tấn (tăng 9,2).
Công ty đã chuẩn bị các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu như: tiếp tục đầy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed - Farm - Food, xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn, trong đó có dự án đầu tư trại heo mới ở Bình Dương, nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định trong dài hạn.
Công ty sẽ tập trung triền khai mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt heo, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau, đặc biệt chú trọng đến kênh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng muốn hướng tới thị trường xuất khẩu.
Lãnh đạo Vissan cho biết sẽ triển khai kế hoạch kinh doanh sản phẩm khay vi theo quy trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP với hình thức đóng khay mới để phù hợp với xu thế.
Đối với ngành hàng thực phẩm chế biến trong năm 2024, công ty sẽ tiếp tục cho ra mắt các dòng sản phẩm mới, chú trọng vào tính tiện lợi và nhanh chóng như các dòng sản phẩm chả lụa que, phần phối tại các hệ thống siêu thị tiện lợi như Ministop, GS25,… hướng đến phân khúc khách hàng trẻ, tiếp cận nhóm khách hàng GenZ.
Đối với kênh bán hàng trực tuyến, Vissan sẽ đẩy mạnh các hoạt động bán hàng thông qua kênh website và các sàn TMĐT hiện có, cũng như đưa sản phẩm lên các nền tảng TMĐT mới như TikTok Shop.
“Theo các báo cáo phân tích mà tôi có được, tỷ lệ xúc xích trên thị trường giảm 16%, chúng tôi giảm 8-9% trong năm 2023. Mức tiêu dùng người dân suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gặp khó”, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan nói.
Ông Nguyễn Phúc Khoa cũng báo việc giảm vốn điều lệ do mua lại cổ phần của người lao động nghỉ việc. Tính đến thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2024, công ty đã thực hiện mua lại tổng cộng 9.800 cổ phiếu, trong đó 600 cổ phần được hoàn tất mua lại vào ngày 20/6/2019 và 9.200 cổ phần vào ngày 26/7/2023. Tổng vốn điều lệ hiện tại của Vissan là 809 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc công ty cũng đã báo cáo đại hội tình hình thực hiện di dời dự án Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan ở Long An. Theo đó, lãnh đạo công ty cho biết việc rút dự án khỏi quy hoạch cụm công nghiệp để tiến hành chuyển sang hình thức đầu tư trực tiếp. Đồng thời điều chỉnh quy mô dự án nhằm phù hợp với tình hình quy hoạch thực tế.
Phiên thảo luận
Giá heo hơi đang tăng ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận của công ty? Công ty có kế hoạch thu mua heo trước hoặc nhập khẩu thịt heo đông lạnh để tránh việc giá heo hơi có thể tăng trong thời gian tới không? Nhận định thế nào giá heo hơi thời gian tới? Nhận định thế nào về xu hướng tiêu thụ các sản phẩm chế biến thịt heo trong năm nay? Liệu có sự phục hồi không?
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc: Thực ra, giá heo hơi ở Việt Nam biến động dữ dội theo kết quả của ngành chăn nuôi do nhiều yếu tố như tình hình dịch tả, thiếu hụt lượng đàn… và năm nay có thể rất phức tạp. Dựa trên các chỉ báo mà chúng tôi xây dựng, giá heo hơi dự kiến khoảng 59.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, do biến động về nguồn cung nên giá đã tăng liên tục, đến thời điểm này 64.000/kg.
Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của Vissan. Mức độ đầu vào như vậy nhưng không thể tăng do đó giá do đó lợi nhuận của công ty không thể tăng trưởng và chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng chỉ tiêu 2024 thấp hơn.
Về nhập khẩu heo đông lạnh, người Việt không sử dụng thịt heo đông lạnh. Nguồn heo ra thị trường như chợ, siêu thị,.. chỉ có heo nóng và heo mát. Do đó, nhập heo đông lạnh không thể kinh doanh ở thị trường Việt Nam.
Dù ngành thực phẩm là mặt hàng thiết yếu nhưng người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chuyển sang sản phẩm giá rẻ hơn đã ảnh hưởng tới mức độ tiêu thụ và sản xuất của các công ty trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Chủ tịch HĐQT: Tỷ lệ hàng tươi sống của Vissan so với thịt chế biến là 30-70. Giá heo biến động nhiều trong năm nay sẽ ảnh hưởng tới hàng thịt tươi sống là chủ yếu. Chúng tôi đang áp dụng chương trình bình ổn giá cho hàng tươi sống nên hạn chế tăng giá và điều đó ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty trong năm nay.
Mặc dù, chúng tôi dự tính giá trung bình ở mức 59.000 đồng nhưng hiện tại đã lên tới 64.000 đồng và dự kiến từ tháng 5 tới tháng 7, giá có thể lên tới 69.000-70.000. Từ tháng 8 đến tháng 10, giá có thể giảm một chút nhưng sẽ không thấp hơn mức giá 56.000 đồng. Chúng tôi dự báo giá trung bình cả năm có thể lên 60.000 và điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của chúng tôi trong năm 2024.
