|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản lo đất nước suy vong vì dân số giảm, nhiều quốc gia khác gặp nguy cơ tương tự

12:54 | 12/03/2023
Chia sẻ
Ngoài Nhật Bản, nhiều quốc gia khác cũng có dân số suy giảm trong giai đoạn 2010 - 2022 như Italy, Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Venezuela, .... Gần đây hơn, dân số của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đi xuống vì chi phí nuôi dạy cao và người trẻ ngại sinh con.

Đường phố thủ đô Bắc Kinh ngày 7/10/2022. (Ảnh: AP).

Theo số liệu sơ bộ của chính phủ Nhật Bản, tổng dân số nước này vào ngày 1/1/2023 là 124,77 triệu người, giảm khoảng 538.000 người so với mức một năm trước.

Đây là năm thứ 11 liên tiếp dân số của Nhật Bản đi xuống. Số trẻ em trong độ tuổi 0 – 14 hiện chỉ khoảng 14,45 triệu, chiếm 11,6% tổng dân số. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 29%. Dân số suy giảm và già hóa nhanh chóng gây ra gánh nặng tài chính lớn với hệ thống y tế và an sinh xã hội. Số người trẻ ngày càng ít đồng nghĩa với việc lực lượng lao động teo tóp dần.

Dân số của Nhật Bản lập đỉnh trên 128 triệu người vào năm 2008. Từ trước đó, Tokyo đã cố giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh quá thấp nhưng không có tác dụng.

Trong buổi họp báo đầu tiên của năm 2023 diễn ra hôm 4/1, Thủ tướng Fumio Kishida đã gọi việc số trẻ mới sinh giảm sút là “một thách thức lớn trong năm nay”. Ông cũng chỉ ra rằng số ca sinh thấp kỷ lục của năm 2022 đã tụt xuống dưới ngưỡng 800.000, sớm hơn 8 năm so với dự báo của Viện Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc gia. Trong khi đó, số người chết là 1,58 triệu.

Sau đó, Thủ tướng Kishida phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội Nhật Bản hôm 23/1: “Đất nước của chúng ta có nguy cơ không thể duy trì các chức năng của một xã hội” vì dân số suy giảm.

“Về vấn đề sinh đẻ và nuôi dạy trẻ em, chúng ta phải đưa ra các chính sách ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, ông Kishida phát biểu cương quyết, đồng thời hứa sẽ tạo ra “một nền kinh tế và xã hội đặt trẻ em lên trên hết”.

 

Cố vấn của Thủ tướng Kishida cũng tỏ ra rất lo ngại về vấn suy giảm dân số: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục xu hướng này, Nhật Bản sẽ biến mất”.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất có dân số suy giảm trong những năm qua. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy quy mô dân số của các nước khu vực Đông Âu năm 2022 giảm 14,7% so với năm 2010, nhóm các nước mới nổi và đang phát triển của châu Âu giảm 9,4%.

Trong giai đoạn 2010 – 2022, Puerto Rico – vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở Caribe – có dân số giảm 17,1%, dẫn đầu thế giới. Moldova – quốc gia Đông Âu ở giáp Ukraine – cũng chứng kiến dân số giảm 11,6%. Tỷ lệ này với Bulgaria – một đất nước Đông Âu khác – là 9,4%.

Latvia và Lithuania – hai đất nước gần biển Baltic ở Bắc Âu – ghi nhận dân số giảm tương ứng 10,9% và 8,6%.

 

Dân số của Hàn Quốc năm 2022 không thấp hơn so với năm 2010 nên không xuất hiện trong thống kê trên. Mặc dù vậy, số người tại xứ sở kim chi cũng đã đi xuống ba năm liên tiếp, còn 51,44 triệu vào ngày cuối 2022.

Số liệu từ Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc cho thấy số hộ gia đình chỉ có duy nhất một người vào năm ngoái là hơn 9,72 triệu, chiếm 41% trong tổng số 23,71 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Nếu tính cả những gia đình chỉ có hai người, hai nhóm này chiếm 65,2% tổng số.

