|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nước Vùng Vịnh đốt hàng trăm tỷ USD vào các siêu dự án để chữa 'căn bệnh Hà Lan'

12:11 | 21/11/2022
Chia sẻ
Các quốc gia Vùng Vịnh đang rót số tiền khổng lồ vào các dự án hạ tầng để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng nguồn vốn và tăng cung lao động. Tất cả là nhằm chữa trị "căn bệnh Hà Lan" quái ác trong lĩnh vực kinh tế.

Không phải châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc, Vùng Vịnh mới là khu vực đang dẫn đầu thế giới về những siêu dự án. Khu vực khô cằn này là nơi có tòa nhà cao nhất thế giới Buja Khalifa tại Dubai. Người hàng xóm của Dubai là Arab Saudi đang có kế hoạch xây dựng thành phố dài và mỏng nhất trên thế giới, với chiều dài lên tới 170 km và chi phí ước tính 1.000 tỷ USD.

Khắp Vùng Vịnh không thiếu những công trình trị giá hàng tỷ, chục tỷ USD như Makkah Royal Clock Tower, Palm Islands (Quần đảo Cây cọ) hay Jeddah Tower. Qatar, một quốc gia nhỏ bé, đã chi tới 300 tỷ USD để đăng cai tổ chức World Cup.

NEOM, thành phố thông minh dài 170 km của Arab Saudi, nằm trong sáng kiến Saudi Vision 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters).

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC - bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và UAE) có nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ, nhưng vẫn không thể nào so sánh với những cường quốc công nghiệp như Trung Quốc hay Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội của tất cả quốc gia Vùng Vịnh cộng lại cũng chưa bằng 1/3 chi tiêu chính phủ của Mỹ.

Vậy tại sao GCC lại phung phí tiền vào xây dựng những công trình tốn kém như vậy? 

Thay thế cho dầu mỏ

Các quốc gia Vùng Vịnh trở nên giàu có một cách nhanh chóng bởi trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Tuy vậy, một ngày nào đó, số dầu này sẽ cạn kiệt, hoặc thế giới không cần đến nhiên liệu hóa thạch nữa.

Đồng thời, giá dầu cũng biến động thất thường, ảnh hưởng lớn tới thu nhập của quốc gia. GCC chắc chắn sẽ phải tìm ra con đường thích hợp để tồn tại mà không cần tới dầu mỏ.

Các quốc gia Vùng Vịnh phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.

Nhìn vào bề nổi, các dự án “nhất thế giới” của Vùng Vịnh thường sẽ thu hút khách du lịch, giúp tạo ra nguồn thu phụ cho những nền kinh tế này khi trữ lượng dầu cạn kiệt hoặc nhu cầu nhiên liệu hóa thạch biến mất.

Cả UAE, Qatar, Arab Saudi hay Kuwait đều đã mạnh tay chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD cho những siêu dự án và trợ cấp cho các hãng hàng không quốc gia để kéo khách du lịch tới Trung Đông. Các hãng bay Vùng Vịnh luôn đứng đầu về chất lượng dịch vụ cũng như sự xa hoa.

Một cách giải thích khác có thể là những hoàng gia giàu có tại Trung Đông đang muốn thỏa mãn cái tôi, xây dựng các công trình hàng đầu thế giới.

Trên thực thế, gốc rễ của việc các quốc gia Vùng Vịnh chi mạnh tay cho các siêu dự án là bởi "căn bệnh Hà Lan".

Căn bệnh Hà Lan

Hà Lan phát hiện 2.700 tỷ m3 khí đốt tại Biển Bắc vào năm 1959 và nhanh chóng kiếm được bộn tiền từ nguồn tài nguyên này khi ngành công nghiệp khí đốt bùng nổ. Đồng thời, giá trị đồng guilder (NLG) của Hà Lan tăng mạnh trên thị trường ngoại hối toàn cầu do nhu cầu trao đổi để mua khí đốt. 

Các mặt hàng xuất khẩu của Hà Lan ngoài khí đốt trở nên kém cạnh tranh hơn do đồng nội tệ đắt đỏ. Ngành công nghiệp nội địa cũng gặp khó khăn bởi người Hà Lan có thể dùng đồng tiền mạnh của mình để mua hàng hóa nhập khẩu. 

Kết quả là khí đốt trở thành ngành công nghiệp duy nhất có hiệu quả ở Hà Lan. Và bởi khí đốt không cần tới quá nhiều lao động, lệ thất nghiệp tại Hà Lan tăng từ 1,1% lên 5,1%. 

Nói cách khác, sự phát triển của ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch đã bóp nghẹt các ngành kinh tế khác của Hà Lan.

Thoát khỏi căn bệnh Hà Lan

Để thoát khỏi căn bệnh Hà Lan, các nước cần tìm cách đa dạng hóa khỏi nguồn thu, tránh phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Không phải quốc gia nào cũng thanh công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế.

Venezuela là một ví dụ điển hình. Quốc gia này chi mạnh tay để nâng mức sống của người dân mà không chú trọng vào giải quyết những vấn đề cơ bản là vốn và lao động, cũng như không chú trọng phát triển những lĩnh vực ngoài dầu khí. Kết quả là, khi giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng và siêu lạm phát, bất chấp có trữ lượng dầu số một thế giới.

Ngược lại, Na Uy là một trong những ví dụ thành công của việc chuyển tài nguyên thiên nhiên thành sự thịnh vượng bền vững.

