Ngoại trưởng Mỹ tới châu Phi, cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Nga
Theo CNBC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nam Phi vào hôm 8/8, khởi đầu chuyến công du tới ba quốc gia châu Phi. Nhiều cường quốc như Trung Quốc, Nga, châu Âu và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng tại lục địa đen thời gian qua.
Ngoài Nam Phi, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng sẽ tới thăm Congo và Rwanda. Vào tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã tới Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Cộng hòa Congo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cũng đã tới thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau nhằm khôi phục quan hệ của Paris với những thuộc địa cũ.
Trong bài phát biểu hôm 8/8, Ngoại trưởng Blinken cho biết phần còn lại của thế giới không nên tiếp tục “sai khiến” châu Phi. Ông vạch ra những ưu tiên của chính quyền Biden trong chính sách với châu lục này, bao gồm hỗ trợ đầu tư, an ninh, phục hồi hậu COVID, năng lượng sạch và thể chế dân chủ.
“Các quốc gia châu Phi đã từng bị đối xử như công cụ cho sự phát triển của những quốc gia khác, chứ không phải cho sự phát triển của chính họ”, ông Blinken nói.
Theo ông Alex Vines, Giám đốc chương trình châu Phi tại Chatham House, cho biết mục tiêu sâu xa của cuộc công du là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng địa chính trị của Nga và Trung Quốc trên lục địa đen. Chuyến thăm hôm 8/8 vừa qua là lần thứ hai ông Blinken đến châu Phi kể từ khi nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden bắt đầu.
“Nam Phi không có quan hệ quá tốt đẹp với Mỹ. Đảng Đại hội Dân tộc châu Phi đang nắm quyền thường xuyên chỉ trích Washington. Nỗ lực [của ông Blinken] là cải thiện quan hệ và ít nhất có một cuộc đối thoại mang tính chất xây dựng hơn với Nam Phi”, ông Vines cho biết.
Ông cho rằng quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai nước chính là lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ lại chọn Nam Phi là điểm đến đầu tiên. Và ông Blinken sẽ đặc biệt chú ý tới việc thống nhất quan điểm của Pretoria (thủ đô Nam Phi) và Washington về vấn đề xung đột Ukraine.
“Pretoria và Washington có cái nhìn rất khác nhau về xung đột Ukraine”, ông Vines cho biết thêm.
Người đồng cấp Nam Phi của ông Blinken, bà Naledi Pandor, hôm 8/8 nhắc lại những lời chỉ trích về Đạo luật Chống các Hoạt động Thù địch của Nga ở châu Phi, hiện đang được Quốc hội Mỹ thảo luận.
Bà cho rằng đạo luật này có thể trừng phạt các nước châu Phi vì không cùng phe với Mỹ trong vấn đề Ukraine.
Ràng buộc quân sự
Một số chính phủ châu Phi đã chỉ trích công khai chiến dịch quân sự của Nga, trong khi nhiều nước khác đã bỏ phiếu trắng trong một dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 lên án Điện Kremlin và kêu gọi rút khỏi Ukraine.
Nghị quyết được thông qua với 141 quốc gia bỏ phiếu tán thành, trong số 34 quốc gia bỏ phiếu trắng có những nước châu Phi sau: Nam Phi, Mali, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Angola, Algeria, Burundi, Madagascar, Namibia, Senegal, Nam Sudan, Sudan, Uganda, Tanzania và Zimbabwe.
Trong vài năm qua, Nga đã xây dựng một số liên minh quân sự với những chính phủ châu Phi đang đối mặt với các cuộc nổi dậy hoặc bất ổn chính trị như Libya, Mali, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Mozambique.
Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố rằng chuyến công du châu Phi của ông không về vấn đề Ukraine. Thay vào đó, ông tập trung vào “giá trị nội tại” của châu Phi đối với Nga với tư cách là một đối tác thương mại và nhấn mạnh về các hợp đồng mà Moscow có với lục địa già về xuất khẩu thực phẩm, phân bón và năng lượng.
Trong một blog gần đây, Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) cho rằng mặc dù thông điệp đó được điều chỉnh cho phù hợp với sự nhạy cảm của châu Phi, nhưng mục tiêu chính trong chuyến đi của ông Lavrov là một “màn kịch chính trị”.
Ông Theodore Murphy, giám đốc chương trình châu Phi tại ECFR, cho biết: “Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, ông Lavrov đang sử dụng châu Phi để chứng minh rằng đất nước của ông vẫn có các đối tác ở một số khu vực trên thế giới.
