ĐHĐCĐ VEAM: Bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, kiên trì với mục tiêu niêm yết cổ phiếu
Sáng 20/6, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Bên cạnh các khó khăn của nền kinh tế thế giới, trong nước và các vấn đề xung đột địa chính trị, lãnh đạo VEAM cho biết một số tồn tại, vướng mắc của giai đoạn trước đây ở tổng công ty vẫn chưa thể giải quyết dút điểm, đặc biệt là công nợ khó đòi (trong đó bao gồm công nợ hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên).
Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan. Doanh nghiệp dự kiến còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế.
Ngoài ra, các công ty con là công ty cổ phần muốn cơ cấu lại tỷ lệ nắm giữ cổ phần của công ty mẹ vẫn rất khó khăn do cần phải đánh giá, phân tích và đề xuất phương án phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, bám sát định hướng phát triển tổng thể của VEAM.
Năm nay, VEAM lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu 6.414 tỷ, giảm 22% so với thực hiện năm 2023 và dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 5.489 tỷ. VEAM cho biết kế hoạch lợi nhuận này chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm.
Công ty mẹ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng cao về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm vẫn là đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe đang sản xuất, cũng như các dòng xe mới đưa ra thị trường.
Doanh thu thương mại, dịch vụ cũng được xây dựng mục tiêu tăng 124% song vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu doanh thu bán hàng.
Ngoài ra, VEAM cũng song song tập trung đẩy mạnh tìm kiếm các phương án để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tiêu thụ số lượng xe tồn kho lâu năm tại VM (hiện đang triển khai thông qua hình thức bán đấu giá).
Doanh thu tài chính dự kiến chỉ bằng 74% thực hiện năm trước do hiệu quả hoạt động trong năm 2023 của các doanh nghiệp VEAM đầu tư góp vốn sụt giảm mạnh. Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi năm 2024 dự kiến cũng thấp hơn nhiều so với năm 2023 dẫn tới doanh thu đầu tư tài chính ngắn hạn ước chỉ bằng 50% so với năm trước.
Năm 2024, VEAM cho biết sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tập trung tìm giải pháp về pháp lý, về thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại VM cũng như xe ô tô Changan và máy kéo ISEKI.
Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại để hoàn thành mục tiêu quyết toán cổ phần hóa.
Đồng thời hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghềhoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của VEAM trong tương lai, khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, doanh nghiệp dự kiến dành 6.691 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền. Hiện VEAM có hơn 1,328 tỷ cổ phiếu đang lưu hành tức cổ tức khoảng 5.035 đồng/cp.
Tổng công ty cho hay hiện nay, Bộ Công Thương chưa có ý kiến về việc chấp thuận phân phối lợi nhuận năm 2023 của VEAM. Hội đồng quản trị sẽ trình ĐHĐCĐ ủy quyền để Hội đồng quản trị quyết định việc phân phối lợi nhuận theo ý kiến của Bộ Công Thương và lựa chọn thời điểm chi trả cổ tức năm 2023 phù hợp.
Trong buổi họp hôm nay, VEAM cũng tiếp tục trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA.
Đại hội đồng cổ đông thường niên VEAM năm 2023 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán, tuy nhiên trong năm 2023 VEAM chưa hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu do chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về niêm yết.
Bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT
ĐHĐCĐ đã thông qua việc bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT gồm ông Ngô Khải Hoàn, ông Nguyễn Hoàng Giang, bà Ngô Thị Hoa, bà Trần Thị Nguyệt.
Trong đó, bà Nguyệt do nhóm cổ đông (gồm ba công ty) sở hữu hơn 66 triệu cổ phiếu VEA (nắm 5% vốn VEAM) đề cử.
Bà Nguyệt sinh năm 1975, hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo tại loạt doanh nghiệp như: Chủ tịch CTCP Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội, Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Cung ứng Dịch vụ Tổng hợp Thịnh Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH SLCC và thành viên HĐQT CTCP Cho thuê Máy bay Việt Nam.
