|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đã có mạng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, vì sao vẫn muốn xây thêm 12.000 km?

08:38 | 20/01/2022
Chia sẻ
Trung Quốc muốn đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng, nhất là đường sắt cao tốc, để ổn định tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn đà suy giảm.
Trung Quốc tính xây thêm 12.000 km đường sắt cao tốc để thúc đẩy kinh tế - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt cao tốc ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Trung Quốc sẽ mở rộng gần 32% tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2025. Chỉ riêng phần tăng thêm này đã bằng tổng chiều dài mạng lưới của 5 quốc gia có quy mô đường sắt lớn nhất sau Trung Quốc. 

Theo South China Morning Post (SCMP), nhận định chung của nhiều nhà quan sát là một lần nữa Bắc Kinh lại đang dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để ngăn chặn nền kinh tế giảm tốc.

Trung Quốc cũng có kế hoạch mở rộng việc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu ở trong và ngoài nước, đồng thời thắt chặt kiểm soát dữ liệu giao thông. Tự cường công nghệ và an ninh quốc gia đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Theo kế hoạch giao thông 5 năm mới được ban hành hôm 18/1 bởi Hội đồng Nhà nước, Trung Quốc sẽ mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới của mình lên 50.000 km vào năm 2025, dài hơn 12.000 km so với cuối 2020. Để so sánh, tổng chiều dài đường sắt cao tốc ở Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Đức và Phần Lan năm ngoái là 11.954 km, theo dữ liệu từ Liên minh Đường sắt Quốc tế.

Tính tới cuối năm ngoái, Trung Quốc có 38.000 km đường sắt cao tốc, nhiều hơn 8.000 km so với mục tiêu Bắc Kinh đặt ra trong kế hoạch 2017.

Trung Quốc tính xây thêm 12.000 km đường sắt cao tốc để thúc đẩy kinh tế - Ảnh 2.

Tuy nhiên, văn bản của Hội đồng Nhà nước cho rằng hệ thống vận tải của Trung Quốc vẫn "mất cân bằng" và chưa được phát triển đủ: "Vẫn còn những thiếu sót rõ rệt trong các tuyến đường sắt liên tỉnh và đường sắt đô thị trong các cụm thành phố và khu vực đô thị trọng điểm".

Giữa một loạt lực cản kinh tế, Bắc Kinh cam kết sẽ "chi tiêu sớm" cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay. Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt hai tuyến đường sắt cao tốc mới với tổng chiều dài 826,8 km, trị giá 238 tỷ nhân dân tệ (37,5 tỷ USD).

Vẫn chưa xây đủ?

Theo các nhà phân tích, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản suy yếu là yếu tố chính khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong nửa cuối năm ngoái.

Chìa khóa để ổn định tăng trưởng trong năm nay là đầu tư ổn định, đặc biệt là vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Đây là tuyên bố của ông Liu Shijin, Phó Giám đốc Ủy ban Các vấn đề Kinh tế thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, viết trong lưu ý ngày 19/1 rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng "quy mô của chúng khó mà đủ để ổn định tăng trưởng".

Thông báo mở rộng đường sắt cao tốc mới nhất là một phần trong nỗ lực mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia lên 165.000 km vào năm 2025 từ quy mô 146.000 km năm 2020, theo kế hoạch 5 năm.

Trong hướng dẫn khác được ban hành vào tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ tăng gần gấp đôi quy mô đường sắt cao tốc vào năm 2035 và tăng toàn bộ mạng lưới lên 200.000 km vào năm 2035.

Kế hoạch 5 năm mới viết rằng Trung Quốc đặt mục tiêu bao trùm toàn bộ hệ thống Bắc Đẩu lên các khu vực vận tải nội địa chính, đồng thời thúc đẩy đều đặn ứng dụng của hệ thống này trong vận tải đường biển và đường bộ toàn cầu.

Văn bản cũng kêu gọi tiêu chuẩn hóa mạnh hơn việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu vận tải, đồng thời ngăn chặn "sự mở rộng mất trật tự" của hoạt động gọi xe. Giới chức trách đang đặt nặng sự chú ý vào hoạt động này sau khi mở cuộc đánh giá an ninh mạng vào Didi Chuxing năm ngoái.

"Sự đổi mới độc lập của một số sản phẩm và công nghệ cốt lõi chưa mạnh mẽ. Tình hình an ninh giao thông vẫn nghiêm trọng ", kế hoạch nhắc nhở.

Giang