Trong mối quan hệ với Arab Saudi, Mỹ đang lặp lại sai lầm cũ và mắc thêm một vài sai lầm mới
Thời thế đổi thay
Chính quyền Tổng thống Biden đang đồng thời bị hai đối thủ là Arab Saudi và Iran hắt hủi, tờ Wall Street Journal nhận định. Điều này có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt bởi nước này vốn phụ thuộc vào giá dầu thô ổn định để duy trì sức mạnh kinh tế.
Việc Mỹ không ngừng theo đuổi thoả thuận hạt nhân với Iran - đầu tiên là dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama và giờ là ông Biden, đã khiến Arab Saudi không còn tin tưởng vào đối tác cũ của họ.
Kết quả là, Riyadh đã tuyên bố độc lập khỏi Washington bằng cách kết thân với Moscow và Bắc Kinh. Đại gia Trung Đông đã cùng OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu để giúp Nga tăng nguồn thu từ nhiên liệu hoá thạch, bất chấp những lời đề nghị từ Nhà Trắng.
Gần nửa thế kỷ trước, Arab Saudi đã một tay giải cứu nước Mỹ - và cả nền kinh tế thế giới, khỏi suy thoái bằng cách từ chối mức tăng giá 15% mà liên minh OPEC+ (lúc đó do Iran nắm quyền kiểm soát) đề xuất.
Khi OPEC+ xúc tiến kế hoạch trên, Arab Saudi đã mạnh tay bơm dầu ra thị trường, giúp giá dầu hạ nhiệt và khiến Iran rơi vào cảnh lụn bại, Wall Street Journal nhắc lại. Đổi lại, Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Riyadh, bắt đầu mối quan hệ mua bán kéo dài 50 năm. Từ đó đến nay, Arab Saudi vẫn là khách hàng mua nhiều vũ khí của Mỹ nhất.
Có mặt tại Doha (Qatar) cho cuộc họp chính sách của OPEC+ vào tháng 12/1976, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi khi đó là ông Ahmed Zaki Yamani đã đề nghị liên minh dầu mỏ nên tạm ngừng tăng giá trong 6 tháng.
Bị tất cả các thành viên còn lại của OPEC+ phản đối, ông Yamani bước ra ngoài. 8 tiếng sau, trở lại từ Riyadh, vị bộ trưởng thông báo Arab Saudi không đồng ý việc tăng giá. Chưa hết, Arab Saudi còn tăng sản lượng từ 8,5 triệu thùng lên 11,8 triệu thùng/ngày.
“Có công bằng không khi người khác dám quyết định [giá dầu của Arab Saudi] trái với ý muốn của chúng tôi?”, ông Yamani hỏi các phóng viên khi rời khỏi cuộc họp.
Thời đó, 40% lượng dầu thô tiêu thụ tại Mỹ là nhập khẩu từ nước ngoài. Đến năm 2019, Mỹ mới trở thành nhà xuất khẩu ròng năng lượng.
Song, nhờ vào các chính sách của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy năng lượng xanh và kiềm chế nhiên liệu hoá thạch, Mỹ năm nay lại là nhà nhập khẩu ròng năng lượng, tờ Wall Street Journal cho hay.
Sai lầm của các tổng thống Mỹ
Thời thế thay đổi nhưng có một số điều không đổi. Nhà Trắng vẫn đặt vấn đề chính trị trong nước lên trên lợi ích quốc gia. Vào thập niên 1970 - tương tự như bây giờ, Nhà Trắng cũng đã từng đề nghị OPEC+ đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống hẵng tăng giá bán.
Một điểm khác cũng không thay đổi là sai lầm của các vị tổng thống. Trước khi từ chức, cựu Tổng thống Richard Nixon - cũng như ông Biden, rất ủng hộ duy trì giá dầu ở mức cao như một động lực để doanh nghiệp phát triển các nguồn năng lượng thay thế.
Đồng thời, Washington khi đó còn muốn giữ giá dầu ở mức tương đối để hỗ trợ Iran mua lượng vũ khí khổng lồ của Mỹ, qua đó chính quyền vua Shah của Iran có thể giúp Mỹ duy trì sự ổn định tại Trung Đông.
Việc Iran xây dựng kho vũ khí quân sự đã đánh động Arab Saudi. Giờ đây, Riyadh lại càng chán ngán khi ông Biden liên tục coi dầu mỏ như một thứ xấu xa cần phải nhanh chóng loại bỏ và thay thế bằng các năng lượng xanh đắt tiền hơn. Trên toàn thế giới hiện nay chưa có nước nào có thể duy trì nguồn cung năng lượng tái tạo ổn định.
Một điều bất biến sau hàng chục năm nữa là tham vọng hạt nhân của Iran. Gần nửa thế kỷ trước, Iran đã muốn phát triển bom hạt nhân. Mỹ đành phải theo đuổi hai mục tiêu trái ngược: kiềm chế sự phổ biến toàn cầu của công nghệ hạt nhân và làm dịu lòng chính quyền Shah.
Người Mỹ đã đề nghị một thoả thuận, trong đó cho phép Iran tái chế và lưu trữ plutonium trên chính đất của họ nếu Iran đồng ý xây dựng một nhà máy đa quốc gia mà Mỹ có quyền quản lý.
Vua Shah nhấn mạnh rằng nếu Washington coi ông là một người bạn đáng quý, vậy thì ông phải có quyền kiểm soát nhiên liệu hạt nhân của chính mình. Ngày nay, chính quyền Tehran vẫn giữ vững lập trường đó của vua Shah.
Mối hiềm khích giữa Iran và Arab Saudi vẫn còn rất sâu sắc, dù bây giờ người Saudi tin rằng họ mới đang chiếm thế thượng phong.
Tuy nhiên, Riyadh nhớ rằng khi Iran tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở khai thác Abqaiq của Arab Saudi vào năm 2019 và khiến 5,7 triệu thùng dầu biến mất khỏi thị trường mỗi ngày, Mỹ không có động thái nào để bảo vệ Arab Saudi.
Iran có thể tấn công lần nữa với giả định rằng ông Biden đang tức giận với quyết định hạ sản lượng mới đây của Arab Saudi và do đó Mỹ sẽ chỉ đứng nhìn.
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang yêu cầu Washington chấm dứt việc bán vũ khí cho Arab Saudi, mà Riyadh dùng số vũ khí này để bảo vệ các cơ sở dầu khí của mình. Cùng lúc, chính quyền ông Biden đang dốc sức để tái ký thoả thuận hạt nhân với Iran.
Wall Street Journal cho rằng sẽ khá hợp lý nếu nghĩ rằng Washington sẽ coi một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Arab Saudi như một bài học cho chính quyền Riyadh, dù cái giá của bài học này khá đắt đỏ.
Nếu nguồn cung dầu mỏ của Arab Saudi - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, bị gián đoạn, hậu quả đối với sự ổn định kinh tế và chính trị của toàn thế giới là rất lớn. Điều này đặc biệt đáng lưu tâm khi phương Tây đang tẩy chay dầu của Nga và châu Âu phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Đây sẽ là một chiến thắng cho Nga, nhưng là một thất bại to lớn cho Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gần sát bờ vực suy thoái, việc giá dầu tăng đột biến bởi sự gián đoạn nguồn cung từ Arab Saudi có thể dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.