|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyến thăm của ông Tập tới Arab Saudi tác động thế nào tới cán cân quyền lực tại Trung Đông?

11:33 | 08/11/2022
Chia sẻ
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông, nơi Mỹ không còn nắm vị thế độc tôn.

Theo Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch thăm Arab Saudi trước khi năm 2022 kết thúc. Bắc Kinh và Riyadh đang cố gắng làm sâu sắc hơn mối quan hệ và thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới đa cực, nơi Mỹ không còn vị trí độc tôn.

Các quan chức đang hoàn thiện chi tiết về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Thái tử Mohammed bin Salman. Cuộc gặp sẽ khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của Trung Quốc tại Trung Đông và mối liên kết ngày càng bền chặt giữa vương quốc dầu mỏ và đối thủ hàng đầu của Washington.

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết chuyến thăm đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng và dự kiến sẽ diễn ra vào tuần thứ hai của tháng 12.

Bắc Kinh “coi trọng sự phát triển quan hệ Trung Quốc-Arab Saudi, đặt Riyadh là ưu tiên chính trong chính sách ngoại giao tổng thể của mình”, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố vào tháng trước.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của vương quốc dầu mỏ Arab Saudi.  

Trong những năm gần đây, mối quan hệ Trung Quốc-Arab Saudi đã trở nên sâu sắc hơn trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả việc Bắc Kinh nắm cổ phần trong tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco; về mặt quân sự thông qua mua bán vũ khí.

Cuộc gặp diễn ra vào thời điểm mà phần lớn thế giới đang phát triển đã tỏ ra không sẵn sàng chọn phe trong cuộc xung đột Ukraine, bất chấp những lời thúc giục từ Washington và các chính phủ châu Âu.

Riyadh đã thể hiện mong muốn đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu trong chính sách dầu mỏ. Quốc gia này đã thúc đẩy việc cắt giảm đáng kể sản lượng dầu của OPEC+ nhằm giữ giá cao.

Dầu là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, và giá cao đã giúp Moscow trang trải cho cuộc xung đột Ukraine. Riyadh phủ nhận những cáo buộc rằng việc cắt giảm sản lượng đồng nghĩa với quốc gia này đang hỗ trợ Nga.

Việc OPEC+ hạ sản lượng cũng diễn ra vào lúc lạm phát Mỹ đang lên mức kỷ lục ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, càng làm căng thẳng mối quan hệ giữa vương quốc dầu mỏ và Washington.

Các quan chức Arab Saudi cho biết Riyadh không muốn bị ép buộc phải chọn phe giữa các cường quốc như hồi Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, Arab Saudi là đồng minh thân cận của Mỹ.

Tái sắp đặt trật tự Trung Đông

Bà Helima Croft, Giám đốc điều hành nghiên cứu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, đặt câu hỏi: “Sự tái sắp xếp [trật tự thế giới] đang diễn ra: Tương lai sẽ như thế nào?”.

Đối với Arab Saudi, bà cho hay: “[Sự tái sắp xếp] đang thúc đẩy [Riyadh] tới nhiều mối quan hệ hơn. [Arab Saudi] nhận thấy tương lai nằm ở phương Đông”.

Với việc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có chung mục tiêu chống lại phương Tây, Trung Quốc có thể sẽ là đối tác quan trọng nhất của Moscow. Bắc Kinh không lên án cuộc xung đột, và đã cáo buộc Mỹ làm leo thang căng thẳng. Tuy vậy, Trung Quốc cũng tuyên bố không bán vũ khí cho Nga.

Arab Saudi đã lên án cuộc xung đột và gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine. Tuy vậy, vương quốc này vẫn duy trì liên minh OPEC+ với Nga.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group, cho biết việc điều chỉnh lại chiến lược trong chính sách đối ngoại của Arab Saudi còn có ảnh hưởng lớn hơn những tranh cãi với chính quyền Tổng thống Biden sau động thái cắt giảm sản lượng gần đây.

