|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm

08:09 | 26/01/2025
Chia sẻ
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.

Danh mục tự doanh các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục lập đỉnh mới trong năm 2024, đạt khoảng 280.000 tỷ đồng (xấp xỉ 11 tỷ USD). Xét 10 đơn vị nắm giữ danh mục lớn nhất, tổng giá trị đầu tư chiếm khoảng 65% toàn ngành.

Theo phân bổ tài sản, cả cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác đều gia tăng giá trị, trong khi khoản trái phiếu giảm không đáng kể (theo số tuyệt đối). Tuy nhiên, cơ cấu giữa ba loại tài sản tài chính đã có sự chuyển dịch.

Biến động cơ cấu các loại tài sản tài chính

Trong quý IV/2024, giá trị đầu tư cổ phiếu/chứng chỉ quỹ (không bao gồm cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền) (tạm gọi chung là cổ phiếu) của Top 10 tăng 13% lên mức 27.050 tỷ đồng; song tỷ lệ giảm từ 15,8% về 14,9%.

Giá trị đầu tư trái phiếu đi ngang ở 62.700 tỷ đồng, tỷ trọng bị thu hẹp từ 41,5% về 34,6%.

Ngược lại, giá trị tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi/khác (tạm gọi chung là tiền gửi) tăng mạnh 41%, đạt trên 91.400 tỷ đồng tại cuối năm, dẫn đến tỷ trọng tăng từ 42,7% lên 50,5%.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Lựa chọn phân bổ bao nhiêu vào từng loại tài sản tài chính là chiến lược riêng, khẩu vị đầu tư của mỗi đơn vị. Điều này giúp các CTCK đa dạng hóa và giảm rủi ro trong danh mục.

Đa phần các công ty vẫn chuộng phân bổ vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fix-income) là trái phiếu và tiền gửi. Việc phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến đảm bảo thanh khoản của CTCK đó.

Tại cuối năm, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. Trong đó, tỷ trọng cao nhất ghi nhận tại VPS (93%), ACBS (83%).

Tự doanh ACBS đã gấp đôi khoản tiền gửi trong quý IV/2024, lên gần 11.500 tỷ đồng. CTCK này cũng tăng 24% giá trị cổ phiếu, lên trên 2.400 tỷ đồng, ngược lại thoái toàn bộ 600 tỷ đồng trái phiếu.

VPS nâng khoản tiền gửi lên trên 14.000 tỷ đồng, tăng 21% sau ba tháng và xếp thứ hai toàn ngành, sau SSI. CTCK này còn nắm gần 1.100 tỷ đồng trái phiếu, lượng cổ phiếu chiếm không đáng kể.

SSI tăng 11% lượng tiền gửi sau ba tháng, lên trên 28.500 tỷ đồng và tiệm cận mức đỉnh từng lập hồi quý I/2024 (khoảng 28.700 tỷ đồng). Khoản trái phiếu cũng được tăng 16% lên trên 15.000 tỷ đồng, chiếm 33% mảng tự doanh ông lớn này. Khoản cổ phiếu bị thu hẹp 25% giá trị, tỷ trọng giảm về 4%.

Ở trái phiếu, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lấy lại ngôi đầu khi giá trị cuối năm đạt trên 16.500 tỷ đồng, tăng hơn 4.500 tỷ đồng tương đương 38% sau một quý. Khoản tiền gửi tăng gần 400 tỷ đồng lên 2.732 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng giảm từ 15% tại quý III/2024 về 13%. Giá trị đầu tư cổ phiếu không quá biến động, đạt 1.139 tỷ đồng và chiếm 6%.

Chứng khoán VNDirect và VPBankS cũng ghi nhận trái phiếu là loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với lần lượt 49% và 66% thời điểm cuối năm.

Cơ cấu sở hữu của VNDirect không quá thay đổi sau ba tháng. Đối với VPBankS, đơn vị này đã gấp lần khoản tiền gửi lên trên 3.200 tỷ đồng, chiếm 22% mảng tự doanh. Giá trị cổ phiếu cuối năm đạt trên 1.600 tỷ đồng, tương ứng với tỷ trọng 11%.

Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) và VIX duy trì đầu tư nhiều nhất tại cổ phiếu, tỷ trọng lần lượt 82% và 60%. Đây đồng thời là hai đơn vị dẫn đầu về con số tuyệt đối ở loại tài sản này, với hơn 8.080 tỷ đồng và 7.700 tỷ đồng.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Danh mục cổ phiếu đang nắm giữ những mã nào?

Trái phiếu và tiền gửi là hai loại tài sản ít biến động, nên không ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.

Trong khi đó, cổ phiếu mang tính biến động nhiều hơn, nên khi CTCK đánh giá lại khoản đầu tư này tại cuối kỳ báo cáo tài chính thường tác động đáng kể hơn đến lợi nhuận kinh doanh.

Như tại VIX, lãi từ FVTPL đạt 361 tỷ đồng trong quý IV/2024 (công ty mẹ), tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lỗ FVTPL tăng 440% lên gần 350 tỷ đồng. Như vậy, lãi ròng từ FVTPL chỉ đạt vỏn vẹn 11 tỷ đồng, giảm 93% so với con số 168 tỷ đồng của quý IV/2023. Công ty ghi nhận lãi ròng từ mua bán cổ phiếu trong kỳ là 26 tỷ đồng.

VIX đang nắm 6.040 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 1.665 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, 3.256 tỷ đồng ủy thác đầu tư, song báo cáo tài chính quý IV/2024 không thuyết minh mã cụ thể.

Danh mục cổ phiếu của Vietcap trị giá 8.080 tỷ đồng tại cuối năm, vẫn nắm các mã KDH, PNJ, IDP, MSN, MBB, STB, FPT, TDM, trái phiếu và một số chứng khoán chưa niêm yết khác.

So với giá gốc, Vietcap đang ước lãi tại KDH, IDP, STB, FPT, TDM, NAP01 trong tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, khoản đầu tư chiến lược IDP tạm lãi gấp 5 lần, với 1.676 tỷ đồng. Khoản đầu tư KDH, FPT, NAP01 cũng đang có giá thị trường cao hơn gần 300 tỷ đồng, 176 tỷ đồng và 188 tỷ đồng.

Thuyết minh AFS của Vietcap tại cuối năm 2024. (Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2024 của Vietcap).

Sở hữu danh mục cổ phiếu trên nghìn tỷ còn có SSI, VNDirect, ACBS, VPBankS, TCBS, HSC, VDSC, SHS. Đây chủ yếu là khoản cổ phiếu niêm yết, song báo cáo quý IV/2024 của đa số đơn vị không thuyết minh chi tiết.

SSI cho biết đang sở hữu một số cổ phiếu như FPT, HPG, MWG, VPB, Pan Farm, ConCung... Tại thời điểm cuối năm, các khoản đầu tư cổ phiếu của ông lớn này không quá thay đổi so với giá gốc.

 Thuyết minh FVTPL, AFS của SSI tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính riêng quý IV/2024 của SSI). 

Danh mục cổ phiếu của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) đạt trên 4.800 tỷ đồng tại cuối năm. Báo cáo thuyết minh một số khoản đầu tư FPT và FRT, VTP, VPB, SHB, TCD... Trong đó, bộ đôi nhà FPT đang ghi lãi, cùng với VTP, SHB, ngược lại tự doanh đang tạm lỗ ở VPB, TCD.

Thuyết minh FVTPLL, AFS của SHS tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính quý IV/2024 của SHS).

Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM) nắm lượng cổ phiếu 2.255 tỷ đồng, với các mã như FPT, HPG, VHM, MWG, DPR và nhiều mã ngân hàng STB, ACB, TCB, MBB, VPB, HDB, VCB. Danh mục cổ phiếu đang lãi không đáng kể so với giá gốc. Ngoài ra, tự doanh còn sở hữu lượng chứng chỉ quỹ 97 tỷ đồng, tập trung ở FUESSVFL, FUEVFVND, E1VFVN30.

Thời điểm cuối năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã: VDS) sở hữu danh mục cổ phiếu gần 1.700 tỷ đồng, cao hơn 7% so với giá gốc. Danh mục đang bao gồm VNM, HSG, CTG, ACB, MWG, QNS, KBC, KDH...

Thuyết minh FVTPL, AFS của VDSC tại cuối năm 2024. (Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của VDSC).

Xuân Nghĩa