|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc tố G7 đang cố tạo ra 'bẫy nợ' với kế hoạch hạ tầng 600 tỷ USD

08:09 | 29/06/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đã phản bác lại những nỗ lực của G7 nhằm xây dựng một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường, cho rằng kế hoạch này đang tạo ra bẫy nợ cho các nước nghèo nhất.

"Bẫy nợ" của Mỹ

Theo AFR, Trung Quốc đã đáp trả lại nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tạo ra một giải pháp thay thế cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Trong cuộc họp đầu tuần này, các nhà lãnh đạo G7 cam kết chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 600 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu được công bố ở Đức vừa qua là nhằm bôi nhọ BRI và sẽ không dẫn đến bất kỳ khoản đầu tư “thực sự” nào vào các nước đang phát triển. 

Bộ này cũng cáo buộc Mỹ đang tạo ra một cái bẫy nợ cho các quốc gia nghèo hơn, một lời chỉ trích thường được đưa ra đối với chương trình của Bắc Kinh.

Bản đồ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. (Ảnh: Silkroad Briefing).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói: “Không có đối tác BRI nào đồng ý với cái gọi là cáo buộc bẫy nợ. Đúng hơn, chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra cái bẫy nợ ”.

Những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Australia, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở thế giới đang phát triển cũng như Thái Bình Dương sẽ là chủ đề chính ở hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO.

Hôm 28/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích sự tham gia lần đầu tiên của Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh NATO.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết: “Việc các nước châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh phản ánh tham vọng của NATO trong việc vượt qua lãnh thổ truyền thống của mình và mở rộng hơn nữa từ khu vực Châu Âu sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

“Có thể thấy liên minh này đang cố gắng xây dựng mình thành một ‘NATO toàn cầu’ và ảo tưởng hoạt động như một ‘cảnh sát thế giới’”, tờ báo viết.

Kìm hãm Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Ông Anthony Albanese, Thủ tướng Australia, phát biểu trên đường tới hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, cho biết mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Trung Quốc đã “củng cố những tác động đối với thế giới vượt xa cả những gì đang xảy ra ở Ukraine”.

Các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thực hiện một cách tiếp cận phối hợp hơn ở Thái Bình Dương cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Vừa qua, Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực khiến các quốc đảo đồng ý về một hiệp ước an ninh toàn khu vực.

Ngày 27/6, Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã mời các bộ trưởng từ 10 quốc đảo Thái Bình Dương tham dự một cuộc họp trực tuyến vào ngày 14/7, cùng ngày các quan chức này gặp nhau tại Fiji trong Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương. 

Ông Albanese sẽ tham dự diễn đàn này, nơi mà Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận. Ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ, đề cập đến một báo cáo của hãng tin ABC cho biết ông Vương dự định sẽ tham gia vào cuộc họp.

Australia cũng là một phần của quan hệ đối tác đảo Thái Bình Dương mới có tên là Thái Bình Dương Xanh, cùng với Mỹ, Anh, New Zealand và Nhật Bản.

Ông Triệu cho biết: “Những sáng kiến như vậy không nên được thiết kế để tạo thành các khối riêng biệt, càng không nên nhắm mục tiêu hoặc làm suy yếu lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào”.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra tầm nhìn vào năm 2013 về việc xây dựng một mạng lưới đường sắt, cảng, đường bộ và đường ống nhằm tái tạo lại tuyến thương mại “Con đường tơ lụa” lịch sử của Trung Quốc qua Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc tạo ra bẫy nợ ở hàng chục quốc gia nghèo hơn bằng cách cho họ vay tiền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng mà nhiều quốc gia không có khả năng hoàn trả.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bảo vệ BRI, nói rằng nó sẽ tạo ra 16.000 tỷ USD thu nhập cho các nước đối tác vào năm 2030 và đưa 7,6 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.

Minh Quang