Còn ông Ngô Khải Hoàn sinh năm 1979, hiện đang làm Phó Cục trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Công thương từ tháng 4/2019 đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1972, hiện đang là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công thương từ 2014 đến nay.
Cuối cùng là bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1977 và cũng đang giữ vị trí Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công thương.
Thảo luận:
Tình hình hoạt động các đơn vị thành viên của VEAM trong năm qua?
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT: VEAM có tổng cộng 13 công ty con, 8 công ty liên kết
Trong năm 2023, 10/13 công ty con đã hoạt động kinh doanh có lãi. Tổng lãi công ty con năm 2022 là 497 tỷ, sang năm 2023 ghi nhận lợi nhuận là hơn 500 tỷ đồng.
Ở nhóm công ty liên doanh, liên kết, 6/8 công ty năm 2023 có lãi, có hai đơn vị sau nhiều năm thua lỗ có lãi là CTCP Matexim Hải Phòng (VEAM sở hữu hơn 20% vốn) và CTCP Nakyco (VEAM nắm 49% vốn)
Có thông tin thời gian tới VEAM sẽ thay đổi quyền sở hữu nhà nước từ Bộ Công thương sang Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), việc này đã thực hiện tới đâu?
Chủ tịch HĐQT: Chúng tôi được biết Bộ Công thương và CMSC đang làm việc về chuyển đổi cơ quan đại điện vốn nhà nước tại VEAM. VEAM sẽ công bố thông tin chính thức tới cổ đông khi có thông tin.
Việc niêm yết cổ phiếu của VEAM đã nằm trong kế hoạch nhiều năm qua song chưa thực hiện được. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu VEA trong thời gian tới ra sao?
Chủ tịch HĐQT: Năm qua, VEAM cũng được ĐHĐCĐ thường niên thông qua việc niêm yết cổ phiếu.
VEAM cần có thời gian giải quyết, xử lý các vướng mắc liên quan. Ban lãnh đạo của VEAM đều xác định việc niêm yết cổ phiếu là mục tiêu dài hạn và kiên trì để đạt mục tiêu đó trong thời gian tới.
Báo cáo kiểm toán năm 2023 của VEAM có ba ý kiến ngoại trừ. Quan điểm trong thời gian tới, VEAM sẽ kiên trì xử lý các ý kiến ngoại trừ, nâng cao năng lực quản trị từ công ty mẹ tới công ty con.
Các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023:
(1) Tại ngày 31/12/2023, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị 44 tỷ đồng, tại ngày 1/1/2023 là 166 tỷ đồng (bao gồm các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn là 121 tỷ đồng)...
(2) Tại ngày 31/12/2023, VEAM trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 739 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là gần 107 tỷ đồng (giá trị đã trích lập tại ngày 1/1/2023 là 1 tỷ đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là gần 124 tỷ đồng).
(3) Tại ngày 31/12/2023, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị là gần 457 tỷ đồng (bao gồm: chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn bộ (Matexim) là 453 tỷ đồng) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Việc Tổng Giám đốc VEAM bị khởi tố ảnh hưởng ra sao tới VEAM?
Lãnh đạo VEAM: Tôi thay mặt cho ban lãnh đạo VEAM xin gủi lời xin lỗi tới cổ đông về sự việc trên. Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phan Phạm Hà và đang tiến hành điều tra theo quy định. Nội dung chi tiết về vụ việc VEAM sẽ công bố sau khi có kết luận của cơ quan điều tra.
Sự việc này rất bất ngờ, VEAM đã kịp thời xử lý dưới chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương, HĐQT đã họp 4 phiên liên tục. Sự việc đó xảy ra tại công ty mẹ nên không ảnh hưởng tới các đơn vị thành viên của VEAM, không ảnh hưởng tới các đối tác, liên doanh của VEAM.