|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lợi thế tuyệt đối của Adam Smith (Adam Smith’s Theory of Absolute Advantage) là gì?

15:46 | 16/10/2019
Chia sẻ
Lợi thế tuyệt đối của Adam Smith (tiếng Anh: Adam Smith’s Theory of Absolute Advantage) là một trong những lí thuyết về thương mại quốc tế.
lttd2

Hình minh họa (Nguồn: independent)

Lợi thế tuyệt đối của Adam Smith

Khái niệm

Lợi thế tuyệt đối của Adam Smith trong tiếng Anh gọi là: Adam Smith's Theory of Absolute Advantage.

Quan điểm kinh tế cơ bản của lí thuyết này có nội dung là:

"Chỉ có cá nhân mới thẩm định những hành vi của mình và tư lợi không thương tranh nhau mà hòa nhập vào nhau theo một trật tự thiên nhiên". 

Theo nhà kinh tế học Adam Smith, mỗi một người khi làm công việc gì thì chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân nhưng nếu anh ta làm tốt thì điều đó có lợi ích cho cả tập thể, một xã hội, một quốc gia. Như vậy, sẽ có một bàn tay vô hình dẫn dắt mỗi cá nhân hướng đến lợi ích chung ngoài ý mong đợi của anh ta. 

Hệ quả của tư tưởng này là chính quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp vào cá nhân và các doanh nghiệp, cứ để họ tự do hoạt động. 

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình "Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân giàu có của một quốc gia", ông đã khẳng định "Sự giàu có của một quốc gia đạt được không phải do những qui định chặt chẽ mà bởi tự do kinh doanh". 

Triết lí này của Adam Smith được mọi giới chấp nhận và trở thành học thuyết ngự trị suốt thế kỷ XIX. 

Điều gì đã có ảnh hưởng đến mậu dịch quốc tế xuất phát từ quan niệm "Bàn tay vô hình" của Adam Smith. Theo ông, Chính phủ cũng không cần can thiệp vào các hoạt động mậu dịch quốc tế. Hãy để cho nó được tự do! 

Nếu xem xét ở góc độ lợi ích kinh tế và tương lai lâu dài thì đây là một quan điểm hết sức tích cực, ngược lại với quan điểm của phái trọng thương cho rằng Chính phủ cần phải can thiệp vào các hoạt động mậu dịch quốc tế. 

Khẳng định nguyên tắc phân công lao động để tạo ra nhiều lợi nhuận là cơ sở cho sự ra đời của lí thuyết lợi thế tuyệt đối. Theo Adam Smith, hai quốc gia tham gia mậu dịch với nhau là tự nguyện và cả hai đều cùng phải có lợi. 

(Quan điểm này khác hẳn trường phái trọng thương khi cho rằng trong mậu dịch quốc tế, một quốc gia chỉ có thể có lợi trên sự hi sinh của một quốc gia khác). 

Những lợi ích mậu dịch đó do đâu mà có?

Theo ông, cơ sở mậu dịch giữa hai quốc gia chính là lợi thế tuyệt đối. Lợi thế tuyệt đối ở đây là chi phí sản xuất thấp hơn (nhưng chỉ có chi phí lao động mà thôi). 

Theo Smith, chẳng hạn, quốc gia I có lợi thế tuyệt đối về một sản phẩm A nào đó và không có lợi thế tuyệt đối về sản phẩm B. Trong khi đó quốc gia II có lợi thế tuyệt đối về sản phẩm B và không có lợi thế tuyệt đối về sản phẩm A. 

Khi đó, cả hai quốc gia đều có thể có lợi nếu quốc gia I chuyên môn hóa sản xuất sản phẩm A, quốc gia II chuyên môn hóa sản xuất sản phẩm B và tự nguyện trao đổi cùng nhau. 

Bằng cách đó, tài nguyên của mỗi nước sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn và sản phẩm sản xuất của hai nước sẽ tăng lên. Phần tăng lên này chính là lợi ích thu được từ chuyên môn hóa. 

Mô hình minh họa

Chúng ta hãy xem xét mô hình thương mại dựa trên lí thuyết lợi thế tuyệt đối sau: 

Giả sử 1 giờ lao động ở Mỹ sản xuất được 6 mét vải, 1 giờ lao động ở Việt Nam chỉ sản xuất được 1 mét vải. Trong khi đó 1 giờ lao động ở Mỹ thì chỉ sản xuất được 4 kg lương thực, còn ở Việt Nam thì sản xuất được 5kg lương thực. Các số liệu được biểu thị như sau:

lttd

Nếu theo qui luật lợi thế tuyệt đối (so sánh cùng 1 sản phẩm về năng suất lao động ở 2 quốc gia Mỹ và VN) thì Mỹ có năng suất lao động cao hơn về sản xuất vải so với Việt Nam và ngược lại Việt Nam có năng suất lao động cao hơn về sản xuất lương thực so với Mỹ. 

Do đó, Mỹ sẽ tập trung sản xuất vải để đem trao đổi lấy lương thực của Việt Nam (xuất khẩu vải và nhập khẩu lương thực). Còn Việt Nam sẽ tập trung sản xuất lương thực và xuất khẩu để nhập khẩu vải. 

Nếu Mỹ đổi 6 mét vải lấy 6kg lương thực của Việt Nam thì Mỹ được lợi 2kg lương thực vì nếu 1 giờ sản xuất trong nước thì Mỹ chỉ sản xuất được 4kg lương thực mà thôi. Như vậy, Mỹ sẽ có lợi 2:4=1/2 giờ lao động.

Việt nam sản xuất 1 giờ chỉ được 1mét vải, với 6m vải trao đổi được Việt Nam phải mất 6 giờ đồng hồ. Giả sử Việt Nam tập trung 6 giờ đó vào sản xuất lương thực sẽ được 6 giờ x 5kg/giờ = 30 kg lương thực. Mang 6kg đem trao đổi lấy 6 mét vải, còn lại 24kg. 

Như vậy, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 24:5kg/h ~ 5 giờ lao động.

Qua ví dụ trên ta thấy thực tế là Việt Nam có lợi nhiều hơn so với Mỹ. Tuy nhiên điều này không quan trọng, mà quan trọng hơn là cả hai bên đều có lợi khi chuyên môn hoá sản xuất những sản phẩm mà họ có thế so sánh và mang đi trao đổi. 

Như vậy, lí thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith có thể tóm tắt trong mấy điểm như sau: 

- Đề cao vai trò của cá nhân và các doanh nghiệp, ủng hộ một nền thương mại tự do, không có sự can thiệp của Chính phủ. Mậu dịch tự do sẽ làm cho thế giới sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn. 

- Thấy được tính ưu việt của chuyên môn hóa. Tuy nhiên, lí thuyết này lại đồng nhất hóa sự phân công lao động quốc tế với sự phân công lao động trong nước mà không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia là rất lớn về thể chế chính trị, về phong tục, tập quán…

- Dùng lợi thế tuyệt đối chỉ có thể giải thích được một phần rất nhỏ trong mậu dịch thế giới ngày nay, ví dụ như giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển. 

Lí thuyết này không thể giải thích được trong trường hợp một nước được coi là "tốt nhất", tức là quốc gia đó có lợi thế tuyệt đối để sản xuất tất cả các sản phẩm hoặc một nước được coi là "kém nhất", tức là quốc gia đó không có một sản phẩm nào có lợi thế tuyệt đối để sản xuất trong nước.

(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Quản trị Kinh doanh Quốc tế, GS.TS. Bùi Xuân Phong, 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuyết Nhi