Doanh nghiệp cảng biển lãi đậm, chờ đợi những siêu cảng tỷ USD
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Khối lượng do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển ước đạt 140,9 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
Sản lượng tàu thuyền qua cảng cũng tăng trong năm ngoái với số lần thông qua cảng biển ước đạt 102.670 lượt, tăng trưởng 2%. Phương tiện thuỷ nội địa tăng trưởng cao hơn ở mức 8%, đạt khoảng 380.100 lượt.
Ngoài tăng trưởng về sản lượng và số lượt qua lại, hoạt động vận tải biển và lưu thông hàng hoá cũng luôn ổn định, có nhiều điểm sáng. Cụm cảng Cái Mép lọt top 7 và cụm Hải Phòng đứng thứ 70 về quy mô cảng container trên thế giới.
Loạt công ty lãi đậm
Thực tế này cũng được thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành. Đại diện lớn là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ghi nhận sản lượng container thông qua đạt 10,81 triệu TEU (tăng 10%), tương đương gần 160 triệu tấn hàng hóa.
Tổng doanh thu khoảng 32.000 tỷ đồng (tăng 16%), tổng lợi nhuận gần 7.000 tỷ (tăng 33%), nộp ngân sách nhà nước 2.672 tỷ (tăng 28%). Thị phần khai thác container xuất nhập khẩu qua các cảng đạt hơn 55% cả nước.
Sang năm 2025, Tân cảng Sài Gòn xác định phát triển kinh doanh trên 5 trụ cột; phấn đấu các chỉ tiêu kinh tế cơ bản (doanh thu và lợi nhuận) tăng 5%, riêng trụ cột logistics tăng trên 15% so với năm ngoái.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) báo cáo sản lượng vận tải biển đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua ước đạt 145 triệu tấn, bằng 126% cùng kỳ và 117% kế hoạch.
Doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 3.126 tỷ, lần lượt tăng 33% và 47% so với 2023. Các con số này cũng hoàn thành 126% kế hoạch doanh thu và vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận.
Bước sang năm 2025, tổng công ty đề ra kế hoạch phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021-2025, tiếp tục tăng trưởng so với năm ngoái với 6 mục tiêu chiến lược.
Công ty tư nhân Gemadept (Mã: GMD) cũng không kém cạnh khi chứng kiến doanh thu tăng trưởng 26% lên trên 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng 22% đạt 2.162 tỷ đồng. Đây đều là các con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Tuy nhiên, do không còn nguồn thu đột biến từ chuyển nhượng vốn và bán tài sản lớn như cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế giảm 34% còn gần 2.080 tỷ đồng, kết quả này vẫn vượt 4% kế hoạch năm.
CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) tương tự ghi nhận doanh thu kỷ lục gần 2.800 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với năm liền trước. Lợi nhuận trước thuế cũng lên mức cao nhất mọi thời đại với hơn 651 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
CTCP Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) - công ty con thuộc Tổng công ty Sonadezi - ghi nhận doanh thu tăng trưởng 15% để lần đầu đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm đạt mức kỷ lục 347 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Hay Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) báo cáo tổng sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống tăng lên khoảng 40 triệu tấn; hàng tổng hợp đạt trên 8 triệu tấn. Doanh thu đạt gần 2.600 tỷ đồng, là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt mức kỷ lục gần 1.200 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2023 và thực hiện 226% kế hoạch năm.
Kỳ vọng những siêu cảng
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác cảng tươi sáng trong năm 2024 và triển vọng thời gian tới cũng được củng cố bởi việc đầu tư/chuyển nhượng những siêu dự án nhằm gối đầu cho tăng trưởng.
CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) - một thành viên của VIMC - mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tổng mức đầu tư ước tính 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).
Đây là cảng trung chuyển quốc tế đặc biệt, có quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế. Dự án sẽ thực hiện trong vòng 20 năm (đến năm 2045), có thể tiếp nhận tàu mẹ có trọng tải lên đến 250.000 DWT và công suất tối đa đến 16,9 triệu TEU/năm.
