|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lời nguyền địa lý: Vương quốc dầu mỏ đau đầu giải bài toán thiếu nước ngọt

12:17 | 16/10/2022
Chia sẻ
Arab Saudi ngồi trên hai nguồn chất lỏng chiến lược: dầu mỏ và nước. Dầu mỏ đã thay đổi bộ mặt của vương quốc trong chỉ vài chục năm, còn nguồn nước ngầm khổng lồ đã giúp nuôi sống cả một đất nước giữa sa mạc. Nhưng dòng nước quý giá này đang dần cạn kiệt.

Kênh thủy lợi vận chuyển nước từ nhà máy khử mặn để tưới tiêu và cung cấp nước cho hộ gia đình. (Ảnh: Tom Hanley/Alamy).

Với nhiều người, Arab Saudi nổi tiếng với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, thứ chất lỏng mang sự giàu có tới vương quốc nằm giữa sa mạc.

Nhưng Riyadh còn một nguồn tài nguyên quý giá khác là nước ngầm chảy dưới Sa mạc Arab. Dòng nước này đã giúp Arab Saudi có thể canh tác nông nghiệp và phát triển giữa sa mạc khô cằn. Nhưng dòng nước này cũng đang dần cạn kiệt, buộc Riyadh phải tìm ra những giải pháp thay thế.

Arab Saudi cạn kiệt nước

Thế giới có tổng cộng 19 quốc gia không có sông và Arab Saudi một trong số này. Đa số những nước không có sông thường là các quốc đảo hoặc thị quốc nhỏ, không có địa hình phù hợp để hình thành các dòng sông. 

Tuy vậy, Arab Saudi lại là quốc gia có diện tích lớn thứ 13 trên thế giới. Lý do khiến Arab Saudi không có sông là do khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, khiến các dòng nước không thể chảy liên tục suốt cả năm.

Do không có sông, Arab Saudi không thể trông chờ nhiều vào nguồn nước ngọt tái tạo để nuôi sống 35 triệu người.

Để sử dụng nguồn nước mưa khan hiếm hiệu quả hơn, Arab Saudi đã xây dựng nhiều đập và hồ chứa, đặc biệt ở hướng đông nam. Ở những khu vực khác, mưa vừa hiếm vừa bất thường nên không phù hợp để duy trì nông nghiệp và chăn nuôi.

May mắn thay, Riyadh sở hữu nguồn nước ngầm nằm dưới sa mạc khô cằn được hình thành từ Kỷ Băng Hà khi khí hậu còn mát mẻ. Dòng nước này mở ra cơ hội giúp cho vương quốc dầu mỏ có thể canh tác nông nghiệp và tự chủ nguồn lương thực.

Nhưng canh tác giữa sa mạc khô cằn không phải là một việc dễ dàng. Đất trên sa mạc khó giữ nước nên việc tưới tiêu sẽ tốn kém hơn so với những khu vực ẩm ướt.

Nông nghiệp giữa sa mạc khô cằn

Ốc đảo Al-Hasa của Arab Saudi. (Ảnh: UNESCO).

Trong nhiều thế kỷ qua, người dân vương quốc này đã sống và sinh hoạt dựa vào các ốc đảo. Tất nhiên, các ốc đảo là hiện tượng hiếm ở sa mạc và không thể nào nuôi sống hàng chục triệu dân. 

Khi Arab Saudi giàu lên nhanh chóng dựa vào dầu mỏ, dân số của vương quốc này cũng như lao động nhập cư đều tăng vọt. Từ chỗ chỉ là một thành phố với vài trăm nghìn người vào những năm 1960, Riyadh đã trở thành một siêu đô thị với gần 8 triệu dân. 

Để nuôi sống số lượng người khổng lồ với tốc độ tăng chóng mặt như vậy, Arab Saudi cần tìm kiếm nguồn nước uống và lương thực.

Một trang trại của Arab Saudi được canh tác trên sa mạc sử dụng phương pháp tưới tiêu theo hình tròn. (Ảnh: Peter Matay). 

Vào năm 1970, Arab Saudi đã có nhiều nỗ lực để đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực. Riyadh đã tiến hành nhiều sáng kiến nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

Khi quan sát Arab Saudi từ ngoài vũ trụ, ta có thể thấy những vùng trồng trọt với các khu đất hình tròn, đó là kết quả từ hoạt động tưới tiêu theo vòng tròn. Những tòa nhà chứa hàng chục nghìn con bò sữa đòi hỏi nguồn nước uống và làm mát khổng lồ cũng có thể được tìm thấy ở nơi sa mạc khô cằn.

