|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những quốc gia với diện tích tương đương Việt Nam đang có nền kinh tế lớn cỡ nào?

14:31 | 04/01/2023
Chia sẻ
Có 14 quốc gia có diện tích từ 274.000 km2 cho đến gần 400.000 km2, tức là chênh lệch không quá 20% so với Việt Nam. Trong số này, có những nước có nền kinh tế lớn gấp 10 lần nước ta, nhưng cũng có những quốc có nền kinh tế chưa bằng 1/10.

Diện tích có thể là một yếu tố ảnh hưởng tới quy mô nền kinh tế của một quốc gia. Diện tích càng rộng lớn, tài nguyên có thể sẽ càng nhiều, và cơ hội để phát triển càng lớn. Vậy, những quốc gia có diện tích tương đương với Việt Nam đang sở hữu nền kinh tế lớn thế nào?

Việt Nam lớn đến đâu?

Theo Niên giám thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tổng diện tích đất liền của Việt Nam là 331.344 km2. Khi so sánh với số liệu về diện tích của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2020, Việt Nam đứng thứ 66 trên 216 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Các quốc gia trong danh sách có diện tích đất liền chênh lệch khoảng 20% so với Việt Nam.

Có 14 quốc gia với diện tích nằm trong khoảng +/- 20% diện tích của Việt Nam. Những cái tên nổi bật nhất phải kể đến Nhật Bản, Na Uy, Đức, Malaysia, Phần Lan, Philippines và Italy. Nền kinh tế của 14 quốc gia này cũng rất đa dạng, trải dài theo cả ba mức thu nhập: thấp, trung bình và cao. 

Nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Xét theo quy mô nền kinh tế, Việt Nam đứng thứ 7 trong tổng số 15 quốc gia có diện tích từ 274.000 km2 cho đến gần 400.000 km2.

Danh sách này bao gồm những đại diện với nền kinh tế hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản (đứng thứ 3) và Đức (đứng thứ 4) hay Italy (nằm trong nhóm G7), cũng như những quốc gia giàu có nhất thế giới (GDP đầu người danh nghĩa), như Na Uy (đứng thứ 3) hay Phần Lan (đứng thứ 16).

Nền kinh tế Việt Nam đứng giữa danh sách.

Ở chiều ngược lại, các quốc gia có diện tích ngang với Việt Nam cũng có thể là những nước nghèo đói, khó khăn nhất trên thế giới. Zimbabwe nhiều năm liền đứng đầu danh sách những quốc gia có lạm phát cao nhất thế giới, trong khi Burkina Faso liên tục phải đối mặt với nội chiến, bạo lực và đói nghèo.

Khi xét theo GDP PPP (điều chỉnh ngang giá sức mua), nền kinh tế Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 5 trong danh sách, bởi vật giá tại nước ta rẻ hơn so với nhiều quốc gia châu Âu. Theo cách tính toán này, Việt Nam có nền kinh tế còn lớn hơn Na Uy và cả Malaysia.

Nếu nhìn vào thu nhập bình quân đầu người danh nghĩa, Việt Nam rơi xuống nửa dưới của danh sách, gần với Philippines hay Paraguay. 

Diện tích bằng Việt Nam, quy mô kinh tế lớn gấp chục lần

Nhật Bản

Nhật Bản có diện tích gần 365.000 km2, nhỉnh hơn 10% so với Việt Nam. Tuy vậy, lãnh thổ Nhật Bản bị chia cắt mạnh, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ. Dân số Nhật Bản vào năm 2021 là khoảng 126 triệu người, và có xu hướng giảm trong nhiều năm qua.

Nền kinh tế Nhật Bản có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau khi bị tàn phá vào Thế chiến II. Nhật Bản từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho đến khi bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2010.

Dù từng có giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, Nhật Bảng cũng trải qua "thập niên mất mát" vì khủng hoảng tài chính vào những năm 1990. Bước sang thế kỷ 21, Nhật Bản đối mặt với một loạt các thách thức, từ già hóa dân số, nợ công cho tới an ninh năng lượng.