“Mục tiêu thứ hai của chuyến đi là mở rộng tầm ảnh hưởng của Moscow ở châu Phi. Ngoại trưởng Lavrov hy vọng đạt được mục tiêu này bằng cách khai thác sai lầm chiến lược mà phương Tây mắc phải khi yêu cầu các nước châu Phi chọn phe trong xung đột Ukraine”, ông Murphy nói thêm.
Trọng tâm của quyền lực cứng mà Nga đang sử dụng để lấy lòng châu Phi là Tập đoàn đánh thuê tư nhân Wagner (Wagner PMC), đơn vị đã hoạt động tích cực trong hoạt động chống nổi dậy ở các nước như Mali, CAR và Libya. Điện Kremlin phủ nhận mọi liên kết với tổ chức này.
Ông Blinken đã nhắc trực tiếp tới Wagner PMC vào hôm 8/8, cáo buộc lực lượng này đang khai thác sự bất ổn để "chiếm đoạt tài nguyên và thực hiện hành vi lạm dụng mà không bị trừng phạt."
Ông Vines cho biết ba quốc gia trong chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đã được lựa chọn cẩn thận. Chuyến thăm tới Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) có thể sẽ tập trung vào an ninh lương thực, hòa bình và ổn định. Xung đột mới ở miền đông DRC được báo cáo là có liên quan đến lực lượng Rwanda.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng phần lớn mối quan tâm của Washington, sẽ tập trung vào việc đảm bảo “khoáng sản chiến lược và quan trọng”.
Ông nói thêm: “Mỹ lo ngại về những chuỗi cung ứng kim lại, không muốn chúng rơi vào tay người Nga hoặc Trung Quốc, và vì vậy, nỗ lực ngoại giao tại châu Phi đã thực sự được tăng cường”.
“Điểm đến cuối cùng là Rwanda, quốc gia đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên tình hình xấu đi ở khu vực biên giới phía đông với Congo đang khiến Washington lo lắng”, ông Vines giải thích.
“Và vì vậy Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ cố gắng thảo luận với Kinshasa và Kigali (thủ đô của DRC và Rwanda), nhằm cố giảm bớt căng thẳng giữa hai nước", ông nói.
Liên Hợp Quốc từ lâu đã có một sứ mệnh gìn giữ hòa bình quan trọng, MONUSCO, hoạt động tại DRC. Tuy nhiên vào tuần trước, chính phủ DRC đã trục xuất phát ngôn viên Mathias Gillmann sau khi những cuộc biểu tình sứ mệnh hòa bình khiến 36 người thiệt mạng, bao gồm 4 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Với việc Mỹ là nước đóng góp nhiều ngân quỹ cho Liên Hợp Quốc, ông Vines gợi ý rằng sự kiện này cũng có thể thu hút sự chú ý của Washington trong việc xoa dịu căng thẳng ở khu vực.
“Âm hưởng của Chiến tranh Lạnh”
Khi thảo luận về tầm quan trọng của các khoáng sản chiến lược và quan trọng, ông Vines thừa nhận rằng tình hình hiện nay mang “âm hưởng của Chiến tranh Lạnh”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế và quân sự trên lục địa châu Phi đã vượt ra ngoài Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Đáng chú ý, cuộc cạnh tranh này bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Anh và thậm chí cả Nhật Bản, quốc gia đã tổ chức Hội nghị Quốc tế Tokyo lần thứ 8 về Phát triển Châu Phi tại Tunis, Tunisia vào ngày 27/8.
“Nga đang cố gắng nhưng không có đủ tiềm lực và sự hiện diện như khi còn là Liên Xô. Vì vậy, sự hiện diện của Nga tuy gây khó chịu nhưng không phải là thách thức lâu dài như trong thời Chiến tranh Lạnh”, ông Alex Vines nói.
Mặc dù cuộc cạnh tranh khó có thể biểu hiện dưới hình thức một cuộc chiến tranh nóng với bom rơi đạn nổ tại châu Phi, nhưng ông Vines chỉ ra một số “hoạt động ủy nhiệm” đã diễn ra dưới danh nghĩa Wagner PMC.
“Những gì xuất hiện rõ ràng hơn vào lúc này là ý tưởng về việc đảm bảo nguồn cung các khoáng sản quan trọng và chiến lược cũng như cải thiện chuỗi cung ứng”, ông Vines cho hay.
“Các quốc gia châu Á như Nhật Bản cũng đang xem xét nguồn năng lượng và khoáng sản dọc theo bờ biển Đông Phi”, ông nói. “Các quốc gia vùng Vịnh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn lương thực, cũng như một số loại khoáng sản cho ngành công nghiệp”.
“Tôi nghĩ chính sách ngoại giao thương mại của một số quốc gia, đặc biệt là Nga, Trung Quốc, Mỹ sẽ có sự cạnh tranh lớn hơn nhiều”, ông khẳng định.