Quan hệ với Mỹ căng thẳng, Trung Quốc làm thân với 16 nước nghèo nhất thế giới
Miễn thuế quan
Trung Quốc sẽ miễn thuế quan đối với gần như mọi sản phẩm nhập khẩu chịu thuế từ 16 nước nghèo nhất trên thế giới. Tờ SCMP cho rằng đây là bước khởi đầu để Trung Quốc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế trong bối cảnh thương mại của nước này với các đối tác lớn như Mỹ và Australia trở nên căng thẳng.
Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên nhắc đến kế hoạch cắt giảm thuế quan cho các nước nghèo tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi hồi tháng 11 năm ngoái.
Đến tuần trước, Ủy ban Thuế quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông báo sẽ miễn thuế đối với 98% hàng hóa bị đánh thuế từ “các nước kém phát triển nhất”, trong đó có Campuchia, Lào, Djibouti, Rwanda và Togo. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9, tác động đến 8.786 mặt hàng nhập khẩu.
Tờ China Daily cho biết thêm rằng các khu vực được miễn giảm thuế quan sẽ dần dần mở rộng ra mọi “nước kém phát triển nhất” có công nhận Trung Quốc về mặt ngoại giao.
Ông Kent Chong, đối tác pháp lý tại PwC ở Đài Bắc, nhận xét: “Trung Quốc luôn muốn tăng cường sự hiện diện tại các quốc gia gần với biên giới của nước, đặc biệt là Đông Nam Á. Đó là lợi thế cạnh tranh hoặc lợi thế chính trị cho các nước trong khu vực”.
Các nhà phân tích cho biết việc miễn giảm thuế quan cho 16 nước gần như không khiến Trung Quốc mất mát gì và quyết định có thể được thi hành dễ dàng. Một phần nguyên nhân là bởi Trung Quốc đã luôn dành những ngoại lệ đặc biệt cho các nước nghèo nhất thế giới kể từ năm 2001.
Ngoài 5 quốc gia kể trên, các nước được Trung Quốc miễn giảm thuế bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Quần đảo Solomon, Mozambique, Eritrea, Guinea, Sudan, Chad, Bangladesh, Nepal, Kiribati và Vanuatu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Địa lý Trung Quốc gần như hoàn hảo, điểm yếu duy nhất là nước 17/07/2022 - 13:09
Gần đây, Quần đảo Solomon và Kiribati đã thay đổi công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Mới đây Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đến thăm Kiribati, Quần đảo Solomon và Vanuatu.
Trung Quốc vẫn đang nhức nhối vì xung đột thương mại với Mỹ trong 4 năm qua. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp đặt thuế quan lên 550 tỷ USD hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan với Trung Quốc để giúp hạ nhiệt lạm phát. Nhưng ông Biden vấp phải các ý kiến trái chiều trong Nhà Trắng và sự phản đối từ một số nhóm kinh doanh.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xuống dốc sau khi Canberra yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 hồi năm 2020. Trung Quốc hồi đáp bằng việc việc áp đặt thuế quan cao ngất ngưởng với một số hàng hóa Australia, bao gồm rượu và lúa mỳ.
Theo tờ SCMP thì trong tháng trước, một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang cân nhắc bỏ lệnh cấm vận không chính thức đối với than của Australia. Trong khi đó, tân Thủ tướng Anthony Albanese của Australia tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa của nước này cần được dỡ bỏ ngay lập tức.
Các chuyên gia cho biết trong số 16 nước đang phát triển vừa được Bắc Kinh ưu ái, một số nước có thể sẽ tăng cường sản xuất hàng xuất khẩu vì họ có thể bán sang thị trường khổng lồ của Trung Quốc mà không cần đóng thuế.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế của ngân hàng Malaysia CIMB, nhận định: “Chúng ta không nên chỉ nhìn vào hôm nay. Lợi ích mà Trung Quốc nhận được có thể sẽ đến trong 5 hay 10 năm nữa”.
Ông Chong, đối tác pháp lý của PwC dự kiến Trung Quốc có thể sẽ gửi lao động và giúp đỡ các công trình cần thiết để sản xuất hàng xuất khẩu. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực Âu-Á để phục vụ cho thương mại với Trung Quốc.
Ông Zennon Kapron, Giám đốc công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia nhận định việc tăng cường thương mại với 16 nước có thể thúc đẩy sự chấp thuận của quốc tế đối với đồng nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới.
Nhà kinh tế Song nói thêm rằng mối quan hệ gắn kết với các nước kém phát triển nhất cũng giúp củng cố an ninh lương thực của Trung Quốc, bao gồm nhập khẩu gạo từ các nước như Campuchia trong tương lai.
Khoảng 13% diện tích đất của Trung Quốc là có thể canh tác, nhưng giá lương thực tăng do thời tiết khắc nghiệt và chiến sự Nga-Ukraine đã khiến Trung Quốc trở nên “điên cuồng” đảm bảo nguồn cung, S&P Global Commodity Insights cho hay.
Mở rộng hợp tác với Nga
Trung Quốc cũng đang tích cực hợp tác kinh tế với Nga trong lúc căng thẳng giữa Moscow và Washington leo thang bởi cuộc chiến ở Ukraine. Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, thương mại song phương Trung - Nga đạt 97,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tờ China Daily cho biết Nga đang đẩy nhanh sự chuyển hướng sang châu Á bởi phương Tây đang leo thang các biện pháp trừng phạt. Trung Quốc và Nga đều hướng đến việc mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại với tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Ông Song Kui, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Khu vực Trung - Nga Đương đại nói với tờ Global Times: “Dự kiến kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong năm nay sẽ phá vỡ kỷ lục năm ngoái là 146,87 tỷ USD”.
Giá trị nhiên liệu, khoáng sản, dầu và các sản phẩm nhựa đường mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong 6 tháng đầu năm đạt 247 tỷ nhân dân tệ (khoảng36,53 tỷ USD). Ngoài hợp tác năng lượng, ông Song cho biết gần đây thương mại hai nước còn mở rộng sang lương thực và nông nghiệp, và các lĩnh vực khác.
Ông nói thêm: “Nỗ lực phổ biến đồng nội tệ trong thương mại giữa Trung Quốc và Nga cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân giữa hai nước ổn định ngoại thương và tránh sự thống trị của USD”.