Khủng hoảng nợ châu Phi: Nguyên nhân chủ yếu là phương Tây, không phải Trung Quốc
Chủ nợ phương Tây là nguyên nhân
SCMP cho biết, theo một nghiên cứu do tổ chức từ thiện Debt Justice của Anh công bố ngày 11/7, các quốc gia châu Phi đang nợ các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và thương nhân dầu mỏ phương Tây nhiều gấp ba lần so với Trung Quốc và bị tính lãi cao gấp đôi.
Nghiên cứu này phản bác những cáo buộc ngày càng tăng của Mỹ và các nước phương Tây khác rằng hoạt động cho vay của Trung Quốc là nguyên nhân cho những vấn đề về nợ mà một số quốc gia châu Phi phải đối mặt.
Nghiên cứu cho biết chỉ 12% nợ nước ngoài của lục địa đen là của Trung Quốc, so với con số 35% thuộc về các chủ nợ tư nhân phương Tây. Kết quả này được tính toán dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Nghiên cứu chỉ ra rằng lãi suất tính cho các khoản vay tư nhân cao gần gấp đôi so với các khoản vay của Trung Quốc, đồng thời các quốc gia mắc nợ nhiều nhất ít có khả năng bị Bắc Kinh chi phối nợ hơn.
Lãi suất trung bình đối với các khoản vay từ các chủ nợ tư nhân là 5%, so với 2,7% của các khoản vay bởi các tổ chức cho vay công và tư Trung Quốc.
Nghiên cứu được công bố trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 16/7 tại Indonesia. Các nhà vận động đang kêu gọi các nước phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, buộc các bên cho vay tư nhân tham gia vào Khuôn khổ chung, kế hoạch xóa nợ mới nhất của G20.
Nghiên cứu chỉ ra rằng 12 trong số 22 quốc gia châu Phi có các khoản nợ cao nhất đang chi hơn 30% tổng số tiền trả nợ nước ngoài tới các tổ chức cho vay tư nhân. Các nước trên bao gồm Cabo Verde, Chad, Ai Cập, Gabon, Malawi, Morocco (Ma rốc), Rwanda, Senegal, Tunisia và Zambia.
Nam Sudan là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 81% các khoản trả nợ thuộc về các chủ nợ tư nhân và chỉ 11% là đến Trung Quốc.
Ghana cũng đang trả hơn một nửa nghĩa vụ nợ nước ngoài của mình cho khu vực tư nhân. Chỉ 11% nợ của Ghana thuộc về Trung Quốc và phần còn lại đến từ các tổ chức cho vay đa phương và chính phủ khác.
Các nhà cho vay Trung Quốc chiếm hơn 30% các khoản thanh toán tiền vay tại 6 trong số 22 quốc gia mắc nợ nhiều nhất: Angola, Cameroon, Cộng hòa Congo, Djibouti, Ethiopia và Zambia. Nghiên cứu tính ra rằng, 59% các khoản thanh toán nợ nước ngoài của Angola được chi trả cho các chủ nợ Trung Quốc.
Djibouti, nơi Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng các cảng và khu thương mại tự do, đồng thời thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, dành 64% các khoản thanh toán nợ nước ngoài cho Bắc Kinh.
Ngừng đổ lỗi cho Bắc Kinh
Người đứng đầu về chính sách của Debt Justice, ông Tim Jones cho biết các nhà lãnh đạo phương Tây đã đổ lỗi cho Trung Quốc về các cuộc khủng hoảng nợ ở châu Phi, "nhưng đây chỉ là hành động đánh lạc hướng".
“Sự thật là các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và nhà kinh doanh dầu mỏ của phương Tây phải chịu nhiều trách nhiệm hơn nhưng G7 đang để những chủ nợ này thoái thác nghĩa vụ”, ông cho biết.
Ông Jones cũng thông tin thêm rằng Trung Quốc đã tham gia Sáng kiến Hoãn Chi trả nợ của G20 trong thời kì đại dịch, còn các tổ chức cho vay tư nhân thì không.
“Không thể có giải pháp nợ hiệu quả nếu không có sự tham gia của các tổ chức cho vay tư nhân. Anh và Mỹ nên đưa ra luật để buộc các bên cho vay tư nhân tham gia vào việc xóa nợ”, ông nói.
Sáng kiến của G20, được công bố vào tháng 5/2020, đã giãn nợ cho 48 nền kinh tế, tạm hoãn khoảng 12,9 tỷ USD tiền thanh toán nợ cho đến khi kết thúc vào tháng 12/2020.
Nhưng việc vắng mặt các tổ chức cho vay tư nhân và đa phương đồng nghĩa với việc chỉ có 23% khoản thanh toán nợ của các quốc gia đăng ký tham gia vào sáng kiến được hoãn lại.
Năm 2020, Zambia trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ lô trái phiếu mệnh giá 3 tỷ USD trong kỷ nguyên đại dịch. Quốc gia này hiện đang trong quá trình tái cơ cấu khoảng 17 tỷ USD nợ nước ngoài, là một điều kiện tiên quyết để nhận được các khoản vay 1,4 tỷ USD từ IMF.
Zambia nợ các nhà cho vay Trung Quốc khoảng 6 tỷ USD, vốn đã đầu tư vào xây dựng các dự án lớn bao gồm sân bay, đường cao tốc và đập thủy điện.
Chương trình thay thế cho Sáng kiến Hoãn Chi trả nợ là Khuôn khổ chung G20, cho phép các nước tham gia đồng ý tái cơ cấu nợ với bên cho vay song phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các quốc gia sau đó phải tìm cách xử lý nợ tương tự từ các chủ nợ khu vực tư nhân.
Cho đến nay, chỉ có Chad, Zambia và Ethiopia đã nộp đơn xin trợ giúp thông qua Khuôn khổ chung, nhưng tất cả vẫn đang chờ đợi để được xóa nợ.
Các nước G7 đã đổ lỗi cho Trung Quốc về sự thất bại của chương trình xóa nợ, nhấn mạnh vào tuyên bố hồi tháng 5 từ bộ trưởng tài chính của 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
“Tất cả quốc gia chủ nợ như Trung Quốc, có khoản cho vay lớn với những nước thu nhập thấp đang đối mặt với các thách thức về tính bền vững nợ, cần có trách nhiệm đóng góp một cách tích cực vào biện pháp xử lý nợ cần thiết theo yêu cầu”, tuyên bố cho biết.
Nhưng theo ông Yungong Theo Jong, người đứng đầu các chương trình tại Diễn đàn Châu Phi và Mạng lưới về Nợ và Phát triển (Afrodad), cho biết những tổ chức cho vay đa phương và tư nhân vẫn là chủ nợ lớn nhất đối với các chính phủ Châu Phi.
“Các khoản cho vay từ Trung Quốc đã làm tăng gánh nặng nợ của châu Phi, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với chủ nợ phương Tây. Tất cả người cho vay phải tham gia xóa nợ”, ông nói.