|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát không chừa một ai: Dân Trung Quốc có thể sắp hứng bão giá vì thịt heo

17:37 | 07/07/2022
Chia sẻ
Hiện tại, Trung Quốc gần như nằm ngoài “cơn bão” lạm phát đang đổ bộ vào các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, điều đó có thể sớm thay đổi bởi giá thịt heo tại thị trường tỷ dân đang tăng lên.

Thịt heo và lạm phát ở Trung Quốc

Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào một chiến dịch nhằm kiểm soát thị trường thịt heo, vì giá của loại protein chủ lực này đang tăng cao, đe doạ phá vỡ mục tiêu lạm phát và làm phức tạp hoá nỗ lực kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh.

Theo ghi nhận của Bloomberg, giá hợp đồng heo hơi giao sau trên sàn Đại Liên vừa có đợt tăng mạnh nhất trong một năm, trong khi giá bán buôn thì đang ở mức đỉnh 6 tháng.

Một quầy bán thịt heo tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Trong một năm qua, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã dốc sức hạ nhiệt giá hàng hoá công nghiệp sau khi đại dịch và chiến sự tại Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô trên diện rộng.

Giờ đây, đà đi lên của giá heo hơi có thể là điểm khởi đầu của một chu kỳ tăng giá thịt heo trong nước - hiện tượng thường kéo dài 3 hoặc 4 năm. Goldman Sachs ước tính một đợt tăng như vậy có thể kéo lạm phát tiêu dùng vượt mức mục tiêu 3% của ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Trong một dấu hiệu cho thấy giới chức trách đang lo lắng, cơ quan hoạch định chính sách của Bắc Kinh vừa thông báo rằng họ đang nghiên cứu bán thịt heo từ nguồn dự trữ quốc gia để ngăn giá tăng quá nhanh.

Ngoài ra, cơ quan trên cũng yêu cầu người chăn nuôi duy trì sản lượng bình thường và không được tích trữ nguồn cung. Chưa kể, các nhà hoạch định chính sách cũng đang làm việc với sàn Đại Liên để tăng cường giám sát thị trường giao ngay và giao sau.

Dưới đây là 5 biểu đồ có thể lý giải đợt tăng giá mới đây của thịt heo và tác động tiềm tàng của chúng đến triển vọng lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Bloomberg

Bức tranh đáng ngại cho Bắc Kinh

 

Trong vài năm qua, các quan chức Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát thị trường thịt heo, sau khi giá thịt tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử vào năm 2019 sau đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF).

Họ có thể trực tiếp quản lý đàn heo với nông dân, khuyến khích các ngân hàng thương mại cho người chăn nuôi vay vốn và giải phóng thịt heo trong kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, lần này giới chức Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Lin Guofa - trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng tư vấn Bric Agriculture Group, bình luận: “Khi mọi người tin rằng giá heo sẽ tăng lên, họ có xu hướng tích trữ nguồn hàng và mọi việc có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Song, một khi kỳ vọng đảo chiều, giá heo cũng có thể giảm sâu”.

 

Giá thịt heo đắt hơn rõ ràng là một lực cản đối với ngân sách của các hộ gia đình, bởi người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã phải thắt tiết kiệm hơn sau các đợt phong toả COVID-19.

Ngoài tác động trực tiếp đó, sản phẩm protein chủ lực này còn là loại thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CPI của Trung Quốc. Nếu giá thịt đi lên, rõ ràng tác động của việc tăng giá sẽ bị khuếch đại hơn.

Tính đến tháng 5, giá thịt heo trong rổ hàng hoá cấu thành CPI vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nếu không, giá tiêu dùng tại đất nước tỷ dân sẽ tăng 2,4%, thay vì 2,1%. Dù vậy, số liệu CPI sẽ đảo ngược nếu giá heo tiếp tục leo thang.

Trong một ghi chú hồi tuần trước, Goldman Sachs đã cùng các nhà kinh tế khác dự đoán rằng giá thịt heo có thể kéo lạm phát tiêu dùng vượt mức mục tiêu 3% của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, rằng họ nên tiếp tục nới lỏng chính sách để củng cố nền kinh tế nội địa hay quay sang kiềm chế áp lực lạm phát sắp sửa phình to.

 

Tương tự bất kỳ loại hàng hoá nào khác, động lực chính của giá thịt heo vẫn là cung và cầu. Vấn đề trọng tâm hiện nay là nguồn cung heo con đang bị thiếu hụt. Năm ngoái, giá heo hơi giảm mạnh đã buộc nông dân phải tiêu huỷ lượng lớn heo nái.

Theo Bloomberg, số lượng heo nái đã bắt đầu tụt mạnh từ cuối quý III năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay. Thời gian nuôi đến giai đoạn mang thai, sinh nở và giết mổ mất khoảng 10 tháng. Điều đó dẫn đến việc Trung Quốc đang ngày càng thiếu hụt nguồn cung thịt heo tươi.

Tình hình càng trầm trọng hơn khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc sau các đợt phong toả ở Thượng Hải cùng nhiều thành phố lớn khác. Nguyên nhân là bởi nhu cầu của người tiêu dùng đang phục hồi.

 

Chi phí thức ăn chăn nuôi là một yếu tố quan trọng khác và hiện là một yếu tố đáng lo ngại. Tỷ lệ giữa giá heo hơi và giá ngô là một thước đo được theo dõi chặt chẽ. Tỷ lệ này càng thấp càng chứng tỏ người chăn nuôi đang kiếm được ít lợi nhuận hơn trên mỗi con heo và do đó họ ít sẵn lòng mở rộng đàn heo hơn.

Theo hãng môi giới Citic Securities, điểm hoà vốn cho nông dân nuôi heo Trung Quốc là khi giá heo hơi cao gấp 6 lần so với giá ngô. Tuy nhiên, tính đến tháng 4, tỷ lệ thực tế đã thấp hơn ngưỡng hoà vốn 4 tháng liên tục và chạm đáy ít nhất hai năm vào tháng 3.

Các nhà phân tích vẫn đang quan sát xem liệu đợt tăng giá heo gần đây có thể bù đắp cho đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi hay không và liệu cú hích này có khuyến khích nông dân tăng quy mô đàn.

 

Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng tích trữ thịt heo đông lạnh kể từ tháng 3, khi tỷ lệ giá heo hơi - giá ngô xuống thấp, cho thấy các hộ chăn nuôi trên khắp cả nước đang chịu thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, Bắc Kinh ngày càng khó thu hút người bán hơn. Chính phủ đã lên kế hoạch mua thêm 160.000 tấn thịt heo vào tháng 6, nhưng chỉ hoàn thành được một phần nhỏ mục tiêu. Điều đó chứng tỏ các thương nhân đang muốn “om” hàng vì dự đoán giá thịt sẽ lên cao hơn.

Trong bối cảnh chi phí thức ăn chăn nuôi nhảy vọt, nhu cầu tiêu thụ gia tăng khi các nhà hàng mở cửa trở lại và thực tế là các trang trại đã cạn dần nguồn heo hơi trong năm qua, “có khả năng giá thịt heo trên thị trường sẽ tăng cao hơn”, ông Even Pay - một nhà phân tích tại công ty tư vấn Trivium China, cho hay.

Cổ phiếu của các công ty chăn nuôi lớn như Muyuan Foods, New Hope Liuhe và Wens Foodstuff Group đều đã bật tăng trong những ngày gần đây.

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.