Dân số cán mốc 8 tỷ người, thế giới nên lo sợ điều gì?
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định 8 tỷ người là dấu mốc quan trọng để xem xét trách nhiệm chung của nhân loại đối với Trái Đất.
LHQ cho hay tăng trưởng dân số là do sự gia tăng tỷ lệ sinh cũng như tuổi thọ trung bình khi sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, hiểu biết về vệ sinh cá nhân và trình độ y học ngày càng cải thiện.
Tăng trưởng dân số
Dân số thế giới hiện tại cao gấp hơn ba lần so với mức 2,5 tỷ người vào năm 1950.
Trả lời AFP, bà Rachel Snow, chuyên gia thuộc Quỹ Dân số LHQ cho biết sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1960, tốc độ tăng trưởng dân số thế giới đã giảm tốc đáng kể từ 2,1%/năm trong giai đoạn 1962-1965 xuống dưới 1% vào năm 2020. LHQ dự kiến tỷ lệ này có thể giảm xuống khoảng 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.
Theo LHQ, dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080.
Tuy nhiên, một số tổ chức đã đưa ra những ước tính khác. Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ dự báo trong một nghiên cứu năm 2020 rằng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2064 và sẽ không bao giờ cán mốc 10 tỷ người, sau đó sẽ giảm xuống 8,8 tỷ người vào năm 2100.
Gánh nặng cho các nước nghèo
Theo hãng tin AP, xu hướng gia tăng dân số có nguy cơ khiến nhiều người dân tại các nước đang phát triển bị bỏ lại phía sau, khi các chính phủ gặp nhiều khó khăn để cung cấp đủ lớp học và việc làm cho số lượng thanh niên tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh lương thực thậm chí còn trở thành một vấn đề cấp bách hơn.
Nigeria là một trong 8 quốc gia mà LHQ dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dân số thế giới từ nay đến năm 2050 - cùng với các quốc gia châu Phi khác là Congo, Ethiopia và Tanzania.
Theo LHQ, dân số của Nigeria sẽ tăng từ 216 triệu người trong năm nay lên 375 triệu người trong ba thập kỷ tới, đưa Nigeria xếp cùng với Mỹ ở vị trí quốc gia đông dân thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Báo cáo của LHQ cho biết: “Dân số ở nhiều quốc gia cận Sahara châu Phi sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2022-2050, gây thêm áp lực lên các nguồn tài nguyên vốn đã cạn kiệt và thách thức các chính sách giảm nghèo và bất bình đẳng của chính phủ”.
Các quốc gia khác nằm trong danh sách có dân số tăng nhanh nhất là Ai Cập, Pakistan, Philippines và Ấn Độ, quốc gia sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới.
Dân số tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người phải tranh giành nguồn nước khan hiếm và nhiều gia đình đối mặt với nạn đói khi biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng đến sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng dân số cũng làm nghiêm trọng hơn những tác động của quá trình phát triển kinh tế đối với môi trường.
Tiến sỹ Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cho rằng: “Giảm bất bình đẳng và tập trung vào thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu nên là trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách.”
Trách nhiệm của các nước giàu
Trong khi một số người lo ngại 8 tỷ người là quá nhiều đối với Trái Đất, phần lớn chuyên gia cho rằng vấn đề lớn hơn là việc những người giàu tiêu thụ quá nhiều tài nguyên.
Giám đốc Quỹ Dân số LHQ, bà Natalia Kanem cho biết: “Một số bày tỏ lo ngại rằng thế giới của chúng ta đang quá đông dân số. Song, tôi muốn nói rõ ràng rằng lượng dân số tuyệt đối không phải là lý do để sợ hãi.”
Trả lời hãng AFP, ông Joel Cohen thuộc Phòng Nghiên cứu Dân số của Đại học Rockefeller lưu ý để trả lời câu hỏi Trái Đất có thể nuôi sống bao nhiêu người, chúng ta phải nhìn vào hai vấn đề: giới hạn tự nhiên và lựa chọn của con người.
Những lựa chọn của con người dẫn đến việc tiêu thụ nhiều tài nguyên như rừng và đất hơn so với khả năng tái tạo của hành tinh mỗi năm. Tình trạng tiêu thụ quá mức nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến lượng khí thải CO2 nhiều hơn, và gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Ông Cohen nói: “Chúng ta ngu ngốc, tham lam, thiếu tầm nhìn xa và không sử dụng những thông tin đã có. Đó là lựa chọn của chúng ta và vấn đề nằm ở đó”.
Tuy nhiên, ông Cohen bác bỏ ý kiến cho rằng con người là một lời nguyền trên hành tinh. Theo ông, con người nên có được những lựa chọn tốt hơn.
Bà Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ, cho biết: “Một phần nhỏ người dân trên thế giới đang sử dụng hầu hết các nguồn tài nguyên của Trái Đất và tạo ra phần lớn lượng khí thải nhà kính”. Theo bà, trong 25 năm qua, 10% dân số giàu nhất toàn cầu chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tổng lượng khí thải gây ô nhiễm.
Ông Charles Kenny, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, nói: “Dân số không phải là vấn đề, cách chúng ta tiêu dùng mới là vấn đề, do đó, hãy thay đổi cách thức tiêu dùng của chúng ta”.