Lời nguyền địa lý: Châu Phi là cái nôi của loài người nhưng sao cứ mãi tụt hậu?
Con người hiện đại (Homo sapiens) xuất hiện từ châu Phi vào khoảng 200.000 năm trước. Bất chấp việc có hàng chục nghìn năm lợi thế xuất phát so với các châu lục khác, châu Phi vẫn tụt lại xa so với châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Á trong gần như toàn bộ lịch sử được ghi chép.
Cho đến thế kỷ 19, nhiều nơi tại Hạ Sahara vẫn không hề có bánh xe. Ngoài một số vương quốc nổi bật, đa phần người châu Phi chỉ sống thành các bộ lạc.
Nhiều người thường chỉ ra rằng thực dân là nguyên nhân duy nhất khiến châu lục đen vẫn nghèo đói. Thế nhưng, trên thực tế không chỉ mỗi châu Phi phải chịu cảnh thuộc địa. Mỹ từng là thuộc địa của Anh nhưng giờ đây lại là quốc gia số một thế giới.
Tuy không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của chủ nghĩa thực dân, nhưng kể cả nếu không có bàn tay của phương Tây, châu Phi cũng rất khó vươn lên vì những bất lợi về địa lý.
Địa lý chia cắt con người
Châu Phi khổng lồ
Nếu nhìn vào bản đồ, chúng ta có thể bị lầm tưởng rằng châu Phi chỉ nhỉnh hơn đảo Greenland một chút. Sự lầm tưởng này là kết quả của phép chiếu Mercator, khiến cho các nước càng xa vùng Xích Đạo trông có vẻ càng lớn.
Trên thực tế, châu Phi rất khổng lồ, có thể nhét vừa Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và thêm một vài quốc gia châu Âu. Tổng diện tích châu Phi là hơn 30,4 triệu km2, tức lớn gấp gần hai lần diện tích nước Nga, hơn ba lần nước Mỹ và Trung Quốc. Châu Phi là châu lục lớn thứ ba thế giới, sau châu Á và châu Mỹ.
Diện tích khổng lồ đi kèm với tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đa dạng, cảnh sắc hùng vĩ và không gian để các nền văn minh phát triển. Thế nhưng, một loạt các yếu tốt địa lý đã khiến châu Phi rộng lớn trở nên nhỏ hẹp và bị chia cắt.
Quá nhiều kiểu khí hậu
Vấn đề địa lý của châu Phi không đến từ diện tích, mà sự tương quan giữa chiều ngang lãnh thổ và chiều cao. Tại lục địa Á-Âu và Bắc Mỹ, chiều ngang lãnh thổ luôn lớn chiều cao. Do khí hậu được quyết định bởi vĩ độ, nên các lục địa càng dài sẽ càng có nhiều diện tích cùng nằm trong một kiểu thời tiết.
Ngược lại, châu Phi cao hơn dài (trải dài qua nhiều vĩ độ). Kết quả là, châu lục đen có đủ loại khí hậu từ Địa Trung Hải (cận nhiệt đới), cận sa mạc, sa mạc, bán khô hạn, xa van rồi rừng mưa nhiệt đới ... xếp thành những dải có diện tích nhỏ hẹp. Mặc dù khi nhắc đến châu Phi, người ta thường nghĩ đến nắng nóng, nhưng một số nước Bắc Phi và Nam Phi thậm chí còn có tuyết rơi vào mùa đông.
Trong cùng một đới khí hậu, con người sẽ trồng cùng một loại cây trồng, nuôi chung một loại vật nuôi, đối mặt với những điều kiện tương tự nhau.
Kết quả là, văn hóa, ngôn ngữ tại cùng một khu vực khí hậu sẽ có những nét tương đồng, từ đó, con người có thể đoàn kết lại với nhau, giúp cho các nền văn minh phát triển.
Nhìn vào bản đồ phân bố các nền văn minh lớn, có thể thấy rằng các nền văn minh thường chỉ nằm gọn trong một đới khí hậu, chẳng hạn như Trung Quốc, Mỹ và Tây Âu là ôn đới, Ấn Độ là nhiệt đới, La Mã ứng với khí hậu Địa Trung Hải.
Ngược lại, châu Phi, mặc dù với diện tích khổng lồ, những lại không có nổi những khu vực cùng một kiểu khí hậu liền mạch, rộng lớn mà thay vào đó bị phân mảnh thành những dải hẹp ngang.
Và cũng không bất ngờ khi các nền văn minh tại châu lục đen không có chỗ để phát triển và xung đột giữa các bộ tộc luôn diễn ra.
Biển là nhà tù, sông là rào cản
Mặc dù có thể tiếp cận ba đại dương là Ấn Độ Dương, Nam Băng Dương và Đại Tây Dương, biển cả mênh mông giống như một nhà tù giam cầm châu lục đen.
Khi người phương Tây cố gắng tiếp cận châu Phi từ phía Đại Tây Dương, họ phát hiện ra rằng lục địa này không có nhiều cảng để neo đậu tàu thuyền.
Khác với châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi những đường bờ biển dựng đứng trở thành những cảng nước sâu, bờ biển của châu Phi lại thoải, khiến việc xây dựng các cảng biển trở nên vô cùng khó khăn.
Với công nghệ vượt trội hơn nhiều so với châu Phi vào thế kỷ 15, người châu Âu cũng chỉ có thể đi vào sâu trong lục địa khoảng 150 km do địa hình hiểm trở và các con sông nhiều thác ghềnh.
Đa số sông tại châu Phi bắt đầu từ vùng cao nguyên, chảy ra biển và có nhiều ghềnh, thác nước. Ví dụ như con sông Zambezi dài khoảng 2.600 km, có thác Victoria là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Chính những con thác này khiến cho sông ngòi không thể đóng vai trò làm tuyến đường thủy.
