|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ý định nghỉ việc (Turnover intention) của nhân viên là gì?

10:57 | 16/07/2020
Chia sẻ
Ý định nghỉ việc (tiếng Anh: Turnover intention) có thể hiểu đơn giản là mức độ mà nhân viên có ý định từ bỏ, là một sự sẵn sàng cố ý rời khỏi tổ chức.
Ý định nghỉ việc (Turnover intention) của nhân viên là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: partnersgroup.sk)

Ý định nghỉ việc

Khái niệm

Ý định nghỉ việc trong tiếng Anh gọi là: Turnover intention.

Cụm từ "ý định nghỉ việc" thể hiện ý định hành vi của người lao động, đó là nhận thức khả năng rời khỏi tổ chức hiện tại của họ. Ý định nghỉ việc có thể hiểu đơn giản là mức độ mà nhân viên có ý định từ bỏ, là một sự sẵn sàng cố ý rời khỏi tổ chức.

Hiện nay các nhà nghiên cứu và các nhà quản lí cũng đã chú ý nhiều đến hiện tượng nghỉ việc của nhân viên do ảnh hưởng bất lợi của nó đối với tổ chức. Joarder và cộng sự (2011) cho rằng, thuật ngữ "nghỉ việc" thể hiện hành vi nghỉ việc thực tế, nhân viên chuyển tới các tổ chức khác.

Trên cơ sở này, một số nghiên cứu đã đánh giá vai trò của ý định trong việc dự đoán và hiểu rõ về hành vi (McCarthy và cộng sự, 2007). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ý định là tuyên bố tốt nhất về hành vi cụ thể. 

Theo đó, ý định nghỉ việc được xem là dự báo tốt nhất về hành vi nghỉ việc của người lao động trong thực tế (Griffeth và cộng sự, 2000; Joarder và cộng sự, 2011). 

Tác động của sự im lặng và cam kết tình cảm của nhân viên tới ý định nghỉ việc

Joinson (1996) đã cho thấy rằng, sự im lặng có tác động đến sự cam kết của cá nhân, từ đó dẫn đến ý định nghỉ việc của họ.

Việc im lặng sẽ tạo ra sự thiếu các thông tin quan trọng về các vấn đề trong tổ chức, ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và phát triển của nhân viên, từ đó dẫn đến tình cảm của họ dành cho tổ chức ngày càng ít đi. 

Kết quả, tạo ra những yếu tố là tiền đề cho sự nghỉ việc, như: căng thẳng, hoài nghi, kiệt sức, không động lực phấn đấu và không có mong muốn cống hiến cho tổ chức (Morrison, 2014). 

Có thể thấy, sự im lặng là yếu tố vừa tác động trực tiếp đến sự cam kết, ý định nghỉ việc của nhân viên, vừa tác động gián tiếp đến ý định nghỉ việc thông qua những gắn kết về tình cảm. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Griffeth và cộng sự (2000) cũng chỉ ra rằng, cam kết tình cảm là một trong những yếu tố dự đoán tốt nhất về ý định nghỉ việc của người lao động. 

Cá nhân bằng cách phát triển mối quan hệ tình cảm với doanh nghiệp có xu hướng liên kết với các mục tiêu chung của tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu này (Meyer & Allen, 1991). 

Nhân viên với một sự gắn bó về tình cảm mạnh mẽ (cam kết tình cảm) có khuynh hướng làm việc chăm chỉ hơn, có hiệu quả hơn và do đó sẽ có một cảm giác mạnh mẽ muốn được ở lại tổ chức, giảm ý định nghỉ việc.

(Tài liệu tham khảo: Tác động của sự im lặng đến cam kết tình cảm và ý định nghỉ việc của nhân viên, Trần Mai Đông, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi