|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Danh mục đầu tư tài chính hơn 9 tỷ USD của Tập đoàn Bảo Việt có gì?

09:42 | 05/02/2025
Chia sẻ
Giá trị đầu tư tài chính của Bảo Việt đạt 231.547 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2024 (khoảng 9,3 tỷ USD). Trong đó, lượng tiền gửi chiếm 124.567 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Tập đoàn Bảo Việt (Mã chứng khoán: BVH) cho thấy giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn cuối năm đạt gần 103.899 tỷ đồng, tăng 11% sau ba tháng.

Đầu tư tài chính ngắn hạn bao gồm chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngắn đáo hạn.

Ở chứng khoán kinh doanh, công ty nắm danh mục trị giá 3.660 tỷ đồng, đi ngang qua ba tháng, và đang trích lập dự phòng giảm giá 202 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu chiếm 3.287 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ 292 tỷ đồng và trái phiếu là 81 tỷ đồng.

Công ty đang nắm giữ các bluechip như ACB, CTG, VNM hay cổ phiếu doanh nghiệp cùng ngành là VNR và các cổ phiếu khác. Danh mục đầu tư chứng chỉ quỹ gồm của ba đơn vị trong hệ sinh thái Bảo Việt là BVPF, BVBF, BVFED, cùng với các chỉ quỹ khác. Ở đầu tư trái phiếu, Bảo Việt nắm chủ yếu là trái phiếu BIDV.

Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn trị giá 100.441 tỷ đồng. Đây là 96.312 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, đem lại thu nhập ổn định cho Bảo Việt, với lãi suất đến 10,4% mỗi năm. Cùng với đó là 4.129 tỷ đồng tạm ứng từ giá trị hoàn lại.

Thuyết minh chứng khoán kinh doanh của Bảo Việt tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Bảo Việt).

Thuyết minh khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Bảo Việt tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Bảo Việt).

Đầu tư tài chính dài hạn trị giá 127.648 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2024, tăng hơn 2% sau ba tháng. Trong đó, tiền gửi (lãi suất từ 4,8% - 9% mỗi năm) chiếm 28.256 tỷ đồng, trái phiếu chiếm 95.288 tỷ đồng (26.291 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 68.996 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ). Các trái phiếu có lãi suất đến 8,9% mỗi năm.

Còn lại là 2.887 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, 1.279 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Trong đó, Bảo Việt đang đầu tư nhiều nhất tại Bảo Việt Bank (1.913 tỷ đồng), Trung Nam Phú Quốc (431 tỷ đồng), Tokio Marine Việt Nam (315 tỷ đồng), Tập đoàn SSG (225 tỷ đồng), Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (170 tỷ đồng), VEAM (293 tỷ đồng)...

Thuyết minh đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác của Bảo Việt tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Bảo Việt).

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Bảo Việt).

Về kết quả kinh doanh năm 2024, Bảo Việt ghi nhận lãi sau thuế đạt 2.157 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023, chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm có sự phục hồi so với cùng kỳ. Trong đó, công ty giảm đáng kể lỗ gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ mức 1.558 tỷ đồng xuống còn gần 981 tỷ đồng. Mặt khác, lãi từ hoạt động tài chính duy trì ổn định ở mức 10.600 tỷ đồng.

Xuân Nghĩa