MBKE cảnh báo rủi ro với xuất khẩu Việt Nam liên quan căng thẳng Biển Đỏ
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) dự báo sự phục hồi trong xuất khẩu sẽ duy trì trong những tháng tiếp theo, nhờ vào mức cơ sở thấp.
Các yếu tố phục hồi phải kể đến như nhu cầu về thiết bị điện tử toàn cầu bắt đầu tăng trở lại do chu kỳ thay thế sản phẩm mới, với nhiều người tiêu dùng mua sắm và nâng cấp các mẫu thiết bị đời mới.
Việc giảm hàng tồn kho bán lẻ tại Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các đơn hàng mới, do người tiêu dùng chuyển sang mua hàng hóa nhiều hơn khi “chi tiêu trả thù” cho dịch vụ giảm dần.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cảnh báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh hơn dự kiến và nền kinh tế Trung Quốc yếu kém vẫn là yếu tố rủi ro đối với sự phục hồi.
Ngoài ra sự gián đoạn của các tàu chở hàng qua Biển Đỏ cũng là một rủi ro đáng lưu ý, vì bất kỳ sự leo thang lớn và kéo dài nào cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển và kìm hãm hoạt động thương mại.
Theo MBKE, các doanh nghiệp đang trở nên lạc quan hơn về xuất khẩu, mặc dù tâm lý vẫn còn thận trọng. Khoảng 24,6% doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu mới sẽ cải thiện trong quý I/2024 (so với 22,4% doanh nghiệp kỳ vọng cải thiện quý IV/2023). Khoảng 46,8% doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng sẽ ổn định trong quý I (so với 45% doanh nghiệp cho rằng đơn hàng ổn định trong quý IV/2023).
Quay trở lại vấn đề ở Biển Đỏ, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đang làm rung chuyển hoạt động thương mại toàn cầu. Theo CNBC, giá hàng hoá và nhiên liệu nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn do thương mại tiếp tục bị gián đoạn.
Mới đây. Reuters cho biết giá cước vận tải đường biển đang tăng mạnh. Giá cước từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi lên trên 4.000 USD/container (loại 40 feet) trong tuần đâu tháng 1/2024; giá từ châu Á đến Địa Trung Hải cũng tăng lên 5.175 USD.
Giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông Bắc Mỹ tăng 55% lên 3.900 USD/container 40 feet.
Mặc dù giá cước tăng vọt nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục do đại dịch gây ra vào năm 2021 là 14.000 USD/container 40 feet đối với các chuyến từ châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải và 22.000 USD đối với châu Á đến Bờ Đông Bắc Mỹ.
Dự báo thêm về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại chính của Việt Nam đều đang gặp nhiều khó khăn khác nhau.
"Dự báo kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 khó có chuyển động tích cực đáng kể. Lạm phát giảm về sát mục tiêu vẫn là điều kiện quan trọng để các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các nền kinh tế lớn sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2024, đầu năm 2025, khi đó sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực hơn", ông nói.
Năm 2023, xuất nhập khẩu đạt 693 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022 nhưng là kết quả của nhiều nỗ lực mở rộng thị trường mới, xúc tiến thương mại trong bối cảnh cầu thế giới giảm sâu. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.