Nguồn nước được sử dụng để canh tác nông nghiệp tới từ sâu trong lòng đất, tại các tầng ngậm nước từ hàng nghìn năm trước vào Kỷ Băng Hà khi khí hậu tại khu vực này ẩm ướt và mát mẻ hơn nhiều.

Nguồn nước ở sa mạc - một trong những nơi khó tin nhất - mang đến cho Arab Saudi hi vọng để tự chủ nguồn cung lương thực, không phải dựa vào bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy giải pháp bơm nước ngầm để canh tác nông nghiệp của Arab Saudi đã đến hồi kết.

Arab Saudi dùng nhiều nước hơn cả Nga và Australia để làm nông nghiệp.

Theo National Geographic, khi hoạt động canh tác nông nghiệp hiện đại bắt đầu, ở dưới sa mạc của Arab Saudi có tới 500 km3 nước. Nhưng trong những năm gần đây, cứ mỗi năm lại có 21 km3 được bơm lên mặt đất để tưới tiêu.

Do thời tiết nắng nóng, nước tại đây bay hơi nhanh hơn so với các khu vực khác. Keest quả là lượng nước yêu cầu cho nông nghiệp cũng tăng theo. Một điểm gây khó khăn hơn nữa là gần như toàn bộ lượng nước này sẽ không quay lại với Arab Saudi, bởi khu vực này rất hiếm mưa.

Với tốc độ sử dụng cao và không thể bù đắp, nguồn nước ngầm của Arab Saudi sụt giảm nhanh chóng. Kể từ năm 2008, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã tuyên bố rằng "những nguồn nước ngầm [của Arab Saudi] sẽ không đủ dùng cho 25 năm nữa".

Khử mặn, mua đất ở nước ngoài

Tốc độ sụt giảm đáng báo động khiến Arab Saudi phải có hành động. Vào năm 2008, Riyadh từ bỏ nỗ lực biến sa mạc khô cằn thành đất nông nghiệp.

Sản lượng lúa mì tại Arab Saudi liên tục tăng kể từ cuộc cách mạng nông nghiệp vào những năm 1980. Nhưng đến 2008, con số này cắm đầu đi xuống. Và đây cũng là thời điểm Arab Saudi bắt đầu nhập khẩu thêm nhiều lúa mì.

Arab Saudi đã phải từ bỏ giấc mơ sản xuất nông nghiệp trong nước vì cạn kiệt nguồn nước ngầm. 

Tuy nhiên, Riyadh không chỉ nhập khẩu lương thực. Theo Sáng kiến Đầu tư Nông nghiệp ở Nước ngoài, Arab Saudi đã mua và sử dụng đất đai ở các quốc gia khác để trồng trọt, nhằm tiết kiệm nước ở quê nhà.

Các doanh nghiệp Arab Saudi đang mua đất tại Argentina, bang Arizona và California (Mỹ) để trồng thức ăn gia súc sau đó nhập khẩu trở lại. Riyadh cũng đang thuê đất tại Sudan, Zambia và Ethiopia.

Bằng cách này, Arab Saudi vừa có thể bảo vệ nguồn nước ngầm, vừa đảm bảo một cách tương đối an ninh lương thực.

Tất nhiên, giải pháp này không hoàn hảo. Trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như xung đột, cấm vận hay chính phủ nước sở tại thay đổi chính sách, Arab Saudi có thể sẽ không tiếp cận được nguồn lương thực mà mình đã bỏ tiền ra để đầu tư ở nước ngoài.

Bởi vậy, vương quốc dầu mỏ đang đầu tư mạnh vào các nhà máy khử mặn. Arab Saudi đã trở thành quốc gia sản xuất nhiều nước được khử mặn nhất trên thế giới.

Năng lượng khử mặn của Arab Saudi tăng đều sau từng năm

Chẳng hạn, đa số nước sinh hoạt của Medina, thành phố 1,5 triệu dân, đến từ Biển Đỏ. Nước uống ở thủ đô Riyadh đến từ nhà máy Jubail ở Vịnh Ba Tư, cách thành phố này tới 500 km. Theo Statista, tính đến năm 2019, Arab Saudi đang tạo ra khoảng 1,9 tỷ m3 nước/năm từ phương pháp này. 

