|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan hệ thương mại của Đài Loan: Khắng khít với Trung Quốc hay Mỹ hơn?

17:35 | 05/08/2022
Chia sẻ
Dữ liệu cho thấy Đài Loan phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc hơn so với Mỹ, ngay cả khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công khai ủng hộ hòn đảo trong chuyến thăm đầu tuần này.

Ai quan trọng hơn?

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi diễn ra bất chấp cảnh báo từ chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo dữ liệu chính thức, thực chất Đài Loan phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Trung Quốc hơn là so với Mỹ. Sau chuyến thăm của bà Pelosi, hòn đảo đang phải chịu áp lực kinh tế và chính trị rất lớn từ Bắc Kinh.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Ảnh: AP).

Một ngày sau khi bà Pelosi đặt chân đến Đài Loan, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã quyết định ngừng nhập khẩu một số loại cá và trái cây của Đài Loan. Đồng thời, Bộ Thương mại nước này cũng ra lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan.

Nguyên nhân Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra là đã “nhiều lần” phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu quá mức trên số trái cây từ Đài Loan kể từ năm ngoái, và phát hiện virus SARS-CoV-2 trên một số gói cá đông lạnh hồi tháng 6.

Mặt khác, lệnh cấm của Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ cắt đứt nguồn cung cát chính cho Đài Loan. Cát tự nhiên thường được dùng làm vật liệu xây dựng, như là sản xuất bê tông hay nhựa đường.

Từ lâu, quan hệ kinh tế và kinh doanh của Đài Loan với Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã phát triển mạnh mẽ đến mức khu vực này cho đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của hòn đảo.

Khá nhiều doanh nghiệp lớn của Đài Loan trong các lĩnh vực công nghệ cao như nhà sản xuất chip lớn nhất hành tinh - Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), đang vận hành nhà máy ở Trung Quốc đại lục.

 

Năm ngoái, Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan, trong khi Mỹ chiếm khoảng 15%, theo dữ liệu chính thức của hòn đảo thông qua Wind Information.

Tổng cộng, trong năm 2021, Đài Loan đã xuất khẩu khoảng 188,91 tỷ USD hàng hoá sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Hơn một nửa là các linh kiện điện tử, tiếp theo là thiết bị quang học, theo cơ quan tài chính của Đài Loan.

Dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu của hòn đảo sang khu vực Đông Nam Á thậm chí còn lớn hơn sang Mỹ, lần lượt là 70,25 tỷ USD so với 65,7 tỷ USD.

Tương tự, xuất khẩu của Trung Quốc đại lục và Hong Kong sang Đài Loan cũng đứng đầu với thị phần 22%. Mỹ chỉ chiếm 10%, xếp sau Nhật Bản, châu Âu và Đông Nam Á.

 

Thương mại khắng khít

Trong những năm gần đây, lượng sản phẩm mà Đài Loan mua từ Trung Quốc ngày càng nhiều và ngược lại.

Theo dữ liệu chính thức, trong 5 năm qua, nhập khẩu của Đài Loan từ Trung Quốc đại lục đã nhảy vọt khoảng 87%, so với mức tăng 44% từ Mỹ.

Xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc đại lục tăng 71% từ năm 2016 đến năm 2021. Song, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gần hai lần, cụ thể là 97%.

Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy, các hàng hoá mà nền kinh tế lớn nhất thế giới mua từ hòn đảo bao gồm máy móc điện, xe cộ, sản phẩm nhựa và sắt thép.

Nhiều công ty có trụ sở tại Đài Loan - chẳng hạn như nhà cung ứng Foxconn của Apple, đang vận hành nhà máy ở Trung Quốc đại lục.

Mặt khác, năm ngoái, doanh nghiệp Đài Loan nhận được 200,1 tỷ USD đơn đặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Phép so sánh với Thượng Hải

Theo cuộc điều tra dân số năm 2020, khoảng 157.900 người Đài Loan đang cư trú tại đại lục, giảm khoảng 7% so với thập kỷ trước.

Toàn bộ đảo Đài Loan là nơi sinh sống của khoảng 23,6 triệu người vào năm 2020, ít hơn một chút so với dân số khoảng 25 triệu người của Thượng Hải vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế Đài Loan lại lớn hơn Thượng Hải, với quy mô năm ngoái lần lượt là 781,58 tỷ USD so với 680,31 tỷ USD.

Năm 2021, đóng góp của Thượng Hải vào GDP của Trung Quốc đại lục là 3,8%.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.