Cảng Sài Gòn dự kiến liên doanh với Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL), một thành viên của của hãng tàu biển hàng đầu thế giới MSC với năng lực chuyên chở đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% năng lực vận tải đội tàu thế giới.
CTCP Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) - thành viên thuộc VIMC - quan tâm đến việc đầu tư phát triển Cảng Liên Chiểu với quy mô gần 2 tỷ USD. Tuy nhiên, đơn vị này sẽ phải cạnh tranh với những liên doanh sừng sỏ khác như Adani - Anh Phát, liên doanh APM Terminals - Hateco hay Sumitomo - BRG.
Gemadept cũng đang mở rộng hoạt động đầu tư với dự án Nam Đình Vũ - Giai đoạn 3, kỳ vọng đưa vào khai thác cuối năm 2025 sau khi hai giai đoạn đầu đã lấp đầy công suất. Dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A có tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD cũng đang đẩy nhanh tiến độ.
Gemalink gần đây còn xuất đầu tư, phát triển cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Tổng mức đầu tư của dự án trên 50.000 tỷ đồng, cũng đang được nhiều liên doanh nhà đầu tư khác quan tâm, muốn giành quyền phát triển.
Viconship mới đây đã thoái toàn bộ vốn PTSC Đình Vũ để tập trung khai thác cụm cảng "liền thổ" VIMC Đình Vũ - Cảng Nam Hải Đình Vũ (thâu tóm từ quý II/2024) - VIP Green. Lợi thế liền thổ sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành và không còn phải chuyển tàu ra các cảng khác khi trùng lịch tàu vào mùa cao điểm.
Công ty còn đầu tư nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vận tải biển Vinaship từ mức 2,46% lên 40,01%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đơn vị này. Vinaship hiện sở hữu 5 tàu với tổng năng lực vận tải gần 96.000 DWT, là mảnh ghép củng cố hệ sinh thái logistics toàn diện hơn cho Viconship.
Cảng Hải Phòng trong năm qua cũng có bước tiến lớn trong việc thành lập hai công ty liên doanh quan trọng. Đó là liên doanh 25 triệu USD với hãng tàu hàng đầu châu Á STIC để làm dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa và vận tải.
Liên doanh tiếp theo với TIL - thuộc hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC. Đơn vị này được thành lập nhằm khai thác hai bến container quốc tế số 3-4 thuộc dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện. Siêu dự án đang triển khai các hạng mục liên quan để bắt đầu đưa vào khai thác trong quý I.
Sau khi đi vào hoạt động, bến 3-4 sẽ bổ sung thêm 1,1 triệu TEU, giúp tăng gấp rưỡi công suất hoạt động của PHP lên mức 3,2 triệu TEU/năm, vượt mặt Viconship trở thành doanh nghiệp có quy mô khai thác lớn nhất tại Hải Phòng.
Dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế chính trị trên thế giới, Chứng khoán Mirae Asset kì vọng sản lượng hàng qua cảng biển cả nước trong năm 2025 vẫn diễn biến tích cực nhờ việc đầu tư công cho hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển ngày càng được tập trung chú trọng.
Mirae Asset nhận định việc thay đổi các liên minh tàu từ tháng 2/2025 sẽ tác động đến việc sắp xếp lại các tuyến dịch vụ, thay đổi lựa chọn cảng đến dẫn đến sự phân phối lại hàng hóa giữa các cảng dựa trên hãng tàu đối tác.
Các doanh nghiệp cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong trung và dài hạn do tiềm năng tăng trưởng bền vững về sản lượng và giá cước tăng trưởng ổn định ở mức trung bình 5-10%/năm, đặc biệt sau khi mức giá trần và giá sàn đã được điều chỉnh tăng đáng kể theo thông tư 39.