Có nhiều cách để chuyển nước mặn thành nước ngọt, nhưng nhìn chung chia làm hai loại lớn là chưng cất (đun nóng và ngưng tụ nước) hoặc thẩm thấu ngược (sử dụng màng lọc để tách nước và muối).

Chưng cất yêu cầu năng lượng rất lớn để đun nóng nước lên nhiệt độ sôi, trong khi thẩm thấu ngược yêu cầu bảo trì cao và cũng cần nhiều điện năng. Do có nguồn nhiên liệu dồi dào, sẵn có và giá rẻ, Arab Saudi có thể dùng dầu, khí đốt để khử mặn nước biển.

Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung chi phí khử mặn rất tốn kém. Vì vậy, nguồn nước tại Arab Saudi được chính phủ trợ cấp mạnh. Nhưng chính việc trợ cấp này cũng khiến người dân không có động lực tiết kiệm nước. 

Riyadh cũng tìm đến những phương pháp bền vững hơn để khử mặn nước biển, chẳng hạn như nhà máy khử mặn sử dụng năng lượng mặt trời tại Al Khafji. 

Một hệ thống khử mặn theo nguyên lý thẩm thấu ngược của Arab Saudi. (Ảnh: Fahad Shadeed/Reuters).

Tại sao không nhập khẩu?

Vậy tại sao Arab Saudi không nhập khẩu lương thực ngay từ đầu mà phải làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và xây dựng hồ chứa, đập nước và các nhà máy khử mặn đắt đỏ? Rõ ràng nhập khẩu sẽ rẻ hơn rất nhiều, và Riyadh cũng không thiếu tiền để nhập khẩu lương thực. 

Câu chuyện của Arab Saudi đưa chúng ta đến những học thuyết kinh điển, và cũng là nền tảng cho thương mại quốc tế và toàn cầu hóa: Lợi thế tuyệt đối của nhà kinh tế Adam Smith  và Lợi thế so sánh của nhà kinh tế David Ricardo.

Lý thuyết lợi thế tuyệt đối nói về việc việc các quốc gia tập trung vào việc chuyên môn hóa, sản xuất loại mặt hàng có mức chi phí rẻ nhất và trao đổi với các quốc gia khác. Lý thuyết về lợi thế so sánh bổ sung cho những thiếu sót của lợi thế tuyệt đối, khẳng định rằng ngay cả khi không thể sản xuất ra mặt hàng với giá rẻ nhất, các quốc gia vẫn có thể thu lợi từ việc tập trung vào những hàng hóa và dịch vụ có chi phí cơ hội thấp hơn so với các đối tác thương mại của mình. 

Tên lửa của tổ chức Houthis đã nhiều lần nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Arab Saudi. Vương quốc dầu mỏ đang ở một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới. (Ảnh: Anadolu Agency).

Tùy vào điều kiện, năng lực mà mỗi quốc gia lại thích hợp để sản xuất, cung ứng những loại dịch vụ, hàng hóa khác nhau. Chẳng hạn, Arab Saudi có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nên tập trung vào sản xuất dầu mỏ, và nhập khẩu lương thực do khí hậu không phù hợp, để thu được nhiều lợi ích nhất.

Nhược điểm của những học thuyết cổ điển này là chưa tính tới những biến động như dịch bệnh, mất mùa hay khủng hoảng địa chính trị. Châu Âu trong cuộc xung đột Ukraine có thể là một ví dụ rõ ràng cho những nguy hiểm khi không thể tự chủ được những mặt hàng chiến lược như năng lượng.

Châu Âu từng nhập khẩu khí đốt, dầu từ Nga với giá rẻ, và tập trung sản xuất những mặt hàng mà mình có ưu thế như xe hơi, máy móc. Mô hình này hoạt động hoàn hảo, châu Âu trở nên thịnh vượng, cho đến khi xung đột Ukraine nổ ra.

Nguồn khí đốt từ Nga sụt giảm khiến châu Âu phải tìm kiếm nhiên liệu từ những nơi khác, với chi phí cao hơn mà vẫn không thể bù đắp hoàn toàn. Nếu Arab Saudi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lương thực từ bên ngoài (tận dụng tối đa lợi thế so sánh) thì khi những biến cố tương tự xảy đến sẽ khó lòng xoay sở. 

Thiếu nhiên liệu có thể khiến ngành công nghiệp đình trệ, chi phí sinh hoạt tăng cao. Còn thiếu lượng thực (hay nạn đói) lại là một trong bốn Kỵ sĩ Khải huyền, mang đến sự kết thúc cho thế giới.

Minh Quang