Riyadh đang tìm kiếm một đối trọng cho quan hệ với Mỹ. Ông Bremmer cho biết: “Động thái xích lại gần nhau của Arab Saudi và Trung Quốc là một sự thay đổi dài hạn thực sự có ý nghĩa về mặt kinh tế, không chỉ đối với kỳ bầu cử lần này”.

Arab Saudi hiện tại chỉ cung cấp cho Mỹ chưa đến 500.000 thùng dầu mỗi tháng.

Arab Saudi từng bán cho Mỹ hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy vậy, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giờ đây vương quốc này chỉ bán cho Mỹ ít hơn 500.000 thùng/ngày.

Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Arab Saudi, tiếp theo đó là Ấn Độ.

Nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và nhà xuất khẩu dầu lớn nhất có thể sẽ gặp nhau vào thời điểm quan trọng với thị trường năng lượng toàn cầu và quyết định tương lai của cuộc xung đột Ukraine.

Ngay trước khi ông Tập tới Arab Saudi, OPEC+ sẽ quyết định về sản lượng dầu vào ngày 4/12. Sau đó một ngày, G7 sẽ thực hiện áp giá trần, còn Liên minh châu Âu sẽ cấm vận hoàn toàn dầu thô của Nga.

Chuyến thăm của ông Biden tới Arab Saudi hồi tháng 7 đã không đem lại nhiều kết quả. (Ảnh: Getty Images).

Khi ông Biden thăm Arab Saudi vào tháng 7, ông đã gặp Thái tử bin Salman và tham gia hội nghị thượng đỉnh cùng các quốc gia Arab. Tuy vậy tại quê nhà, ông đối mặt với sự chỉ trích về vấn đề nhân quyền, và chuyến thăm không mang lại nhiều thành tựu.

Sự chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hoành tráng như chuyến thăm năm 2017 của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump được đón tiếp nồng hậu, trái ngược với chuyến thăm có phần giản dị của Tổng thống Biden gần đây.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Arab Saudi chính thức bắt đầu vào năm 1990 và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dầu mỏ. Cứ 4 thùng dầu mà Riyadh bán thì có một thùng tới Trung Quốc.

Gần đây, quan hệ hai nước đã tăng cường với các cuộc thảo luận về việc bán cổ phần Saudi Aramco, định giá các hợp đồng tương lai bằng nhân dân tệ theo mô hình giá của Aramco và bán một số lượng dầu tới Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Arab Saudi cũng đưa tiếng Quan thoại vào chương trình giảng dạy trong nước.

Thay thế Mỹ tại Trung Đông

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện sự quan tâm hoặc khả năng thay thế vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Arab Saudi cũng không thực sự muốn tìm kiếm người đảm bảo an ninh thay cho Washington.

Arab Saudi đã mua một số máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Tuy vậy, Bắc Kinh đã bán máy bay không người lái cho Arab Saudi, giúp nước này sản xuất tên lửa đạn đạo. Hai nước cũng đã thảo luận về việc xây dựng căn cứ hải quân trên Biển Đỏ, một trong những tuyến đường thủy chiến lược nhất.

Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với đối thủ của Arab Saudi là Iran. Riyadh có thể tìm cách tận dụng vấn đề này nếu Tehran đồng ý thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc khác.

Ông Jonathan Fulton, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Zayed cho biết nhận thức về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông đã làm thay đổi tính toán của các nhà hoạch định chính sách ở Washington.

Mỹ muốn xoay trục sang châu Á, và đồng thời không muốn Bắc Kinh thiết lập chỗ đứng trên ngã tư đường chiến lược dẫn đến châu Âu và châu Phi.

Ông Fulton cho biết, mối quan hệ Trung Quốc - Arab Saudi dù vẫn chỉ mang tính chất thương mại nhưng đã phát triển vượt qua việc chỉ là phương thức để Riyadh báo hiệu sự không hài lòng của mình với Washington.

Người Arab Saudi “thực sự cố gắng đào sâu những gì đang nhận được từ cả hai bên,” ông nói. “Hiện tại Mỹ đang có quan điểm: làm việc với chúng tôi hoặc làm việc với Trung Quốc. Nhưng hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh dường như không nhìn nhận như vậy”.

Minh Quang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.