Số người trung bình trong một gia đình của Hàn Quốc năm 2022 giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử là 2,17. Những thống kê này cho thấy nhiều người Hàn Quốc đang có xu hướng sống độc thân, hoặc nếu có kết hôn thì cũng rất hạn chế sinh con.

Tương tự, dân số Trung Quốc cuối năm 2022 giảm 850.000 người so với năm trước, đánh dấu lần đi xuống đầu tiên trong 60 năm qua.

Chính phủ Trung Quốc ý thức được mối nguy hiểm của sự suy giảm dân số và đã bắt tay thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích sinh đẻ. Chính sách một con được áp dụng từ năm 1980 đã bị gỡ bỏ vào năm 2016, thay vào đó là chính sách hai con. Đến năm 2021, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình sinh ba con.

Nhiều địa phương Trung Quốc hỗ trợ tiền mặt cho các cặp vợ chồng sinh nhiều con, tuyên truyền thuyết phục người trẻ lập ra đình và sớm mang thai, tìm cách dẹp bớt tục lệ nhà gái đòi tiền sính lễ quá cao, ….

Tuy nhiên, xu hướng suy giảm sinh đẻ và dân số vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng chi phí nuôi dạy trẻ quá cao là nhân tố chính khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh con. Bên cạnh đó, phụ nữ có học vấn ngày càng cao và tham gia tích cực vào lực lượng lao động nên không muốn bỏ dở sự nghiệp để ở nhà chăm con, nội trợ.

 

Dự báo dân số suy sụp

Để duy trì quy mô dân số trong dài hạn, mỗi cặp vợ chồng cần sinh hai người con để thay thế bản thân khi mình chết đi. Do một số trẻ sinh ra bị dị tật, tai nạn hay thậm chí tử vong, dẫn tới không thể lập gia đình, tổng tỷ suất sinh (TFR) an toàn để duy trì dân số ổn định phải là 2,1 con/phụ nữ.

Trung Quốc áp dụng chính sách một con hà khắc trong gần 40 năm nên việc dân số suy giảm là điều dễ hiểu và không thể tránh khỏi: Hai vợ chồng qua đời, chỉ để lại một người con.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) đến năm 2020, có hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng tỷ suất sinh dưới 2,1 con/phụ nữ.

Quốc gia có tổng tỷ suất sinh thấp nhất là Hàn Quốc. Mỗi phụ nữ Hàn Quốc đang sống vào năm 2020 chỉ có trung bình 0,84 người con, kém xa mức 2,1 cần thiết để dân số không suy giảm. Hong Kong thấp thứ 2 với tỷ lệ 0,87 con/phụ nữ. Puerto Rico – vùng lãnh thổ của Mỹ với dân số lao dốc 17,1% trong giai đoạn từ 2010 đến 2022 – có tổng tỷ suất sinh chỉ 0,9.

Tổng tỷ suất sinh (TFR) trên toàn Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020 là 1,5, của khối các nước thu nhập cao là 1,53, Đông Á và Thái Bình Dương là 1,56. Tất cả đều thấp hơn ngưỡng 2,1 con/phụ nữ.

Con số của Việt Nam và Mỹ lần lượt là 2 và 1,6. TFR của Mỹ đã duy trì dưới 2 trong hơn 10 năm qua nhưng bù lại, Mỹ đón lượng lớn người nhập cư mỗi năm.

 

Nhiều quốc gia được dự báo dân số suy giảm mạnh đồng thời có tỷ suất tử thô (số người tử vong trên 1.000 dân) lớn hơn tỷ suất sinh thô (số trẻ mới sinh trên 1.000 dân). Ví dụ Bulgaria trong năm 2020, cứ mỗi 1.000 dân thì có 18 người chết và chỉ thêm 8,5 em bé mới sinh. Các con số của Ukraine lần lượt là 15,9 người chết và 7,8 em bé mới chào đời.

Làn sóng di cư ồ ạt ra nước ngoài cũng là một nhân tố khiến cho cho dân số của một số nước như Bulgaria, Lithuania, Latvia, Serbia suy giảm.

 

Đức Quyền - Song Ngọc