Doanh nghiệp trích lập dự phòng hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khi rót tiền đầu tư chứng khoán
Khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh cho thấy giá trị thị trường (hay giá trị hợp lý) đang thấp hơn so với giá gốc đầu tư vào chứng khoán của một công ty (đa phần trường hợp là đầu tư cổ phiếu).
Giá trị trích lập càng lớn cho thấy việc rót vốn đang không đúng hướng kỳ vọng, vì thông thường mục đích hoạt động mua cổ phiếu là nhằm kiếm lời từ chênh lệch giá, trừ số ít các trường hợp mua để nắm giữ cổ phần tại một doanh nghiệp khác, nhưng vẫn ghi nhận ở chứng khoán kinh doanh.
Ở những doanh nghiệp có khoản đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn so với tổng tài sản, việc trích lập dự phòng càng lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền cũng như hiệu quả kinh doanh. Ngược lại, tuy trích lập hàng chục hoặc hàng trăm tỷ đồng, nhưng với những doanh nghiệp quy mô lớn như Vietjet hay Gelex, tác động của khoản mục này là không đáng kể.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Hàng không Vietjet (Mã: VJC) cho thấy giá trị hợp lý chứng khoán kinh doanh cuối kỳ đạt 603 tỷ đồng. Đây toàn bộ là khoản đầu tư 50 triệu cp PV OIL (Mã: OIL) với giá gốc 990 tỷ đồng, hiện đang trích lập dự phòng 387 tỷ đồng.
Điểm tích cực là con số trích lập dự phòng đã thu hẹp khoảng 100 tỷ đồng so với hồi đầu năm, theo đà hồi phục của cổ phiếu OIL trong 2024 (tăng 29%).
Ngoài ra, hãng hàng không giá rẻ còn đang rót 600 tỷ đồng vào trái phiếu, ghi nhận ở khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, cùng với 2.622 tỷ đồng tiền gửi. Khoản đầu tư trái phiếu có kỳ hạn 3 tháng, hưởng lãi suất 7,4 - 7,6% mỗi năm. Khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3-12 tháng, hưởng lãi suất 2 - 5,9% mỗi năm.
Đang trích lập dự phòng hàng trăm tỷ còn có CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (Mã: SGI). Công ty ghi nhận giá trị chứng khoán kinh doanh cuối năm có giá gốc 750 tỷ đồng, giá trị hợp lý cuối kỳ đạt 622 tỷ đồng.
Sài Gòn 3 Group đang trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tổng cộng 165 tỷ đồng tại các khoản đầu tư vào Tổng CTCP Bảo Minh (Mã: BMI) (0,4 tỷ đồng), Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) (4,2 tỷ đồng), In Sách giáo khoa Hòa Phát (Mã: HTP) (151 tỷ đồng), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) (1,9 tỷ đồng) và cổ phiếu khác (8,2 tỷ đồng).
Khoản trích lập lớn nhất ở HTP, khi thị giá mã này bất ngờ giảm đến 86% trong năm 2024. Giá trị cuối kỳ tại HTP chỉ còn chưa đến 20 tỷ đồng, so với giá gốc 171 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, Sài Gòn 3 Group chỉ trích lập dự phòng giảm giá tổng cộng 14 đối với danh mục giá gốc tổng cộng 587 tỷ đồng. Trong đó khoản đầu tư tại HTP có giá gốc 186 tỷ đồng và chưa phát sinh trích lập.
HTP là một trong những cổ phiếu giảm sâu nhất năm 2024 (giảm 93%). Đà lao dốc diễn ra song song với kết quả kinh doanh ảm đạm. Năm 2024, In Sách giáo khoa Hòa Phát bất ngờ thua lỗ ròng 52 tỷ đồng, chủ yếu do áp lực chi phí (năm 2023 lãi ròng 3,5 tỷ đồng).
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/12-2-htp-20250212140534596.png?width=700)
Đà giảm của HTP trong hai năm 2023 - 2024 khiến Sài Gòn 3 Group phải trích lập dự phòng hơn trăm tỷ đồng). (Biểu đồ: TradingView).
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) cũng gia tăng trích lập dự phòng trong năm qua. Giá trị trích lập là 62 tỷ đồng đối với danh mục có giá gốc gần 250 tỷ đồng tại cuối 2024.
