|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khủng hoảng Biển Đỏ chưa lắng dịu: Iran điều tàu chiến, hai hãng vận tải lớn tiếp tục đi vòng

08:01 | 03/01/2024
Chia sẻ
Hai hãng vận tải biển hàng đầu thế giới là Maersk và Hapag-Lloyd thông báo sẽ tiếp tục đi vòng qua châu Phi, tránh khu vực Biển Đỏ. Giá cước vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Một tàu chở hàng của A. P. Moller-Maersk. (Ảnh: Bloomberg).

Chuỗi cung ứng chưa ổn định lại

Gã khổng lồ ngành vận tải biển A.P. Moller-Maersk cho biết họ sẽ một lần nữa tránh đi qua Biển Đỏ sau khi một tàu chở hàng khác của tập đoàn bị tấn công trong vòng vài tuần.

Trên website, Maersk bày tỏ: “Chúng tôi đã quyết định tạm dừng tất cả chuyến tàu qua Biển Đỏ/Vịnh Aden cho đến khi có thông báo mới”. Tập đoàn vận tải biển lớn thứ hai thế giới sẽ đi vòng về phía nam châu Phi.

Sau khi cho phép tàu quay trở lại Biển Đỏ không lâu, vào ngày cuối cùng của năm 2023, Maersk đã phải đảo chiều sau khi phiến quân Houthi cố gắng tấn công tàu Maersk Hangzhou với 4 chiếc thuyền nhỏ.

Hồi giữa tháng 12/2023, một tàu chở hàng khác của tập đoàn này là Maersk Gibraltar cũng bị tấn công như bất thành.

Hiện tại, tính cả Maersk thì hai trong số những hãng vận tải biển lớn nhất hành tinh đã kéo dài thời gian tạm ngừng đi qua Biển Đỏ, một hành lang quan trọng dẫn đến kênh đào Suez.

Trước đó, Hapag-Lloyd của Đức đã thông báo sẽ tiếp tục tránh Biển Đỏ. Cổ phiếu của Maersk và Hapag-Lloyd đều tăng vọt do khả năng giá cước vận tải sẽ tăng trong thời gian tới, Bloomberg ghi nhận.

Iran điều tàu chiến đến Biển Đỏ

Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào các tàu buôn đi qua Biển Đỏ có mối liên hệ với Israel, mục đích là trừng phạt Tel Aviv vì cuộc xung đột ở dải Gaza.

Theo Lầu Năm Góc, trong một tháng kể từ tháng 11, Houthi đã cướp một tàu container, đồng thời tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo nhắm vào 10 tàu buôn liên quan hơn 35 quốc gia khác nhau.

Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng, với sự tham gia của hải quân Mỹ và 9 nước khác, bắt đầu từ ngày 19/12. Nhóm vừa có cuộc chạm trán với phiến quân Houthi hồi cuối tuần trước.

Sang đầu tuần này, Iran đã điều động một tàu chiến tới Biển Đỏ sau khi hải quân Mỹ phá huỷ ba con tàu của lực lượng Houthi.

Theo Bloomberg, động thái nói trên có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây khó khăn hơn cho chiến dịch bảo vệ tuyến đường biển huyết mạch của Mỹ.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết tàu khu trục Alborz đã đến eo biển Bab El-Mandeb, một điểm nghẽn hẹp giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden. Song, họ không cung cấp thêm thông tin về nhiệm vụ của con tàu.

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu. 

Diễn biến tại Biển Đỏ đang đe doạ tuyến đường biển trung chuyển khoảng 12% hàng hoá của thế giới là kênh đào Suez.

Tuyến đường biển nhân tạo này dài 193 km, cắt qua Ai Cập để nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Đây là điểm trung chuyển trọng yếu của các tàu chở hàng qua lại giữa châu Á, châu Âu và miền đông nước Mỹ.

Theo GlobalSecurity.org, thời gian tàu đi từ điểm đầu đến điểm cuối của Suez là khoảng 13 - 15 giờ. Nếu không có Suez, một siêu tàu chở dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu sẽ phải đi thêm 9.650 km quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi cũng như chịu thêm chi phí nhiên liệu khoảng 300.000 USD.

Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez, vào năm 2019, tuyến đường biển này trung chuyển tổng cộng 1,03 tỷ tấn hàng hoá - cao gấp 4 lần so với kênh đào Panama.

Suez trung chuyển mọi thứ từ dầu thô, cà phê hoà tan đến hàng may mặc, trong đó có 4,5% lượng dầu thô, 9% sản phẩm tinh chế, 8% LNG toàn cầu. Ngoài ra, Suez còn cho phép 54,1 triệu tấn ngũ cốc, 53,5 triệu tấn quặng và kim loại, cùng 35,4 triệu tấn than đi qua mỗi năm.

Khả Nhân