Sông Zambezi chảy qua 6 nước, từ độ cao 1.500 mét tụt xuống mực nước biển khi hòa vào Ấn Độ Dương. Chỉ có một phần nhỏ có thể đi lại bằng thuyền, nhưng những khu vực này lại không được liên kết nhau, hạn chế vận tải hàng hóa và con người.
Các dòng sông lớn của lục địa đen như Niger, Congo, Zambezi và Nile không không hợp lưu và kết quả là tạo ra sự chia cắt giữa con người.
Động vật không thể thuần hóa
Theo tác giả Jared Diamond trong cuốn sách "Súng, vi trùng và thép", một lý do khiến nông nghiệp, giao thương và các quốc gia ở châu Phi kém phát triển là thiếu động vật có sức kéo như ngựa hay trâu bò.
Những động vật có sức kéo đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của châu Âu và châu Á. Châu Phi Hạ Sahara giàu đa dạng sinh học là thế, những lại không có những loài vật có thể thuần hóa như bò hay ngựa.
Giống như loài người, đa số loài động vật cũng đều khởi nguồn từ lục địa đen. Kết quả của việc tiến hóa trên lục địa có sức cạnh tranh cao đã khiến những loài vật này trở nên vô cùng khó bảo và rất thông minh.
Môi trường đa dạng sinh học của châu Phi khiến cho nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm sang cơ thế con người cũng tăng lên. Trong quá khứ, các loài muỗi, ruồi, đặc biệt là ruồi tse tse khiến cho việc mở rộng của các quốc gia châu Phi về phía trong lục địa trở nên bất khả thi.
Văn hóa
Phần lớn châu Phi không tạo thành những vương quốc lớn (ngoại trừ Ai Cập, Mali hay Ethiopia) mà sinh sống theo các bộ lạc. Châu lục đen có hàng nghìn bộ lạc, mỗi bộ lạc lại có những khác biệt văn hóa khác nhau và đôi khi đối đầu nhau.
Do đó, hoạt động trao đổi, thương mại không diễn ra mạnh mẽ. Hàng hóa, ý tưởng hay công nghệ không được chuyển từ nơi này sang nơi khác. Và kết quả là, châu Phi tụt hậu về mặt công nghệ.
Biên giới ngẫu nhiên
Tới thế kỷ 16, châu Phi trở thành nạn nhân khi người phương Tây vơ vét, áp bức và biến người dân của châu lục này thành nô lệ.
Bởi châu Âu nhỏ và tương đối thiếu tài nguyên, châu lục này buộc phải tìm kiếm nguyên liệu và thị trưởng để tiếp tục phát triển. Địa lý vốn đã khiến châu Phi tụt hậu, nay lại biến nơi đây thành miếng mồi béo bở cho thực dân.
Tồi tệ hơn, những kẻ thực dân đã gộp người dân châu Phi lại trong những biên giới ngẫu nhiên (Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh cũng là nạn nhân của kiểu phân chia biên giới này).
Những biên giới này được vẽ ra do các đoàn thám hiểm, chiến tranh giữa các nước phương Tây hay chỉ là kết quả sau một quyết định chóng vánh tại một thủ đô nào đó ở châu Âu mà không hề tính đến đều kiện thiên nhiên, khí hâu và văn hóa bản xứ.
Kết quả là, các bộ lạc sa mạc, có thể cùng với bộ lạc sống trong rừng nhiệt đới hợp lại thành một "quốc gia".
Sự phận chia này dẫn đến những bất ổn trong nội bộ của nhiều các nước châu Phi.
Nội chiến, xung đột sắc tộc xảy ra ở gần như mọi quốc gia châu Phi kể từ thời kỳ thuộc địa.
Các quốc gia tại Trung Phi với đa dạng sắc tộc cũng là khu vực nghèo đói nhất thế giới.
Những nước thành công hơn phần còn lại của châu Phi thường có biên giới được phân chia theo cách tự nhiên hoặc trùng với một kiểu khí hậu, văn hóa. Ethiopia, Ai Cập đều là những quốc gia có lịch sử lâu đời, trong khi Nam Phi nằm trong một đới khí hậu, và có tương đối ít số lượng sắc tộc.
Tương lai không chắc chắn
Theo tác giả Tim Marshall của cuốn sách "Những tù nhân của địa lý", yếu tố địa lý đã khiến châu Phi không có cơ hội phát triển, sau đó thực dân châu Âu tiếp tục chia cắt châu lục đen bằng những đường biên giới ngẫu nhiên. Giờ đây, châu Phi đang nỗ lực để vượt qua những rào cản địa lý này.
Những dòng sông từng ngăn cản hoạt động giao thương giờ đây đang được khai thác để tạo ra điện năng. Khoáng sản và nhiên liệu được đào lên từng những vùng đất không thể trồng trọt. Các tuyến cao tốc, đường sắt, cảng biển và sân bay đang được xây dựng, giúp xóa đi những trở ngại địa lý.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia châu Phi phụ thuộc vào giá nguyên liệu và năng lượng. Viện trợ vẫn chiếm một phần đáng kể trong tỷ trọng kinh tế của nhiều nước tại châu lục đen.
GDP đầu người của châu Phi Hạ Sahara (khu vực kém phát triển nhất) trong vài chục năm thậm chí còn tăng chậm hơn Mỹ - một quốc gia phát triển. Tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối trên khắp lục địa, trong khi đó còn nhiều điểm nóng về xung đột (Somali, Sudan, Libya, Mozambique ...).