|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc lập quỹ dự trữ thanh khoản nhân dân tệ cùng 4 nước để đối chọi với đồng USD

14:20 | 28/06/2022
Chia sẻ
Kế hoạch thành lập quỹ dự trữ thanh khoản nhân dân tệ của Trung Quốc với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có thể giúp thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trên thế giới. Kế hoạch cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm thiểu sự thống trị toàn cầu của USD.

(Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Lo ngại các đòn trừng phạt

Trung Quốc đang lập quỹ dự trữ thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Indonesia, Malaysia, Hong Kong, Singapore và Chile. Giới phân tích cho biết kế hoạch này có thể mở đường giúp nhân dân tệ đóng vai trò chủ đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Kế hoạch trên được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh ngày càng lo ngại về thế thống trị của đồng USD và nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ để khống chế lạm phát.

Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ bao gồm ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), Indonesia, Malaysia, Chile, Singapore và Cơ quan Tiền tệ Hong Kong. Mỗi thành viên sẽ đóng góp ít nhất 15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,2 tỷ USD) hoặc số tiền tương ứng bằng USD, tạo ra một kho dự trữ tại BIS, theo tuyên bố được BIS đưa ra.

Ngoài số tiền đóng góp thì khi cần thiết, các ngân hàng trung ương cũng có thể vay thêm bằng cách sử dụng cổ phần sẵn có làm vật thế chấp. PBoC nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu hợp lý của quốc tế đối với đồng nhân dân tệ và đóng góp vào an ninh tài chính khu vực.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered Bank cho biết: “Thỏa thuận mới có thể thu hút thêm thành viên trong tương lai”.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách phổ biến đồng nhân dân tệ trên thế giới. Bắc Kinh đã ký các thương vụ hoán đổi tiền tệ song phương với hơn 40 quốc gia, trị giá hơn 3.000 tỷ nhân dân tệ. Trong số đó, Trung Quốc đã hoán đổi 400 tỷ nhân dân tệ với Hàn Quốc, 350 tỷ (nhân dân tệ) với Anh và châu Âu, 300 tỷ với Singapore và 150 tỷ với Nga.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025, giới chức Trung Quốc có thái độ thận trọng với việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, gọi đây là lựa chọn của thị trường và là quá trình từ tốn.

Ông Ding nói tiếp: “Thông báo về việc thành lập Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ cho thấy PBoC đang nỗ lực rất lớn để thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính. Nguyên nhân có lẽ là xu hướng vũ khí hóa tài chính trong những năm gần đây”.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các lệnh trừng phạt phương Tây giáng vào Moscow - bao gồm việc loại trừ nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương - đã khiến Bắc Kinh giật mình và gấp rút hành động.

Các quan chức tài chính đã củng cố Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CPIP) do chính Trung Quốc phát triển như một giải pháp thay thế cho SWIFT và nghiên cứu việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho thanh toán quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng nội tệ trong thanh toán thương mại và đầu tư ra nước ngoài.

Vẫn còn kém xa

Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu, giao dịch ngoại hối và tài sản dự trữ vẫn thua kém hẳn USD. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng chiến sự Nga-Ukraine và tình trạng hỗn loạn trên thị trường sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể mang đến cơ hội để nhân dân tệ bắt kịp với USD.

Ngân hàng đầu tư Trung Quốc Citic Securites viết trong báo cáo triển vọng giữa năm 2022: “Các lệnh trừng phạt đã phá vỡ trật tự tài chính toàn cầu và đẩy nhanh quá trình phi USD hóa”. Mong muốn quốc tế hóa nhân dân tệ của Bắc Kinh cũng có thể nhận được sự trợ giúp từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc biệt là ở châu Á.

 

Ông Ding Zhijie, trưởng trung tâm nguyên cứu của Cơ quan Quản lý Nhà nước về Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) vẫn thận trọng và đánh giá quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là nhiệm vụ phức tạp và cần nhiều thời gian. Ông viết trong tạp chí Modern Bankers: “Trong tương lai, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến các mối quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác tài chính và tiền tệ trong khu vực”.

Đồng nhân dân tệ chiếm 2,14% trong thanh toán toàn cầu tháng 4, thấp hơn hẳn tỷ trọng 41,8% của USD. Xét về tỷ trọng trong các kho dự trữ ngoại hối toàn cầu, đồng nhân dân tệ xếp thứ 5 vào cuối năm ngoái với tỷ trọng 2,79%. USD và euro lần lượt chiếm 58,5% và 20,6%. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong rổ quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ được nâng lên 12,28% vào ngày 1/8, tăng 1,36 điểm % so với lần đánh giá năm 2016. 

Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.