|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phong cách lãnh đạo đích thực (Authentic leadership - AL) là gì?

09:33 | 16/07/2020
Chia sẻ
Phong cách lãnh đạo đích thực (tiếng Anh: Authentic leadership - AL) là một phong cách lãnh đạo mới nổi, được xem là rất cần thiết trong lĩnh vực quản trị tổ chức trong thế kỉ XXI.
Phong cách lãnh đạo đích thực (Authentic leadership - AL) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: authenticleadershipconsulting)

Phong cách lãnh đạo đích thực

Khái niệm

Phong cách lãnh đạo đích thực trong tiếng Anh gọi là: Authentic leadership - AL.

Theo lí thuyết về phong cách lãnh đạo đích thực của Walumbwa và các cộng sự (2008), phong cách lãnh đạo đích thực là một khái niệm đa hướng, bao gồm 4 bình diện cụ thể:

Tự nhận thức (Self-awareness) liên quan sự tự nhận thức về điểm mạnh, điểm yếu của một cá nhân và bản chất đa diện của cá nhân đó. 

Thông qua sự tương tác với người khác, người lãnh đạo với sự tự nhận thức cao sẽ nhận ra cái nhìn sâu sắc có giá trị về bản thân và ý thức được cách thức mình ảnh hưởng lên người khác như thế nào, đặc biệt là những nhân viên của mình (Kenris, 2003).

Minh bạch trong các mối quan hệ (Relational transparency) nói về việc thể hiện sự đích thực của bản thân mình với người khác (Gardner và các cộng sự, 2011). 

Cụ thể, những người lãnh đạo đích thực sẽ cố gắng hết sức có thể để cung cấp những thông tin liên quan đến công việc cho nhân viên của mình miễn là không vi phạm đến quyền riêng tư và an toàn của người khác. 

Bên cạnh đó, bình diện này cũng chỉ ra rằng, người lãnh đạo đích thực cũng sẵn sàng cởi mở, chia sẻ cảm xúc và những suy nghĩ chân thực nhất của bản thân, trong khi vẫn duy trì phẩm chất phù hợp với bối cảnh nơi làm việc. 

Với sự chia sẻ đó, nhân viên sẽ hiểu được lí do đằng sau mỗi quyết định của người lãnh đạo, từ đó giảm sự lo lắng, sợ hãi và tin tưởng nhiều hơn vào người lãnh đạo của mình (Gardner và các cộng sự, 2011).

Quá trình xử lí thông tin cân bằng (Balanced processing of information) thể hiện người lãnh đạo sẽ phân tích tất cả các thông tin liên quan trước khi đưa ra một quyết định nào đó. 

Thêm vào đó, người lãnh đạo đích thực tìm kiếm các thông tin khách quan nhất, ngay cả những thông tin đó phá vỡ, đi ngược trở lại với các quan niệm đã có từ trước. Quá trình xử lí thông tin cân bằng giúp người lãnh đạo đích thực đưa ra được những quyết định đúng đắn cho tổ chức, xã hội, thậm chí những quyết định đó không có lợi cho bản thân họ. 

Bình diện này cho thấy, người lãnh đạo đích thực luôn sẵn sàng nhận những thông tin phản hồi từ phía cấp dưới, thậm chí là những thông tin tiêu cực về bản thân trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.

Quan điểm đạo đức nội tại (An internalized moral perspective) thể hiện rằng một người lãnh đạo luôn gìn giữ và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn, các giá trị đạo đức cốt lõi như là một hành động của sự lựa chọn cá nhân. 

Bên cạnh đó, bình diện này cũng nêu lên sự tự điều chỉnh bản thân được định hướng bởi các giá trị đạo đức, tiêu chuẩn nội tại trước những áp lực của xã hội và tổ chức để đi đến các hành vi, các quyết định nhất quán với các giá trị nội tại này (Walumbwa và các cộng sự, 2008, p. 96). 

Với những đặc tính trên, người lãnh đạo mang phong cách lãnh đạo đích thực sẽ nuôi dưỡng sự gắn kết, niềm tin, sự hài lòng của người nhân viên với tổ chức của mình, từ đó gia tăng chất lượng mối quan hệ giữa nhân viên và tổ chức mà họ thuộc về.

Phong cách lãnh đạo đích thực là một phong cách lãnh đạo mới nổi, được xem là rất cần thiết trong lĩnh vực quản trị tổ chức trong thế kỉ XXI (Qiu và các cộng sự, 2019; Copeland, 2016). 

Lí thuyết và các thực tiễn quản trị chứng minh rằng, phong cách lãnh đạo đích thực mang đến đa dạng kết quả tích cực cho tổ chức, như là: Sự cam kết tổ chức của nhân viên; hành vi công dân tổ chức; niềm tin vào lãnh đạo; động lực đổi mới, sáng tạo của nhân viên; sự gắn kết của nhân viên (Gardner và các cộng sự, 2011; Qiu và các cộng sự, 2019).

(Tài liệu tham khảo: Ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo đích thực đến chất lượng mối quan hệ giữa nhân viên và tổ chức, TS. Trần Mai Đông, ThS. Hoàng Thị Kim Quy, Nguyễn Phong Nguyên, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi