|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiêu thụ thịt và sản phẩm chế biến yếu, Vissan khó về đích kế hoạch lợi nhuận

21:03 | 02/11/2023
Chia sẻ
9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Vissan đạt gần 2.528 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 111 tỷ đồng, mới thực hiện được 61% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Vissan khó cán đích lợi nhuận cả năm

Suy thoái kinh tế, tiêu thụ yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt. CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan - Mã: VSN) cũng là một trong số đó.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho rằng rất khó để công ty có thể về đích như mục tiêu đã đặt ra.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Vissan đạt gần 2.528 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện được 61% cả mục tiêu doanh thu (4.100 tỷ) và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (182 tỷ).

Riêng trong quý III, doanh thu thuần quý đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp đạt khoảng 22,2%, giảm 1 điểm % so với quý II và cùng kỳ năm 2022. 

Sau khi trừ chi phí kinh doanh, lãi vay và thuế, lợi nhuận sau thuế quý III còn 25 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, mức thấp nhất kể từ quý I/2020.

Báo cáo của công ty cho thấy 9 tháng năm nay, chi phí bán hàng của doanh nghiệp khoảng 394 tỷ đồng, trong đó chi phí cho nhân viên chiếm 40%; chiết khấu, hỗ trợ bán hàng chiếm 17%. Chi phí lãi vay giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước (từ 6,1 tỷ xuống 1,38 tỷ) khi nợ vay ngắn hạn và dài hạn đều giảm hơn 2.000 tỷ (cuối quý III so với đầu năm).

 

 

Phục hồi dựa vào lực cầu của nền kinh tế

Phó Tổng giám đốc Vissan nhận định năm 2022 đã khó, 2023 càng khó khăn hơn với ngành chăn nuôi. Vấn đề lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này vẫn nằm ở sức cầu yếu, kéo theo hàng loạt hệ lụy và các chi phí phát sinh.

“Hàng hóa doanh nghiệp vẫn sản xuất đều như mọi năm nhưng tiêu thụ rất chậm. Có những thời điểm, công ty phải tung ra các chương trình khuyến mại 30-40%, điều chưa từng có trước đây để kích thích tiêu dùng”, ông Phú chia sẻ.

Mặt khác, khi tiêu thụ hàng hóa yếu ảnh hưởng doanh thu của hệ thống siêu thị, họ sẽ tăng phần trăm chiết khấu để bù đắp, điều này gây áp lực cho các nhà cung cấp như Vissan.

Ông Nguyễn Đăng Phú cho biết giá thịt của các công ty chăn nuôi có thể cao hơn ngoài chợ, tuy nhiên doanh nghiệp không được hưởng nhiều như vậy bởi phải chịu nhiều chi phí sản xuất khác, áp dụng chiết khẩu cho nhà phân phối (cửa hàng, siêu thị).

 “Một tiểu thương bán 30 kg thịt đã có thể nuôi cả gia đình, song Vissan bán 30 kg thịt chỉ lãi mấy chục nghìn, đó là chuyện rất bình thường", ông cho hay.

Nhận định về ý kiến cho rằng khi giá heo hơi ở mức thấp, các công ty ở mảng chế biến có thể hưởng lợi nhờ giá vốn rẻ, ông Phú cho rằng giá heo hiện tại so với hàng thực phẩm chế biến vẫn còn cao, Vissan chủ yếu hưởng lợi từ giá nguyên liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất xúc xích, còn một số mặt hàng như giò lụa vẫn ưu tiên dùng thịt tươi.

Dự báo về triển vọng năm 2024, ông Phú cho biết chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng cho ngành chăn nuôi khi kinh tế được dự báo vẫn còn khó khăn. “Tất cả đều phải phụ thuộc vào lực cầu, điều này liên quan sự phục hồi của kinh tế và thu nhập của người dân”, lãnh đạo Vissan nói.

Phạm Mơ