Trước khi phát hiện ra mỏ dầu, nền kinh tế của Na Uy khá nhỏ, tập trung vào đánh cá và công nghiệp nhẹ. Sau khi tìm ra nguồn dầu, Na Uy không tiêu hoang như Venezuela mà bỏ tiền vào quỹ tài sản quốc gia để đầu tư sinh lời. Na Uy hiện có quỹ tài sản quốc gia lớn nhất thế giới, với trị giá hơn 1.300 tỷ USD, hay tương đương khoảng 250.000 USD/người. 

Quỹ tài sản quốc gia khổng lồ khiến nguồn vốn của Na Uy tăng lên, trong khi việc sử dụng hiệu quả số tiền trên vào các dịch vụ xã hội đã giúp người dân quốc gia Bắc Âu này hưởng nền giáo dục tốt hơn. Giáo dục tốt đồng nghĩa với năng suất lao động tăng lên.

Thông qua việc đầu tư vào quỹ tài sản quốc gia, Na Uy đã cùng lúc cải thiện hai yếu tố là vốn và lao động, từ đó giúp nền kinh tế không quá phụ thuộc vào dầu khí, và thoát khỏi "căn bệnh Hà Lan".

Vấn đề của Vùng Vịnh

Mô hình của Na Uy khó có thể áp dụng tại Vùng Vịnh do điều kiện chính trị, tôn giáo và kinh tế khác biệt. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng có những quỹ tài sản quốc gia lớn, dẫn đầu thế giới.

Tuy vậy, những quỹ này không được vận hành tương tự như Na Uy và thiếu sự minh bạch. Thay vì đầu tư vào các chương trình phúc lợi, quỹ tài sản quốc gia của GCC thường được dùng cho các siêu dự án, với hiệu quả còn gây nhiều tranh cãi.

 

Vậy còn việc đầu tư vào những ngành công nghiệp, dịch vụ khác thì sao? Các nước Vùng Vịnh có dân số tương đối nhỏ, và trước khi phát hiện ra dầu mỏ, không hề có nền công nghiệp phát triển. 

Dubai từng là một làng chài, còn Arab Saudi là các bộ lạc nhỏ, với nền kinh tế phụ thuộc hoạt động hành hương tới Thánh địa Mecca. Việc xây dựng ngành công nghiệp từ đầu và cạnh tranh với các quốc gia khác sẽ là vô cùng khó khăn, đặc biệt khi ngoài dầu mỏ, các tài nguyên khác của Vùng Vịnh cũng như lực lượng lao động đều hạn chế.

Vị trí trung tâm của Vùng Vịnh cũng có thể là một điểm mạnh để phát triển lĩnh vực tài chính. Tuy vậy, đạo Hồi có một số hạn chế về lãi suất, khiến các ngân hàng trong khu vực trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ quốc tế.

GCC cũng đã đổ nhiều tiền vào các hãng hàng không và ngành du lịch. Tuy vậy, Trung Đông vẫn khó có thể cạnh tranh với châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Á do khí hậu nóng bức, ít cảnh đẹp và các quy định ngặt nghèo liên quan tới tôn giáo. Và du lịch cũng chẳng thể nào thay thế ngành khai thác dầu siêu lợi nhuận của Vùng Vịnh. 

Giải pháp của Vùng Vịnh

Trên thực tế, mục đích mà GCC đốt tiền vào các siêu dự án hay các hãng bay không phải chỉ hướng đến duy nhất khách du lịch. Các quốc gia này cũng đang muốn thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp sẽ mang theo vốn và lao động, điều mà các nước Arab Saudi đang rất cần để cân bằng lại những hạn chế của mình.

Doanh nghiệp cần phải thấy được cơ hội kinh doanh. Và những dự án khủng tại GCC là cơ hội béo bở và lâu dài cho các doanh nghiệp. Những dự án này yêu cầu hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động cùng làm việc. 

Khác sạn Atlantis The Palm, nằm trên Quần đảo Cây cọ, khu đất lấn biển nổi tiếng của Dubai. (Ảnh: Dany Eid). 

Một khi hoàn thành, những công trình trên cần tới các nhà quản lý chuỗi khách sạn, công ty luật, công ty vệ sinh môi trường, cảnh quan... Khi các doanh nghiệp lớn tới Vùng Vịnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được hình thành và tạo nên một hệ sinh thái phục vụ lẫn nhau.

Các siêu dự án tỷ USD giống như một lời hứa với doanh nghiệp về tương lai. Và những dự án ngày càng lớn hơn, với chi phí lên tới cả trăm tỷ USD là một cách rất hiệu quả để thu hút doanh nghiệp đặt văn phòng cũng như tiếp tục hoạt động, ngay cả khi nguồn dầu mỏ đã cạn kiệt.

Qatar đã chi tới 300 tỷ USD trong hơn một thập kỷ để chuẩn bị cho kỳ World Cup 2022 đắt đỏ nhất từ trước đến nay

Khoản đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD này sẽ thu hút các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như xây dựng, nhà hàng - khách sạn, du lịch, truyền thông, marketing ...

Trong đó, Qatar dành từ 6,5 đến 10 tỷ USD để xây mới 7 sân vận động.

Theo Forbes, Qatar dự kiến sẽ dỡ bỏ một phần các sân vận động để ủng hộ cho quốc gia khác, cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng thành trường học, cửa hàng, quán cafe, cơ sở thể thao hay phòng khám. Qatar như thể đang hứa với các doanh nghiệp rằng cơ hội kinh doanh sẽ vẫn còn, ngay cả sau khi World Cup kết thúc. 

Minh Quang