|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ của tập đoàn đường sắt Trung Quốc phình to gần 900 tỷ USD, dấy lên lo ngại về nền kinh tế chung

11:08 | 07/07/2022
Chia sẻ
Tập đoàn China Railway ngày càng lún sâu vào nợ nần vì nỗ lực xây dựng các dự án đường sắt để góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

 

Tàu cao tốc tại một nhà ga ở Đại Liên. Trung Quốc có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, dài hơn 40.000 km. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Mục tiêu lớn 

Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (China Railway) cũng dồn sức để mở rộng mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới của đất nước.

Tuy nhiên, chiến lược tích cực mở rộng này đã làm tăng thêm nợ nần của China Railway. Tính đến cuối năm 2021, nợ của tập đoàn đã lên đến 5.910 tỷ nhân dân tệ (khoảng 882 tỷ USD), tương đương khoảng 5% GDP Trung Quốc. Dự kiến khối nợ này sẽ ngày càng phình to, làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm tàng của “nợ ẩn” đối với triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm 20/6, China Railway đã trình diễn con tàu tốc hành hiện đại nhất trên một đoạn của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Quảng Châu. Con tàu có tốc độ vận hành 350 km/h, nhanh hơn 40 km/h so với các mẫu trước đó.

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc được nới dài thêm 2.168 km trong năm 2021, đạt chiều dài tổng cộng hơn 40.000 km. China Railway dự định sẽ nâng con số này lên 50.000 km vào năm 2025 và 70.000 km trong năm 2035 – tăng hơn 70% từ năm 2021.

Sự gia tăng chóng mặt này diễn ra trong lúc các chính quyền địa phương cạnh tranh lẫn nhau để thu hút dự án mới. Giới quan chức địa phương hy vọng dự án đường sắt sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy các ngành kinh doanh liên quan.

Nhiều lãnh đạo cao cấp của China Railway – bao gồm Chủ tịch Lu Dongfu – là cựu quan chức trong ngành giao thông vận tải. Theo tờ Nikkei Asia, tập đoàn hoạt động như một phần của chính phủ Trung Quốc. Những lo lắng về nợ nần và khả năng sinh lãi của China Railway đã bị đẩy ra sau.

Ông Zhao Jian, giáo sư tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết: “Ưu tiên của chính phủ là tăng trưởng kinh tế và họ không quan tâm đến việc thanh toán nợ. Nhưng việc xây dựng mỗi km đường sắt lại tốn đến 120-130 triệu nhân dân tệ (17,9– 19,4 triệu USD)”. Điều này có nghĩa là việc mở rộng 30.000 km đường sắt sẽ tiêu tốn khoảng 3.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 537 tỷ USD).

China Railway đang bán trái phiếu cho các ngân hàng và công ty chứng khoán nhà nước để trang trải chi phí. Hôm 31/5, chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế toàn diện, bao gồm cho phép China Railway phát hành thêm 300 tỷ nhân dân tệ trái phiếu xây dựng đường sắt.

Tờ Nikkei Asia đánh giá số trái phiếu này giống như một khoản “nợ ẩn”, cho phép chính phủ Trung Quốc vay tiền mà không ảnh hưởng đến nợ quốc gia chính thức.

Nợ nần, thua lỗ

Báo cáo tài chính cho thấy tổng nợ của China Railway đã tăng 4% trong năm 2021 lên 5.910 tỷ nhân dân tệ. Tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc trả nợ sau khi ghi nhận khoản lỗ ròng 49,8 tỷ nhân dân tệ (7,4 tỷ USD) trong năm vừa rồi.

Lượng hành khách năm ngoái giảm 29% so với mức trước đại dịch. Trong ba tháng đầu năm 2022, số lượng hành khách cũng không được cải thiện nhiều, hậu quả của làn sóng COVID-19 mới.

China Railway khai trương tuyến đường sắt cao tốc Hoàng Cương- Hoàng Mai ở Hồ Bắc vào ngày 22/4. Một cư sống sống gần trạm tàu thuật lại với Nikkei Asia: “Chỉ có khoảng vài chục dân địa phương dùng tuyến tàu đó mỗi ngày”. Người này nói thêm rằng tuyến đường sắt cao tốc đã không thu hút được thêm khách sạn và công ty mới đến khu vực chủ yếu sống bằng nghề nông này.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để hạn chế vấn đề nợ song song với việc mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia. Năm ngoái, Chủ tịch Lu của China Railway tuyên bố với truyền thông rằng tập đoàn sẽ theo dõi sát sao tỷ lệ hoàn vốn và kiểm soát quy mô nợ để giảm rủi ro xuống mức tối thiểu. 

Chìa khóa của kế hoạch này là dịch vụ vận chuyển. Số chuyến tàu chở hàng đến châu Âu do China Railway vận hành trong năm 2021 đã tăng 22% so với một năm trước đó, nhiều gấp 8 lần so với năm 2016. Doanh thu toàn tập đoàn từ dịch vụ vận tải đạt 435,9 tỷ nhân dân tệ, cao hơn hẳn doanh thu 302,1 tỷ USD từ dịch vụ hành khách.

China Railway cũng đã niêm yết một số công ty con kể từ năm 2020 nhằm thu hút vốn tư nhân. Tuy nhiên, Giáo sư Zhao đánh giá: "Lượng vốn tư nhân nhỏ sẽ không có nhiều tác động đến một tập đoàn nhà nước khổng lồ như China Railway”.

Giang