Diện tích không bằng tỉnh Bắc Ninh nhưng GDP lớn hơn toàn bộ Việt Nam: Singapore giàu có nhờ đâu?
Theo Niên giám thống kê năm 2021, Việt Nam có tổng diện tích đất liền là 331.344 km2, được phân thành 63 tỉnh thành. Trong đó, Nghệ An có diện tích lớn nhất: 16.487 km2, và Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất: 823 km2.
Vào năm 2021, diện tích của Singapore, nền kinh tế thứ 4 trong ASEAN, là 733,2 km2. Như vậy, đảo quốc sư tử còn chưa rộng bằng Bắc Ninh - tỉnh bé nhất Việt Nam.
Trước kia, đảo quốc sư tử còn nhỏ hơn rất nhiều. Vào năm 1960, diện tích của Singapore chỉ là 581,5 km2. Nhờ các dự án lấn biển mà trong hơn 60 năm, diện tích Singapore đã được mở rộng ra thêm khoảng 25%. Tới năm 2030, đảo quốc này đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích lên 766 km2.
Quy mô dân số của Singapore cũng không quá lớn. Vào năm 2021, quốc gia này có 5,45 triệu người, thấp hơn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do diện tích hạn chế, mật độ dân số của Singapore là gần 8.000 người/km2, đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Macau và Monaco.
Tuy có diện tích không bằng tỉnh nhỏ nhất của Việt Nam, Singapore có GDP còn lớn hơn toàn bộ 63 tỉnh thành nước ta cộng lại. Theo dự báo của IMF, vào năm 2022, GDP danh nghĩa của đảo quốc sư tử tăng lên mức 424 tỷ USD, trong khi GDP Việt Nam theo báo cáo của Tổng cục Thống kê là 409 tỷ USD.
So với Bắc Ninh, tỉnh có diện tích tương dương với Singapore, GDP của đảo quốc sư tử cao gấp 42 lần.
Xét theo bình quân đầu người, khác biệt giữa Việt Nam và Singapore càng rõ rệt. Theo IMF, GDP bình quân đầu người của Singapore vào năm 2022 là 79.426 USD, đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau đại gia dầu khí Qatar. Trong khi đó, GDP đầu người của Việt Nam vào cùng năm là 4.110 USD.
Khi tính theo PPP (ngang giá sức mua), GDP của Việt Nam nhảy lên hơn 13.000 USD, trong khi của Singapore lên tới 131.425 USD, cao nhất châu Á và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Luxembourg.
- TIN LIÊN QUAN
-
5 tập đoàn lớn nhất thế giới có doanh thu cao hơn GDP Việt Nam, Apple đứng thứ 6 10/01/2023 - 18:10
Với quy mô kinh tế lớn hơn Việt Nam, trong khi diện tích chỉ bằng 0,22% nước ta, không quá bất ngờ khi mật độ kinh tế (GDP chia tổng diện tích) của Singapore đứng hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Trung bình, trên một km2 đất, mỗi năm Singapore tạo ra 578 triệu USD. Đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc), một trong những nơi có bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, mới chỉ đạt 325 triệu USD/km2. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có mật độ kinh tế cao nhất cả nước, đạt khoảng 27 triệu USD/km2.
Nếu lấy thước đo này để định giá bất động sản, nhà ở tại Singapore có thể đắt gấp hơn 21 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Bloomberg, nhờ chính sách nhà ở xã hội hợp lý, Singapore đang là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu căn hộ cao nhất thế giới, đạt 80%.
Dù đất đai chật hẹp và giá bất động sản cao ngất, việc sở hữu nhà ở với một cặp đôi mới cưới tại đảo quốc sư tử là hoàn toàn trong tầm tay.
Singapore giàu lên nhờ đâu?
Theo Tổng cục Thống kê Singapore, khoảng 70% GDP của quốc đảo này đến từ khu vực dịch vụ, trong khi hơn 25% đến từ khu vực công nghiệp. Các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Singapore là chip bán dẫn, dầu khí, thiết bị y tế, máy móc công nghiệp.
Phần còn lại, khoảng 4%, đến từ sở quyền sở hữu bất động sản. Do không có đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, đóng góp khu vực nông nghiệp vào nền kinh tế Singapore là không đáng kể.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nhờ đâu Singapore phát triển không cần tài nguyên, diện tích ngày một rộng lớn? 04/10/2022 - 21:03
Dù gần như không hề có bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào, Singapore vẫn có thể trở thành "trung tâm dầu mỏ của châu Á" nhờ vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng phát triển phục vụ ngành chế xuất.
Trên hòn đảo Jurong rộng 32 km2, được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp lấn biển, có trụ sở và nhà máy của hơn 100 doanh nghiệp đa quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn trong ngành dầu khí, hóa chất như Mitsui, Exxonmobil, Shell, Sumitomo, BASF, và DuPont.
Một trụ cột quan trọng khác của kinh tế Singapore là thương mại. Vị trí nằm ngay trên Eo biển Malacca, cửa ngõ của một trong những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất trên thế giới, giúp hoạt động thương mại của Singapore phát triển từ rất sớm. Đảo quốc sư tử cũng sở hữu cảng nước sâu, sân bay hiện đại.
Ngành tài chính của đảo quốc sư tử cũng đóng góp tới 14,6% vào GDP. Nhờ mức thuế suất thấp, Singapore được coi như một thiên đường thuế. Nhiều doanh nghiệp, tỷ phú đã chọn nơi đây để đặt trụ sở.
Vào năm 2021 tại Việt Nam, khu vực nông nghiệp đang đóng góp 12,4% GDP, khu vực công nghiệp đóng góp 37,9% GDP và khu vực dịch vụ chiếm 40,1%. Ngoài ra, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,5% quy mô kinh tế.