CII chủ yếu trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư cổ phiếu HUT của Tasco. Thời điểm đầu năm 2024, CII nắm hơn 18 triệu cp HUT với giá gốc 394 tỷ đồng, song phải trích lập gần 24 tỷ đồng.
Trong năm, CII đã bán ròng gần 7 triệu cp HUT, đưa lượng nắm giữ về 11,7 triệu cp, tương ứng với giá gốc 246 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn 185 tỷ đồng và CII phải trích lập dự phòng hơn 61 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, danh mục chứng khoán kinh doanh cuối năm của CII đang nắm SII của Hạ tầng nước Sài Gòn và GMD của CTCP Gemadept với giá gốc 3,2 tỷ đồng và 0,3 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư SII đang phải trích lập dự phòng 0,8 tỷ đồng.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/7-2-cii-1-20250212140356537.png)
Thuyết minh chứng khoán kinh doanh cuối năm 2024 của CII. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của CII).
Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 24 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2024. Mức trích lập thấp hơn 23% so với thời điểm đầu năm và 48% so với cuối quý III/2024.
Con số này không quá đáng kể so với khoản đầu tư cổ phiếu có giá gốc 4.148 tỷ đồng, cũng như quy mô tập đoàn (tổng tài sản hơn 54.800 tỷ đồng). Các báo cáo tài chính quý trong năm của Gelex không thuyết minh chi tiết cổ phiếu nắm giữ.
Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã: GIL) duy trì trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh trên dưới 40 tỷ đồng suốt ba năm qua (2022 - 2024). Giá trị trích lập cuối 2024 là 46 tỷ đồng.
Đây là khoản đầu tư cổ phiếu với giá gốc 64 tỷ đồng, giá trị hợp lý chỉ còn 18 tỷ đồng. Danh mục Gilimex chủ yếu nắm cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn (giá gốc 61 tỷ đồng, giá trị hợp lý 15 tỷ đồng). Thị giá GMC đã lao dốc 54% trong năm 2022. Sau đó, GMC dò đáy mới trong 2023 và 2024, rơi về dưới 7.000 đồng/cp. Qua 2025, mã này khởi đầu tiêu cực khi lao dốc về 4.700 đồng/cp, tính đến 12/2.
Garmex Sài Gòn đã lỗ ba năm liên tiếp 2022 - 2024. Do ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên, cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE. Sau đó, cổ phiếu GMC được vào giao dịch trở lại thị trường UPCoM từ ngày 12/2 năm nay, nhưng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần).
Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) rót đến 750 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, chiếm 59% tổng tài sản tại cuối năm 2024. Trong đó, chứng khoán kinh doanh có giá gốc 549 tỷ đồng, cao kỷ lục kể từ khi hoạt động. Tuy nhiên, công ty bất động sản trụ sở Đà Nẵng đang phải trích lập dự phòng 49 tỷ đồng, chủ yếu cho cổ phiếu Vinhomes (Mã: VHM).
Hay trường hợp Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh nghiệp cá tra tiếp tục “gồng lỗ” với khoản đầu tư tại gồm Nam Long (Mã: NLG), Đất Xanh Service (Mã: DXS) và Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC). Vĩnh Hoàn đã bán bớt cổ phiếu NLG và KBC trong năm. Tuy vậy, giá trị trích lập dự phòng toàn danh mục vẫn tăng từ 39 tỷ đồng lên 41 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở KBC.
Bên cạnh chứng khoán kinh doanh, tương tự Vietjet Air, Vĩnh Hoàn cũng đang nắm khoản trái phiếu 50 tỷ đồng và hơn 2.200 tỷ đồng tiền gửi, ghi nhận ở khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Ngoài ra, một số trường hợp ghi nhận khoản trích lập dự phòng trị giá từ 10 đến 40 tỷ đồng tại cuối năm 2024 như PVI (Mã: PVI), Sasco (Mã: SAS), Thuduc House (Mã: TDH), Gemadept (Mã: GMD), Tasco (Mã: HUT), Tập đoàn Đại Dương (Mã: OGC), Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Mã: SVC), Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Mã: PVX), Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (Mã: CCI)...
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/12-2-vhc-1-20250212141805805.png?width=700)
Thuyết minh chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cuối năm 2024 của Vĩnh Hoàn. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Vĩnh Hoàn).