|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

6 nước với dân số ngang tầm Việt Nam đang có nền kinh tế lớn đến đâu?

17:04 | 06/01/2023
Chia sẻ
Các quốc gia có dân số ngang tầm Việt Nam thường có quy mô kinh tế khá tương đồng, trừ hai ngoại lệ là Đức và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Dân số là một nhân tố quyết định tới quy mô nền kinh tế. Dân số đông thường đồng nghĩa với lực lượng lao động lớn, có thể tạo ra nhiều của cải, vật chất hơn. Ngoài ra, dân số cũng tác động lớn tới quy mô thị trường tiêu thụ.

Dân số Việt Nam

Theo Niên giám thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), dân số Việt Nam là 98,5 triệu người, tăng khoảng 1 triệu so với năm 2020. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.

 

Có 6 quốc gia với với dân số nằm trong khoảng +/- 20% so với dân số Việt Nam, bao gồm Philippines, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. 

Quy mô dân số chỉ ở khoảng giữa danh sách trên nhưng Việt Nam lại sở hữu lực lượng lao động dồi dào nhất, đạt 56 triệu người vào năm 2021 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Nếu sử dụng số liệu trong Niên giám thống kê 2021, lực lượng lao động trên 15 tuổi của Việt Nam là gần 51 triệu người, vẫn lớn hơn các quốc gia khác.

Kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Ngoại trừ DRC - quốc gia liên tục xảy ra nội chiến và xung đột sắc tộc, nhìn chung những nước với quy mô dân số từ khoảng 80 triệu đến 120 triệu người đều có nền kinh tế tương đối lớn, và mức thu nhập từ trung bình thấp trở lên.

Trong danh sách này, Đức có dân số thấp nhất nhưng lại có nền kinh tế xấp xỉ bằng 6 quốc gia còn lại cộng lại. Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) có dân số gần bằng Việt Nam nhưng GDP danh nghĩa và GDP bình quân đầu người chưa bằng 1/6.

GDP ngang giá sức mua (PPP) được tính trên cơ sở so sánh với mặt bằng giá cả ở Mỹ. Theo số liệu thống kê ở bảng này, một người có 4.110 USD ở Việt Nam có thể mua được lượng hàng hóa và dịch vụ tương đương với người có 13.075 USD ở Mỹ bởi giá cả ở Việt Nam rẻ bằng chưa đầy 1/3 ở Mỹ.

Mức GDP đầu người của Việt Nam cũng thuộc nhóm tầm trung, gần tương đương với Ai Cập, cao hơn Philippines, DRC và thấp hơn Đức, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, GDP danh nghĩa thấp hơn nhiều so với GDP PPP, bởi vật giá trong nước rẻ hơn hẳn so với Mỹ. Ngược lại, Iran có GDP danh nghĩa cao hơn GDP PPP bởi mặt bằng giá cả ở Iran cao hơn nhiều so với Mỹ.

Kinh tế Iran tương đương 230 tỷ USD hay 1.900 tỷ USD?

Do Iran bị trừng phạt và tách biệt khỏi nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm, việc xác định quy mô kinh tế thực sự của đất nước Trung Đông này là một thử thách.

Mỗi cơ quan thống kê lại đưa ra một con số khác nhau. Chẳng hạn, IMF ước tính rằng GDP năm 2021 của Iran là hơn 1.900 tỷ USD, trong khi World Bank lại cho rằng sản lượng kinh tế của Iran chỉ tương đương khoảng 230 tỷ USD.

Tỷ giá của đồng rial của Iran không được thả nổi mà do ngân hàng trung ương ấn định. Trên chợ đen, đồng rial rẻ hơn nhiều lần so với tỷ giá chính thức. Vì vậy, việc sử dụng các tỷ giá khác nhau sẽ mang lại các kết quả GDP với khác biệt rất lớn.

 

Trong khoảng 4 thập kỷ qua, nền kinh tế Iran trải qua nhiều thăng trầm. Xuất khẩu của Iran phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch nên rất dễ chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo dữ liệu của Đài quan sát Phức hợp Kinh tế (OEC), 58% xuất khẩu của Iran vào năm 2017, tương đương với 56 tỷ USD, là từ dầu thô.

