|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi nhuận công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc suy giảm dù hạn chế chống dịch đã được nới lỏng

17:42 | 27/06/2022
Chia sẻ
Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc một lần nữa đi xuống sau khi suy giảm đáng kể vào tháng 4. Tuy hoạt động tại các trung tâm công nghiệp lớn đã được nối lại, nhưng các hạn chế COVID vẫn đè nặng lên sản lượng và siết chặt biên lợi nhuận của các nhà máy.

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất thép tại nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 17/5/2020. (Ảnh: China Daily). 

Số liệu sa sút

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 27/6 cho thấy lợi nhuận công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc sụt 6,5% so với một năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn tích cực hơn mức giảm 8,5% của tháng 4. 

Sự cải thiện của tháng 5 đến từ lợi nhuận tăng vọt trong lĩnh vực khai thác than, cũng như chiết tách dầu mỏ và khí đốt. Mặt khác, lợi nhuận của ngành chế tạo mất 18,5% nhưng vẫn kém xa mức giảm 22,4% của tháng 4, nhờ vào lĩnh vực sản xuất thiết bị khởi sắc, nhà thống kê cấp cao Zhu Hong của NBS cho biết. 

Tuyên bố của ông Zhu viết: “Nhìn chung, hoạt động của các nhà máy công nghiệp đã cho thấy một số thay đổi tích cực. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của lợi nhuận công nghiệp đã tiếp tục giảm giữa áp lực giá và khó khăn trong việc sản xuất, vận hành”. Ông nói thêm rằng đà phục hồi của lĩnh vực công nghiệp không thực sự vững chắc.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất dần được nối lại từ tháng trước, mức suy giảm lợi nhuận của các công ty công nghiệp tại những vùng từng khốn đốn vì COVID-19 như Thượng Hải, Giang Tô, Cát Lâm và Liêu Ninh đều thu hẹp hơn 20 điểm %, ông Zhu cho biết thêm.

Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs viết trong lưu ý rằng khoảng cách giữa biên lợi nhuận của các ngành thăm dò, khai thác và chế biến đã thu hẹp lại trong tháng 5. Nhưng lưu ý cũng chỉ ra rằng sự khác biệt về lợi nhuận giữa các ngành và doanh nghiệp vẫn rất đáng kể.

Sự suy yếu của thị trường bất động sản và nỗi lo dịch tái bùng phát đã phủ bóng lên hoạt động sản xuất của các nhà máy. Những nghi ngờ về triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng, tờ Reuters đưa tin. 

Dữ liệu của NBS cho thấy lợi nhuận 5 tháng đầu năm của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước lên 3.440 tỷ nhân dân tệ (tương đương 514 tỷ USD). Mức tăng của 4 tháng đầu năm là 3,5%.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ô tô lao dốc 37,5% trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng vẫn chưa nghiêm trọng bằng mức giảm 62,4% của ngành luyện kim. Trong cùng giai đoạn, doanh thu của các công ty công nghiệp tăng 9,1% lên 53.160 tỷ nhân dân tệ, không bằng tốc độ 9,7% của 4 tháng đầu năm.

Bất chấp mức tăng của sản lượng công nghiệp, lạm phát giá sản xuất tại Trung Quốc lại giảm tốc xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Nguyên nhân là nhu cầu yếu ớt dành cho thép, nhôm và các hàng hóa công nghiệp chủ chốt khác.

Triển vọng của tháng 6

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang được cải thiện. Hôm 25/6, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang) đã tuyên bố chiến thắng trước COVID-19. Thượng Hải quyết định nới lỏng thêm các quy định phòng dịch, công bố kế hoạch cho phép hàng ăn tại một số khu vực phục vụ tại chỗ ngay trong tuần này. Thành phố chỉ phát hiện 4 ca nhiễm địa phương trong ngày 26/6, tờ Bloomberg cho hay.

Bắc Kinh cũng đang dần nối lại cuộc sống bình thường, với các trường tiểu học và trung học cho học sinh đi học trở lại từ ngày 27/6. Tuy nhiên, thành phố Đan Đông giáp với Triều Tiên cảnh báo nguy cơ tái bùng phát COVID trong quá trình mở cửa trở lại. Đan Đông phát hiện 6 ca bệnh không triệu chứng vào ngày 26/6.

Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực chi phí đáng kể. Nhưng nhờ dịch bệnh được kiểm soát và giá dầu ít có khả năng tăng mạnh, Giám đốc Zheng Houcheng của Yingda Securities Research Institute kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc sẽ được cải thiện trong tháng 6.

Hồi tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm bù đắp thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế.

Những chính sách này nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2022 vẫn nằm ngoài tầm với nếu Trung Quốc duy trì chiến lược Zero COVID.

Giang