Về xu hướng của thịt chế biến, do kinh tế khó khăn nên mức tiêu dùng của người Việt giảm và họ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm khác như thịt gà, cá. Điều này ảnh hưởng tới mức tiêu thụ thịt heo song nó không ảnh hưởng quá nhiều bằng tâm lý tiêu dùng.
Như đã nêu trước đó, số liệu khảo sát thị trường cho thấy sản phẩm xúc xích tiệt trùng trong năm 2023 đã giảm 16%, trong khi Vissan giảm 9%.
Mức giảm này không đến từ sức tiêu thụ mà do ảnh hưởng từ tâm lý người tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt là các bà mẹ. Nhận thức của họ luôn cho rằng những sản phẩm như thế này bảo quản được lâu là có chất bảo quản. Do đó, chúng tôi phải tìm cách thay đổi nhận thức của khách hàng về vấn đề này, khẳng định công ty không sử dụng các chất bảo quản.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng có thể mua sắm trực tuyến dễ dàng, giá cả ưu đãi hơn so với siêu thị, cửa hàng. Công ty có kế hoạch nào bắt kịp xu thế mua sắm trực tuyến hiện nay?
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT: Đây cũng là trăn trở của ban lãnh đạo công ty, làm sao để giải quyết được bài toán TMĐT. Mặc dù tỷ trọng TMĐT của Vissan hiện tại chưa cao nhưng chúng tôi cho rằng nó đã tăng trưởng rất nhanh so với hai năm trước.
Vissan đã hợp tác với Sendo để mở gian hàng và doanh số tăng gấp 3 lần. Trang web công ty ghi nhận giá trị trên mỗi đơn hàng tăng. Đây là những kết quả để chúng tôi đánh giá về quy trình TMĐT và công ty có kế hoạch lập bộ phận chăm sóc khách hàng trên sàn TMĐT. Công ty đặt mục tiêu khiêm tốn là kênh TMĐT đóng góp 2% vào doanh thu.
Kết quả kinh doanh trong 4 tháng đầu năm đã có cải thiện như thế sao so với cùng kỳ năm trước?
Ông Nguyễn Ngọc An: Năm 2023, chúng tôi có sự sụt giảm doanh thu nhưng tỷ lệ sụt giảm không thấp hơn so với trung bình toàn ngành. Với năm 2024, chúng tôi tập trung vào kênh truyền thống, cung cấp tủ lạnh ở các điểm bán để gia tăng cơ hội đưa nhiều sản phẩm chế biến ra kênh này nhiều hơn.
Kết quả 4 tháng đầu năm đạt tổng doanh thu 113 tỷ đồng, lợi nhuận 45,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 31-32% kế hoạch. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa, khó khăn ở quý I sẽ dồn vào ba quý còn lại.
Xin ban lãnh đạo giải thích thêm về tỷ lệ tăng trưởng 5% trong năm nay và kế hoạch chia cổ tức năm 2024 cũng như dài hạn?
Ông Nguyễn Phúc Khoa: Tỷ lệ tăng trưởng 5% trong năm 2024 chúng tôi đã cân nhắc khá kỹ dựa trên các dự báo thị trường của năm trước và năm nay. Chúng tôi thấy mức độ hồi phục của thị trường năm nay vẫn chưa cao. Chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường nhưng doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt được 31-32% kế hoạch, khá sát với dự báo.
Có nhiều nguyên do cho kết quả này. Theo nghiên cứu thị trường độc lập của Vissan đối với thực phẩm chế, chúng tôi thấy nhân tố giá đóng vai trò quan trọng là giá rẻ mà Vissan lại không thể theo đuổi chiến lược giá rẻ.
Trong trung và dài hạn, chúng tôi phải tung ra các sản phẩm mới như thịt mát đóng khay vi MAP, xúc xích ở nhiệt độ trung bình và một số sản phẩm dạng que, Chúng tôi kỳ vọng số sản phẩm này sẽ kéo lại tăng trưởng. Tỷ lệ thịt chế biến và tươi sống đang là 30:70 và chúng tôi cho rằng đây là tỷ lệ vàng. Công ty cũng muốn tăng tỷ lệ này lên nhưng giá đang biến động rất lớn. Giá heo hơi ảnh hưởng nhiều tới nguyên liệu đầu vào của chúng tôi.
Dự kiến chúng tôi chia cổ tức năm 2023 với mức 6% và năm 2024 là 5%, nếu cổ đông so sánh với lợi nhuận thì sẽ thấy không đủ. Chúng tôi đang lấy lợi nhuận để lại từ những năm trước để chia. Những năm trước chúng tôi không chia hoặc chia ít với lý do giữ lại để làm nguồn vốn đối ứng với dự án Long An, dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy công ty phải có khoảng vài trăm tỷ cho việc này. Nếu chúng ta chia như vậy thì sắp tới khi tiến hành dự án, chúng tôi sẽ phải tính lại.
Về giá cổ phiếu, Vissan là trường hợp đặc biệt với ba cổ đông lớn, trong đó cổ đông nhà nước chiếm 67,68%, Masan chiếm 24,6%, CJ chiếm 2,7% và tổng ba cổ đông đã chiếm hơn 91%. Tỷ lệ cô đặc như vậy khiến lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường rất nhỏ, chủ yếu ở sàn UPCOM.