Dân số ngang Việt Nam, mật độ thực tế cao gấp 4 lần

Ai Cập, giống như nhiều quốc gia Arab khác, từng hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ dầu mỏ những năm 1970-1980. Tuy vậy, nền kinh tế Ai Cập liên tục gặp khó khăn, từ khủng hoảng nợ, xung đột trong khu vực cho tới bất ổn chính trị từ sự kiện Mùa xuân Arab năm 2010.

Nền kinh tế Ai Cập tăng trưởng không ổn định. 

Một trong những thách thức lớn nhất với Ai Cập là sự phụ thuộc vào sông Nile. Gần như toàn bộ dân số Ai Cập phải dựa vào dòng sông này để có nước sinh hoạt, sản xuất ... Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào năm 2020, khoảng hơn 100 triệu người Ai Cập đang sống quanh lưu vực sông Nile. Những khu vực ngoài sông Nile đều là sa mạc, hoang mạc, và gần như không có người ở.

Al Jazeera cho biết 97% dân số Ai Cập đang sống trong khu vực có diện tích chỉ bằng 8% toàn lãnh thổ. Nói cách khác, 100 triệu người dân nước này đang tập trung trong diện tích chỉ 80.000 km2. Bởi vậy, mật độ dân số của Ai Cập trên thực tế gấp hơn 4 lần Việt Nam.

Ethiopia, quốc gia ở thượng nguồn sông Nile, đã bắt đầu khai thác đập thủy điện có công suất 5,1 gigawatt. Ai Cập lo ngại rằng nguồn nước chảy xuống hạ nguồn sông Nile sẽ bị sụt giảm do ảnh hưởng từ con đập này.

Ảnh vệ tinh cho thấy sự sống tại Ai Cập chỉ tập trung quanh sông Nile, các khu vực cách xa sông Nile là hoang mạc không người sinh sống. (Ảnh: NASA). 

Dân số bằng Việt Nam, là đầu tàu kinh tế cho cả châu Âu

Với nền kinh tế 4.000 tỷ USD, Đức vẫn đang là đầu tàu kinh tế cho toàn châu Âu. Tuy vậy, Berlin đang đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng năng lượng, mất đi lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, tương tự như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang đau đầu vì khủng hoảng nhân khẩu học sâu sắc.

Trong danh sách những nước có quy mô dân số tương tự như Việt Nam, Đức là quốc gia có tỷ lệ người già trên 65 tuổi cao nhất, lên tới 22%. Đức cũng là một trong danh sách 10 nước có dân số già nhất thế giới. 

Tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số Đức sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai, bởi tỷ suất sinh của nước này chỉ đạt 1,53 con/một phụ nữ, không đủ mức 2,1 con/phụ nữ để duy trì ổn định dân số.

Trong những năm gần đây, Đức đã tiếp nhận một lượng lớn người di cư từ cái nước châu Phi, các nước Arab và Ukraine. Tuy nhiên, việc hội nhập nhóm người này vào xã hội Đức vẫn sẽ là một thách thức. 

Tỷ lệ người trên 65 tuổi tại Đức cao hơn hẳn so với trung bình của thế giới. 

Dân số đông, nội chiến liên miên, kinh tế bằng 1/6 Việt Nam

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là một trong những quốc gia có diện tích lớn và đông dân nhất tại châu Phi. Tuy vậy, DRC trong suốt nhiều năm, DRC đã không khai thác được nguồn tài nguyên con người này một cách hiệu quả.

Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của DRC thuộc hàng thấp nhất thế giới. 

Ngoài nguồn nhân lực lớn, DRC còn sở hữu nhiều loại tài nguyên thiên nhiên như kim cương, vàng, đồng, cobalt, thiếc, dầu mỏ ... Theo Finbold, DRC đang sản xuất khoảng khoảng 23% sản lượng kim cương toàn cầu.

Tuy vậy, quốc gia châu Phi này không thể tận dụng hết những tài nguyên trên do liên tục xảy ra nội chiến, xung đột và bất ổn chính trị. 

Minh Quang