|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc tăng 35% sau 8 năm VKFTA có hiệu lực

14:56 | 05/02/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu thuỷ sản sang Hàn Quốc năm 2023 đạt 787 triệu USD, tăng 35% so với thời điểm 2015, khi hiệp định VKFTA bắt đầu có hiệu lực.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết sau năm 2015, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng từ 585 triệu USD năm 2015 lên 787 triệu USD năm 2023, tăng 35%. 

Trước đó, năm 2012 và 2013, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ghi nhận giá trị thấp hơn năm 2015. Sau 10 năm 2013-2023, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng từ 521 triệu USD lên 787 triệu USD, tăng 51%.

Trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 44%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm hơn 31%, còn lại là các loại cá, giáp xác và nhuyễn thể.

VASEP cho rằng năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi. 

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024.

Theo báo cáo của USDA và GAIN, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc ngày càng tăng, trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng. 

Tại Hàn Quốc, nhu cầu đối với thực phẩm nấu chín, chế biến và bảo quản sẵn đang tăng lên nhanh chóng. Điều này bao gồm các sản phẩm thủy sản ăn liền đã qua chế biến và bộ sản phẩm nấu ăn tiện lợi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu. 

Xu hướng tiện lợi này gia tăng là do tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới ngày càng tăng. Các sản phẩm chế biến sẵn giúp đơn giản hóa việc xử lý nguyên liệu và giảm thiểu mùi tanh trong quá trình chế biến. 

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.

Giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. 

Trong khi căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt thì những thị trường gần hơn như Hàn Quốc cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Để có thể “tăng tốc” xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, VASEP cho rằng các doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm thuỷ sản đảm bảo yếu tố chất lượng, hương vị; ổn định trong sản xuất, chế biến, lưu thông; an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng…

Hoàng Anh

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.