Nhật Bản hiện đang có mức nợ công cao nhất trên thế giới. Theo IMF, vào năm 2022, nợ công của Nhật Bản đang gấp 2,64 lần GDP. Nợ của Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển trong G7 và trung bình của thế giới. 

Nợ công của Nhật Bản đã tăng nhanh sau "thập niên mất mát".

Đức

Tương tự như Nhật Bản, Đức cũng là kẻ thua trận trong Thế chiến II. Đức còn bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức, ứng với hai phe trong Chiến tranh Lạnh. Mãi đến năm 1990, nước Đức mới được thống nhất.

Nền kinh tế Đức cũng bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II. Tuy nhiên, nhờ Kế hoạch Marshall của Mỹ, nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đã được tái thiết nhanh chóng. Đức vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế cho cả châu Âu, và là thành viên sáng lập ra Liên minh châu Âu (EU).

Tuy vậy, đầu tàu kinh tế của châu Âu đang gặp nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy nền kinh tế Đức đứng trước nguy cơ suy thoái. Việc không còn có thể tiếp cận được với nhiên liệu giá rẻ từ Nga đang đẩy nhiều ngành công nghiệp của Đức, chẳng hạn như hóa chất, sản xuất ô tô ... mất đi lợi thế cạnh tranh.

Diện tích bằng Việt Nam, giàu có gấp chục lần

Na Uy

Na Uy giàu lên nhanh chóng sau khi phát hiện ra mỏ dầu khí khổng lồ vào cuối thế kỷ 20. Tuy vậy, Na Uy đã tránh được căn bệnh Hà Lan nhờ đầu tư lợi nhuận từ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch vào quỹ tài sản quốc gia. 

Quỹ tài sản quốc gia của Na Uy tuột mất vị trí hàng đầu vào tay CIC của Trung Quốc.

Na Uy đã sử dụng hiệu quả nguồn thu từ dầu khí cho các dự án đầu tư công, mang lại giá trị cho người dân. Quỹ tài sản quốc gia của Na Uy vào tháng 12/2022 có tổng tài sản lên tới 1.115 tỷ USD. Hay nói cách khác, mỗi người dân Na Uy, ngay từ khi sinh ra đã có hơn 200.000 USD.

Phần Lan

Tuy không được hưởng những mỏ dầu khổng lồ như người hàng xóm Na Uy, Phần Lan sở hữu một nguồn tài nguyên không kém phần quan trọng khác chính là con người. Người dân Phần Lan có tỷ lệ giáo dục thuộc hàng cao nhất trên thế giới. 

 

Chỉ số Kinh tế Tri thức của Phần Lan đứng thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau Đan Mạch và Thụy Điển. Trong 5 năm liên tiếp, Phần Lan nắm giữ danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.  

Diện tích ngang Việt Nam, nền kinh tế bằng 1/10

Burkina Faso, Cộng hòa Congo, Zimbabwe và Paraguay là những quốc gia có diện tích tương đương với Việt Nam, nhưng nền kinh tế chỉ bằng khoảng 1/10 hoặc nhỏ hơn.

Paraguay là một quốc gia ở Nam Mỹ, nằm sát với Argentina, Brazil và Bolivia. Paraguay là quốc gia nội lục (không có biển) duy nhất ở châu Mỹ. Việc không thể tiếp cận với biển ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thương của Paraguay. 

Cộng hòa Congo, Burkina Faso và Zimbabwe là ba quốc gia ở châu Phi, đã và đang đối đầu với nhiều bất ổn tài chính, chính trị hay nội chiến. Burkina Faso và Zimbabwe cũng đồng thời là hai quốc gia nội lục.

Nhìn chung, trong danh sách 14 quốc gia có diện tích tương tự với Việt Nam, những quốc gia với khí hậu lạnh giá thường có xu hướng giàu có hơn những quốc gia nóng bức. 

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.