|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt 377 tỷ USD có khả thi?

07:33 | 11/01/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều yếu tố “khó đoán định”, các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, xoay quanh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD.

Mức nền 2023 thấp, xuất khẩu có thể đạt được tăng trưởng 6%

Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công vốn là ba động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều yếu tố “khó đoán định”, các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm xoay quanh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD.

Trao đổi với người viết, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, Chính phủ đã tính toán rất kỹ những giải pháp điều hành để thực hiện được kỳ vọng này.

Bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xuất khẩu một số hàng hóa chủ lực vẫn tăng trưởng. Do vậy, ông Minh cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2024 Quốc hội đề ra có thể khả thi.

Riêng với mảng xuất khẩu, ông Minh đánh giá Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch đạt 377 tỷ USD, tăng trưởng 6% là khiêm tốn, chỉ tiêu này có thể đạt ở mức cao hơn là 8%.

“Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt là những ngành dệt may, giày da, thủy sản…

Sau nhiều quý lỗ,  một số doanh nghiệp xuất khẩu đã có lãi, các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng tuyển dụng công nhân trở lại, đây là tín hiệu phục hồi cho năm 2024” ông Minh chia sẻ.

 

“Khả thi” cũng là từ khóa ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) nói với chúng tôi về mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD trong năm 2024.

“Quy ra con số, xuất khẩu năm 2024 dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023. Con số này có thể thực hiện được vì năm 2023 xuất khẩu tăng trưởng âm, mức nền thấp. Do đó, mức tăng trưởng 6% là khả thi”, ông Phương nói.

Tuy nhiên, nguyên Phó giám đốc VITIC cho rằng kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, độ mở hơn 200% và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới phục hồi tốt, xuất khẩu sẽ tăng trưởng, ở chiều ngược lại, kinh tế trì trệ, xuất khẩu sẽ đi lùi.

Kinh tế thế giới muốn phục hồi sẽ phải quay lại bài toán lạm phát và lãi suất giảm. Theo ông Phương, ít nhất phải qua quý I, lãi suất mới giảm dần và nhu cầu tiêu dùng mới dần ấm lên.

“Hiện nay, đơn hàng của doanh nghiệp quay trở lại, chủ yếu do tồn kho ở các thị trường đã hết, chứ không phải tổng cầu thế giới hồi phục. Tổng cầu thế giới chỉ tăng khi lãi suất giảm, đầu tư và tiêu dùng khởi sắc, ông Phương nhận định.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cũng nhận định bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc.

Trường hợp, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Và nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024.

“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

Sẽ cần thêm thời gian cho xuất khẩu phục hồi

Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn trong vòng xoáy lạm phát cao, xung đột chính trị chưa dừng lại, nhiều yếu tố bất định biến đổi khí hậu, thương mại… một số chuyên gia lại cho rằng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 377 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023 là nhiệm vụ bất khả thi.

Trao đổi với người viết, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại cho rằng kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 được dự báo vẫn rất ảm đạm và phải chờ đến giữa năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, khi đó mới có thể hỗ trợ cho tiêu dùng, các thị trường gia tăng đặt hàng.

Kinh tế thế giới có thể khởi sắc từ giữa năm 2024, mặt bằng chung và tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá thấp. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 tăng trưởng hay đi lùi sẽ phụ thuộc vào kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.

“Trải qua đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải gánh hệ lụy rất lớn, một số đã rời thị trường, số còn lại phải đổi mới, tái cơ cấu để tồn tại.

Qua các cuộc trao đổi, một số doanh nghiệp lớn chia sẻ rằng 2024 sẽ khó khăn như 2023. Phải chờ đến giữa hoặc cuối năm 2025, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới phục hồi thực sự”, PGS.TS. Phan Thế Công chia sẻ.

Hiện nay, tồn kho của các nhãn hàng lớn như Walmart, Costco, Amazon… đang vơi dần, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ có nhiều đơn hàng hơn.

Tuy nhiên, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám Đốc & Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh VIS Rating lại không nghĩ như vậy. Ông Minh cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và EU, tuy nhiên kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan.

“Các tổ chức lớn dự báo GDP của Mỹ năm sau chỉ tăng trưởng 0,9-1,2%, trong khi năm nay chỉ 2,8%. Kinh tế Mỹ trong năm 2023 mạnh nhưng tiêu dùng vẫn yếu. 2024 có thể tăng trưởng kinh tế sẽ yếu hơn, sớm nhất tháng 6 Fed mới cắt giảm lãi suất, khi đó tiêu dùng mới ấm lên”, ông Minh nói.

Quay lại câu chuyện năm 2022, đại diện VIS Rating cho rằng các nhãn hàng đã có bài học lớn, trước đây họ đặt đơn hàng cho 6 tháng thì giờ rút lại theo quý. Các nhãn hàng cũng phải chững lại để theo dõi thị trường và tình hình tiêu dùng.

“Chúng tôi không nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2024 có những tín hiệu phục hồi rõ ràng cho lực cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Có quá nhiều yếu tố không chắc chắn, do vậy xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024”, ông Minh nhận định.

 

Còn ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO tại WiGroup cho rằng “ai là người mua hàng, người đó sẽ quyết định lực cầu”.

Nhìn vào câu chuyện triển vọng kinh tế của Mỹ và EU năm 2024, ông Báu thấy năm 2023 kinh tế Mỹ “khỏe” hơn các dự báo, tuy nhiên những yếu tố tiêu cực có thể bắt đầu thẩm thấu trong năm 2024, tiêu dùng hàng hóa sẽ yếu hơn năm 2023.

Châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vẫn nằm trong khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát rõ ràng.

“Tiêu dùng của một số thị trường trọng điểm vẫn còn yếu, tổng thể năm 2024 có thể thấp hơn so với năm 2023. Do vậy, tôi không nghĩ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024”, ông Báu nhận định.

Thực tế, xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Báu cho rằng đây chưa hẳn là tín hiệu phục hồi bởi mức nền những tháng cuối năm 2022 rất thấp. Sự tăng trưởng này chủ yếu do mức nền 2022 thấp, không phải yếu tố nội lực chính là tổng cầu hàng hóa.

“Giá trị xuất khẩu hàng hóa đi ngang qua các tháng, không tăng trưởng nhiều. Mùa cao điểm đã như vậy, mùa thấp điểm có lẽ phải thở oxy”, ông Báu nói.

Phạm Mơ