Năm 2024 xuất khẩu là trụ cột tăng trưởng, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng
Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định năm 2024, xuất khẩu trở lại là trụ cột của tăng trưởng, tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ thể hiện rõ hơn. Bên cạnh đó, năm 2024 tiếp tục là năm cho việc tái cơ cấu nợ và tìm kiếm giải pháp cho thị trường bất động sản.
Tăng trưởng kinh tế 2024 sẽ phục hồi dựa trên các kỳ vọng. Thứ nhất, xuất khẩu cải thiện từ mức nền thấp, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. Thứ hai, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cải thiện nhờ tác động trễ của chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, tác động tiêu cực từ chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản được hạn chế. Lạm phát năm 2024 kỳ vọng sẽ nhích tăng nhẹ do sự điều chỉnh giá của các mặt hàng do nhà nước kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.
Về xuất khẩu, VDSC nhận định lĩnh vực này phục hồi trên cơ sở nền thấp và hưởng lợi từ chu kỳ mới của nhóm hàng công nghệ.
Hoạt động thương mại toàn cầu dự kiến cải thiện trong năm 2024. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng sản lượng và giá của thương mại toàn cầu sẽ cải thiện từ mức tăng trưởng âm lần lượt là -0,3% và -2,5% trong năm 2023 lên 3,2% và 1,5% trong năm 2024. WTO cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn càu cải thiện từ mức 0,8% trong năm 2023 lên 3,3% trong năm 2024.
Ngoài ra, doanh số máy tính và điện thoại thông minh dự kiến tăng trưởng từ 4-8% trong năm 2024 được thúc đẩy bởi chu kỳ thay thế thiết bị điện tử với khả năng tích hợp ứng dụng AI trở nên ngày càng phổ biến.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu không khả quan, VDSC cho rằng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam có thể cải thiện lên 8% và 10% trong năm 2024 từ mức giảm 5 và 9% trong năm 2023.
Các chuyên gia tại đây cũng dự báo khu vực tiêu dùng sẽ phục hồi dần nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ.
Năm 2023, trừ lĩnh vực bán lẻ lương thực, thực phẩm thì tăng trưởng doanh số bán lẻ ở nhóm còn lại đều suy giảm.
Tuy nhiên, năm 2024, VDSC nhận thấy có một số cơ sở cho sự phục hồi của bán lẻ hàng hoá gồm sự phục hồi của khu vực sản xuất; lãi suất thấp thường là điểm neo giúp niềm tin tiêu dùng phục hồi và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ gồm giảm thuế VAT, thuế BMVT được duy trì. Đồng thời, cải cách tiền lương toàn diện hơn trong năm 2024 giúp tiền lương khu vực công tăng cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng tích cực hơn. Tăng trưởng GDP lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 8,7% trong năm 2024, nhích nhẹ so với mức tăng 8,3% trong năm 2023.
Nhóm phân tích cho rằng thị trường bất động sản vẫn trầm lắng trong năm 2024, những khó khăn ngắn hạn giảm bớt nhưng chưa hề thoái lui.
Theo VDSC, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được thông qua sẽ không có nhiều ý nghĩa ngoài việc cho doanh nghiệp thời gian chuẩn bị trước khi Luật Đất đai được thông qua.
Bên cạnh đó, tốc độ tháo gỡ pháp lý năm 2023 vẫn chậm. Năm 2024, quy trình giải quyết thủ tục pháp lý hoặc cấp mới giấy phép đầu tư dự án sẽ khó thông suốt trong giai đoạn chờ Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn mới được ban hành.
Thêm nữa, việc mất cân đối cung – cầu ở phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Ngoài ra, lãi suất giảm giúp cho nhu cầu đầu tư/sở hữu nhà ở/đất đai cải thiện. Tuy nhiên, chốt chặn phía chi phí vay vốn và sở hữu quỹ đất sạch của các nhà phát triển BĐS trở nên đắt hơn sau công cuộc tái cấu trúc nợ vay và ban hành Luật mới.
VDSC cũng đề cập đến tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản trong hệ thống ngân hàng ước khoảng 2,6%, tỷ lệ chậm trả trái phiếu trên quy mô TPDN BĐS có thể lên đến 30%. Giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ "hiện hình" nhưng lại không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản.