CEO VIS Rating: Xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024
2023 là năm khó khăn với kinh tế toàn cầu, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2022, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD, giảm 9%.
Tại chương trình WeTalk “Đầu tư gì 2024?” do kênh Tài chính & Kinh doanh thực hiện, ông Long Phan, CEO & Founder AFA Group cho rằng xuất siêu năm 2023 ở mức cao kỷ mục, tuy nhiên điều đáng quan tâm là giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu.
Tại Mỹ và EU, các nhãn hàng lớn của Việt Nam như Walmart, Costco, Amazon có lượng hàng tồn kho rất lớn bởi trong năm 2022, các nhãn hàng dự báo sai về thị trường, họ cho rằng thị trường phục hồi sau dịch và nhập lượng hàng hóa rất lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến đơn hàng năm 2024 của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo ông Long Phan, một số công ty đã hoàn thành và vượt kế hoạch doanh thu trong năm 2023, đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động, nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã phá sản và phải đóng cửa. Câu chuyện năm 2024 sẽ xoay quanh việc rút ngắn kỳ dự báo của vĩ mô và tập trung vào vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hiện nay, tồn kho của các nhãn hàng lớn như Walmart, Costco, Amazon… đang vơi dần, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ có nhiều đơn hàng hơn.
Tuy nhiên, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám Đốc & Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh VIS Rating lại không nghĩ như vậy. Ông Minh cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và EU, tuy nhiên kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan.
“Các tổ chức lớn dự báo GDP của Mỹ năm sau chỉ tăng trưởng 0,9-1,2%, trong khi năm nay chỉ 2,8%. Kinh tế Mỹ trong năm 2023 mạnh nhưng tiêu dùng vẫn yếu. 2024 có thể tăng trưởng kinh tế sẽ yếu hơn, sớm nhất tháng 6 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới cắt giảm lãi suất, khi đó tiêu dùng mới ấm lên”, ông Minh nói.
Quay lại câu chuyện năm 2022, đại diện VIS Rating cho rằng các nhãn hàng đã có bài học lớn, trước đây họ đặt đơn hàng cho 6 tháng thì giờ rút lại theo quý. Các nhãn hàng cũng phải chững lại để theo dõi thị trường và tình hình tiêu dùng.
“Chúng tôi không nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2024 có những tín hiệu phục hồi rõ ràng cho lực cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Có quá nhiều yếu tố không chắc chắn, do vậy xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024”, ông Minh nhận định.
Còn ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO tại WiGroup cho rằng “ai là người mua hàng, người đó sẽ quyết định lực cầu”.
Nhìn vào câu chuyện triển vọng kinh tế của Mỹ và EU năm 2024, ông Báu thấy năm 2023 kinh tế Mỹ “khỏe” hơn các dự báo, tuy nhiên những yếu tố tiêu cực có thể bắt đầu thẩm thấu trong năm 2024, tiêu dùng hàng hóa sẽ yếu hơn năm 2023.
Châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vẫn nằm trong khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát rõ ràng.
“Tiêu dùng của một số thị trường trọng điểm vẫn còn yếu, tổng thể năm 2024 có thể thấp hơn so với năm 2023. Do vậy, tôi không nghĩ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024”, ông Báu nhận định.
Thực tế, xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Báu cho rằng đây chưa hẳn là tín hiệu phục hồi bởi mức nền những tháng cuối năm 2022 rất thấp. Sự tăng trưởng này chủ yếu do mức nền 2022 thấp, không phải yếu tố nội lực chính là tổng cầu hàng hóa.
“Giá trị xuất khẩu hàng hóa đi ngang qua các tháng, không tăng trưởng nhiều. Mùa cao điểm đã như vậy, mùa thấp điểm có lẽ phải thở oxy”, ông Báu nói.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Founder TOPI, sự phục hồi của xuất khẩu có thể đánh giá qua chỉ số tiêu dùng của Mỹ, châu Âu và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam qua từng tháng, kết hợp yếu tố cung-cầu để dự báo về triển vọng thương mại.