|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sáp nhập theo chiều ngang (Horizontal Merger) là gì?

15:07 | 16/10/2019
Chia sẻ
Sáp nhập theo chiều ngang (tiếng Anh: Horizontal Merger) là hình thức sáp nhập diễn ra giữa các công ty trong cùng một ngành kinh doanh (hay có thể nói là giữa các đối thủ cạnh tranh).
sáp nhập theo chiều ngang

Sáp nhập theo chiều ngang 

Khái niệm

Sáp nhập theo chiều ngang trong tiếng Anh là horizontal merger.

Sáp nhập theo chiều ngang là hình thức sáp nhập diễn ra giữa các công ty trong cùng một ngành kinh doanh (hay có thể nói là giữa các đối thủ cạnh tranh).

Cạnh tranh sẽ có xu hướng cao hơn giữa các công ty hoạt động trong cùng một không gian, có nghĩa là sự hợp lực và tiềm năng tăng thị phần sẽ lớn hơn nhiều đối với các công ty sáp nhập. 

Lợi thế của việc sáp nhập theo chiều ngang

Kiểu sáp nhập này xảy ra phổ biến vì các công ty lớn hơn cố gắng tạo ra qui mô kinh tế hiệu quả hơn. Ngược lại, sáp nhập theo chiều dọc diễn ra khi các công ty từ các bộ phận khác nhau của chuỗi cung ứng hợp nhất để làm cho quá trình sản xuất hiệu quả hơn hoặc hiệu quả chi phí cao hơn. 

Một sự sáp nhập theo chiều ngang có thể giúp một công ty đạt được lợi thế cạnh tranh. Nếu một công ty sản xuất các sản phẩm bổ sung cho nhau, công ty mới sáp nhập có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn cho khách hàng. 

Sáp nhập với một công ty cung cấp các sản phẩm khác nhau cho một lĩnh vực khác nhau trên thị trường giúp công ty mới đa dạng hóa dịch vụ và tham gia vào các thị trường mới. 

Sự sáp nhập theo chiều ngang của hai công ty xuất sắc trong ngành có thể là một sự đầu tư tốt hơn so với việc dành nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ riêng biệt. Việc sáp nhập theo chiều ngang có thể tăng doanh thu của công ty bằng cách cung cấp thêm một loạt sản phẩm cho khách hàng hiện tại. 

Doanh nghiệp có thể bán cho các lãnh thổ địa lí khác nhau nếu một trong những công ty trước sáp nhập có cơ sở phân phối hoặc khách hàng ở các khu vực không thuộc phạm vi của công ty kia. 

Sáp nhập theo chiều ngang cũng giúp giảm nguy cơ cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, công ty mới thành lập có thể có nguồn lực và thị phần lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh, cho phép doanh nghiệp kiểm soát giá cả tốt hơn.

Ví dụ minh họa

Procter & Gamble (P&G) là một trong những công ty lớn nhất thế giới sản xuất sản phẩm tiêu dùng chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ và trẻ em. Năm 2004 doanh thu là 56,74 tỉ USD, lợi nhuận ròng là 7,26 tỉ USD. Gillette là công ty của Mỹ đứng đầu thế giới về sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân cho nam. 

Doanh số năm 2004 là 9 tỉ USD. Mục đích của M&As (Sáp nhập và mua lại): P&G từ lâu đã hướng về đối tượng khách hàng là phụ nữ và trẻ em sơ sinh giờ muốn mở rộng sang đối tượng là nam giới nên muốn mua lại Gillette. 

Tháng 01/2005, công ty Procter & Gamble đã mua lại Gillette với giá 57 tỉ USD, gấp 6 lần doanh số của Gillette (9 tỉ USD). Sau M&A với Gillette, P&G trở thành tập đoàn số 1 thế giới vượt cả Unilever. Hoạt động M&As đã đem lại sức tăng trưởng với tỉ lệ cao nhất và sự bao trùm về địa lí cho công ty.

Tập đoàn bán lẻ quần áo GAP Inc. Đã kết hợp 3 công ty là Banana Republich, Old Navy và GAP, mỗi một công ty này bán các loại quần áo khác nhau phù hợp với túi tiền của những khách hàng khác nhau, Banana Republic thì bán các loại quần áo giá cao phù hợp với tầng lớp thượng lưu, còn GAP bán quần áo giá vừa phải cho tầng lớp trung lưu tuổi trung niên, Old Navy bán quần áo rẻ hướng tới đối tượng khách hàng là trẻ em và thanh thiếu niên. Sự sáp nhập giữa 3 công ty này đã làm cho tập đoàn GAP Inc, có được một thị trường bán lẻ quần áo rộng lớn.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Đầu tư nước ngoài, chuyên SV; Investopedia)