|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam năm 2024: Từ khoá chính là 'phục hồi'

11:24 | 03/01/2024
Chia sẻ
Dù còn nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng GDP năm 2024 nhưng tất cả đều cho rằng năm nay sẽ tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn năm 2023. Hay nói cách khác là từ khoá then chốt, bao phủ năm 2024 chính là "phục hồi".

“Xuất khẩu trở lại là trụ cột của tăng trưởng, tác động trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ thể hiện rõ hơn, thêm một năm nữa cho việc tái cơ cấu nợ và tìm kiếm giải pháp cho thị trường bất động sản", đó là những nhận định từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khi dự báo về nền kinh tế năm 2024.

Những nhận định này phần nào tương đồng với ý kiến của các chuyên gia khi cho rằng dù có khó khăn nhưng năm 2024 nền kinh tế vẫn phục hồi tốt hơn năm 2023, hay nói cách khác là từ khoá then chốt, bao phủ năm 2024 chính là "phục hồi".

Xuất khẩu tăng trưởng từ nền thấp

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm kỷ lục trong năm 2023. (Nguồn: TCHQ, VDSC).

Về xuất khẩu, các chuyên gia VDSC dự báo xuất khẩu sẽ phục hồi trên cơ sở nền thấp của năm 2023 và chu kỳ mới của nhóm hàng công nghệ. Trong đó, hoạt động thương mại toàn cầu dự kiến cải thiện trong năm 2024. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng sản lượng và giá của thương mại toàn cầu sẽ cải thiện từ mức tăng trưởng âm lần lượt là -0,3% và -2,5% trong năm 2023 lên 3,2% và 1,5% trong năm 2024. WTO cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu cải thiện từ mức 0,8% trong năm 2023 lên 3,3% trong năm 2024.

Doanh số máy tính và điện thoại thông minh dự kiến cũng tăng trưởng từ 4-8% trong năm 2024 do chu kỳ thay thế thiết bị điện tử với khả năng tích hợp ứng dụng AI trở nên ngày càng phổ biến. Mặc dù, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không khả quan, VDSC cho rằng tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam có thể cải thiện lên 8% và 10% trong năm 2024 từ mức giảm 5 và 9% trong năm 2023.

Đồng quan điểm xuất khẩu sẽ phục hồi trong năm 2023 nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành lại đưa ra mức dự báo thận trọng hơn đôi chút. Cụ thể, ông cho rằng xuất khẩu sẽ tăng trưởng 5 -7% khi tồn kho ở các thị trường đã giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Điểm rơi của chính sách tiền tệ

Năm 2024 cũng là điểm rơi của chính sách tài khoá và tiền tệ do độ trễ. Mặc dù Chính phủ không có nhiều dư địa để cắt giảm thêm lãi suất điều hành hay thúc đẩy mới ở khía cạnh tài khoá nhưng chắc chắn tác động của việc lãi suất huy động/cho vay giảm gắn với hiệu ứng lan toả tốt hơn của chính sách tài khoá sẽ là cơ sở để nền kinh tế phục hồi.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất 4 lần liên tiếp vào quý I và quý II giúp khơi thông dòng tiền chảy ra nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách đều có độ trễ nhất định, dù hạ lãi suất điều hành từ đầu năm nhưng phải quý III, quý IV dòng tiền mới thực sự thẩm thấu.

Tăng trưởng tín dụng 2022 - 2023 (Nguồn: GSO, Minh Quang tổng hợp).

Theo số liệu từ NHNN chỉ trong tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 4,35% tương ứng 519.000 tỷ đồng khi hết tháng 11/2023 tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,15% mà đến hết 31/12/2023 ước tính đạt 13,5%. Điều này cho thấy, năm 2024 chắc chắn là một năm nền kinh tế chịu tác động tích cực từ độ trễ của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cũng đánh giá xu hướng chính sách trong năm 2024 vẫn tiếp tục là nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tiền tệ chắc chắn chưa phải đảo chiều nhưng cũng không còn nhiều dư địa nới lỏng.

Cuối năm 2023, đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Chuyên gia nhận định, bất kể điều gì diễn ra trong vài tháng tới, lãi suất không thể tăng cao bởi chính sách tiền tệ vẫn đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng khi sức cầu trong nước còn rất yếu.

Lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm, bối cảnh lãi suất huy động đã tới đáy chỉ còn lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm tạo động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ở nửa sau của năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại khi nhu cầu vốn phục hồi, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn cao và nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng.

Thị trường TPDN, BĐS dần phục hồi

Bằng nhiều biện pháp từ Chính phủ và tư nhân, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trải qua một năm tái cơ cấu nợ và tránh được sự đổ vỡ mang tính hệ thống. Các chuyên gia từ VDSC dự báo rằng rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng những trục trặc cũ vẫn chưa thoái lui. Năm 2024 vẫn sẽ là năm tích cực tái cấu trúc nợ vay, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản và tập đoàn tư nhân lớn.

Thị trường bất động sản cũng sẽ có thêm một năm trầm lắng. Giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ ‘hiện hình’ nhưng không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản. Mặc dù lãi suất giảm có thể kích thích nhu cầu nhưng việc mất cân đối cung - cầu ở phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Các chuyên gia cũng cho rằng nợ xấu trong bất động sản, TPDN mang đến những nguy cơ bất ổn về tài chính. Vấn đề này cần phải được giải quyết, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh động lực tăng trưởng của năm tới sẽ đến từ việc hỗ trợ xử lý các vấn đề của thị trường tài chính và bất động sản, cần đặt ra các chính sách để tận dụng tốt hơn nền tảng này.

"Không phải ngẫu nhiên mà năm 2024 còn khác nhau về tăng trưởng GDP, có tổ chức cho rằng khoảng 5,5 -5,7% nhưng cũng có những tổ chức đánh giá sẽ đạt trên 6%. Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chưa phải quá cao trong năm 2024 nhưng tất cả các dự báo đều cho rằng sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023", ông Thành nói.

Dòng vốn FDI đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi

Với yếu tố quốc tế, kinh tế thế giới năm 2024 có thể trải qua những bất ổn do tổn thất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, các cuộc chiến tranh kéo dài và rủi ro địa chính trị leo thang. Tuy vậy, năm 2024 cũng là năm được kỳ vọng là thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed, ECB và BOJ khiến đồng USD mất giá, nhờ đó tỷ giá VND/USD sẽ không gặp phải rủi ro lớn trong năm 2024.

 Tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện giai đoạn 2012 - 2023. (Nguồn: GSO, Hạ An tổng hợp).

Bên cạnh đó, sự trở lại của làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã đóng góp đáng kể vào thành quả thu hút FDI năm 2023. Trọng tâm của sự chuyển dịch là các lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ và đáng chú ý hơn là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét.

Năm 2024, càng có nhiều kỳ vọng về dòng vốn FDI sẽ đổ vào Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.