|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu Arab Saudi có đang phóng đại trữ lượng dầu mỏ?

12:37 | 01/11/2022
Chia sẻ
Dầu mỏ đã thay đổi bộ mặt của Arab Saudi, biến nơi này từ một đất nước khô cằn, du mục trở thành trung tâm quyền lực của Trung Đông và có tầm ảnh hưởng đối với cả thế giới. Một số dấu hiệu đang chỉ ra rằng Riyadh đã phóng đại trữ lượng dầu mỏ để duy trì sự thống trị trên thị trường.

Một góc thành phố Riyadh năm 1964 và 2020. (Ảnh: Wihelm von Schreeb, Shutterstock). 

Ngày 3/3/1938, Mỹ đã tìm ra mỏ dầu lớn nhất thế giới ở Dhahran, Arab Saudi. Phát hiện này đã thay đổi hoàn toàn môi trường, con người, chính trị và địa lý của Arab Saudi, vùng Trung Đông cũng như cả thế giới.

Trước phát kiến này, Arab Saudi chỉ là vùng đất sa mạc khô cằn với các bộ lạc du mục. Nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế quốc gia này là từ những người theo đạo hồi hành hương về thánh địa Mecca.

Sau phát kiến trên, Arab Saudi trở thành một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Saudi Aramco, doanh nghiệp dầu khí quốc gia khổng lồ của Arab Saudi, cũng là công ty có lợi nhuận và vốn hóa thuộc nhóm đầu thế giới, sánh vai cùng những gã khổng lồ công nghệ như Apple hay Google.

Theo những số liệu chính thức được Riyadh công bố, trữ lượng dầu của Arab Saudi là khoảng 268,5 tỷ thùng. Lượng dầu này đủ để vương quốc duy trì trong vòng hàng chục, thậm chí là cả trăm năm.

Nhưng một số bằng chứng lại chỉ ra rằng Riyadh đang nói dối về trữ lượng của mình. Vậy, Arab Saudi thực sự còn bao nhiêu dầu?

Còn bao nhiêu dầu?

Với trữ lượng 268,5 tỷ thùng dầu, và sản lượng khai thác khoảng 10 triệu thùng/ngày, Arab Saudi sẽ có thể duy trì tốc độ khai thác như hiện tại trong vòng 74 năm nữa. Vương quốc dầu mỏ dự kiến sẽ hết dầu vào giữa những năm 2090.

Nhiều chuyên gia lại cho rằng Arab Saudi đang nói dối về trữ lượng dầu của mình. Trong nhiều thập kỷ qua, tất cả các con số về trữ lượng dầu của Arab Saudi đều đến từ chính Riyadh.

Theo Investopia, trữ lượng dầu là ước tính lượng dầu thô nằm trong một khu vực cụ thể có tiềm năng khai thác. Các bể chứa dầu nằm ở độ sâu không thể khai thác sẽ không được coi là một phần dự trữ của quốc gia. 

Trữ lượng đột nhiên tăng mạnh vào giai đoạn 1988-1989. 

Vào năm 1988-1989, trữ lượng dầu được xác minh (proven reserves) của vương quốc này đột nhiên tăng vọt từ 170 tỷ thùng thành 260 tỷ thùng. Tuy vậy, đa số các mỏ dầu lớn nhất đều được phát hiện trong giai đoạn từ 1936 tới 1970. Trong 50 năm vừa qua, Arab Saudi không có phát hiện đáng kể nào. Vậy tại sao trữ lượng lại có thể đột nhiên tăng vọt thêm 90 tỷ thùng?

Thời điểm trữ lượng dầu mỏ của Arab Saudi tăng vọt cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Vào năm 1980, Arab Saudi đã mua lại phần lớn tập đoàn Aramco. Tuy vậy, mãi tới năm 1988, vương quốc dầu mỏ mới nắm toàn quyền kiểm soát tập đoàn này. Sau đó, trữ lượng dầu mỏ của Arab Saudi tăng thêm 50%.

Đồng thời, trữ lượng dầu mỏ được xác minh của Arab Saudi cũng không thay đổi, và thậm chí còn tăng trong 34 năm qua bất chấp việc khai thác liên tục.

Theo BP, từ 258 tỷ thùng dầu vào năm 1988, trữ lượng của Arab Saudi đã nhảy lên 297,5 tỳ thùng vào 2020. Các ước tính của Aramco vào năm 2019 cho thấy Arab Saudi đang có 268,5 tỷ thùng dầu.

Sản lượng trung bình của Arab Saudi hiếm khi vượt qua 12 triệu thùng/ngày.

Tất nhiên, việc phát hiện ra mỏ dầu mới, mỏ dầu cũ tăng sản lượng và các phương pháp khai thác tiên tiến có thể giúp Riyadh tăng trữ lượng. Trong hơn ba thập kỷ qua, Arab Saudi đã bơm trung bình khoảng 9,5 triệu thùng/ngày, tổng cộng là khoảng 114,4 tỷ thùng dầu tính đến năm 2020. 

Như vậy, Saudi đã tìm ra thêm khoảng hơn 200 tỷ thùng dầu từ năm 1988 đến 2020. Trước khi hoàng gia Saudi nắm quyền kiểm soát Aramco, Mỹ đã có 50 năm để lùng sục khắp Arab Saudi nhằm tìm kiếm dầu mỏ và con số mà Washington đưa ra chỉ là 170 tỷ thùng dầu. 

Nếu như những thống kê của Arab Saudi là chính xác, trữ lượng thực tế của nước này vào năm 1988 có thể hơn 340 tỷ thùng dầu, nắm chắc vị trí số 1 trên thế giới.

Việc tăng trữ lượng được xác minh có thể xảy ra do khám phá thêm mỏ dầu (Nga, Venezuela), công nghệ khai thác cải tiến (Mỹ). Arab Saudi không có phát hiện mỏ dầu nào đặc biệt lớn và cũng không khai thác dầu đá phiến như Mỹ. 

Những tin đồn

Không chỉ có dữ liệu về trữ lượng đặt ra nhiều câu hỏi, đã có một vài tin đồn trong những năm qua cho thấy Arab Saudi đang nói dối.

Vào năm 2011, WikiLeaks công bố vụ rò rỉ điện ngoại giao từ một giám đốc dầu khí cấp cao của Arab Saudi. Theo vị giám đốc này, trong những năm qua, Arab Saudi đã phóng đại trữ lượng dầu mỏ của mình lên tới 300 tỷ thùng.

Ông Sadad al-Husseini, một nhà địa chất học và người đứng đầu về thăm dò của Aramco vào năm 2007, từng nói với phía Mỹ rằng Arab Saudi sẽ không thể làm chậm đà tăng giá dầu bởi ngành năng lượng nước này đã phóng đại trữ lượng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Arab Saudi trong nhiều năm đã không thể bơm lượng dầu tương xứng với trữ lượng của mình. Nếu Riyadh thực sự tìm được thêm hơn 200 tỷ thùng dầu, nước này sẽ có thêm nhiều giếng dầu để tăng sản lượng.

Mức sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày không có gì mới với vương quốc dầu mỏ. Vào năm 1980, Arab Saudi đã đạt sản lượng 9,9 triệu thùng/ngày. Và sau 42 năm, Riyadh vẫn chỉ sản xuất được khoảng 11 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Mỹ với trữ lượng chỉ bằng khoảng 1/4 Arab Saudi lại có thể nhanh chóng nâng sản lượng lên 16 triệu thùng/ngày vào năm 2021, từ mức 10 triệu thùng của năm 2013.

Sản lượng dầu của Mỹ là 16 triệu thùng/ngày, trong khi của Arab Saudi chỉ là 11 triệu thùng/ngày.

Theo AP, vào năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump từng đe dọa sẽ rút hỗ trợ quân sự nếu Arab Saudi không tăng sản lượng. Và Riyadh cũng không thể đẩy sản lượng lên quá 10,5 thùng/ngày. Đến năm 2022, khi được yêu cầu nâng sản lượng một lần nữa, Arab Saudi cũng cho biết rằng phải cần tới năm 2027 để đưa công suất lên 13 triệu thùng/ngày

Trong giai đoạn 2014 đến 2016, giá dầu đã sụt giảm từ 120 USD/thùng xuống chỉ còn 42 USD. Vào thời điểm này, Mỹ đang đạt được đột phá trong công nghệ khai thác dầu đá phiến. Đột phá này đồng nghĩa với việc Washington sẽ không còn phải phụ thuộc vào dầu của Trung Đông.

Do vậy, Arab Saudi và OPEC quyết định tiến hành một cuộc chiến giá cả với các nhà khai thác dầu đá phiến bằng cách nâng sản lượng, đẩy giá xuống thấp và khiến các doanh nghiệp này phá sản.

Tuy vậy, sản lượng cao nhất mà Arab Saudi có thể bơm trong cuộc chiến này cũng chỉ khoảng 12,4 triệu thùng/ngày.

Nói dối thì được gì?

Vậy giả sử rằng Arab Saudi đang nói đối, thì lý do là tại sao? Rõ ràng nếu trữ lượng của Arab Saudi đột ngột sụt giảm mạnh, giá sẽ tăng vọt. Riyadh sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn với lượng dầu đang nắm trong tay.

Trong ngắn hạn, Arab Saudi sẽ gặt hái được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, chuỗi ngày làm ông hoàng dầu mỏ của Riyadh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc.

Ngay cả với 268 tỷ thùng dầu, trữ lượng của Arab Saudi vẫn không thể sánh bằng 300 tỷ thùng dầu của Venezuela. Một khi cả thế giới biết rằng Riyadh không có nhiều dầu như đã tưởng, sự quan tâm sẽ đổ dồn về những quốc gia khác như Venezuela, Canada, Iran và Nga.

Venezuela có nguồn dự trữ khổng lồ chưa được chạm đến, sản lượng chỉ 0,6 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khi xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ đã có những động thái nhằm đàm phán về nguồn cung dầu mỏ, làm ấm quan hệ với cả Iran và Venezuela, hai quốc gia đang chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt của Washington.

Đồng thời, khi trữ lượng của ông hoàng dầu mỏ đột ngột biến mất, thế giới sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Tất cả những động thái này sẽ khiến thế giới bớt phụ thuộc vào dầu mỏ của Arab Saudi, vốn chiếm gần một nửa nền kinh tế của vương quốc này. Với Riyadh, lựa chọn tốt nhất là giữ cho thế giới phụ thuộc vào dầu mỏ của mình, thậm chí cả khi phải nói đối.

Đếm ngược

Giả sử Arab Saudi đang nói dối, vương quốc này còn bao lâu trước khi cạn kiệt hoàn toàn trữ lượng. Nếu chúng ta giả định rằng số liệu chính xác cuối cùng về trữ lượng là vào năm 1988, khi Mỹ rút khỏi Aramco, thì vương quốc dầu mỏ còn khoảng 170 tỷ thùng.

Với tốc độ khai thác khoảng 9,5 triệu thùng/ngày trong vòng hơn 30 năm qua, Arab Saudi đã sử dụng hết 117,9 tỷ thùng dầu từ 1988 đến 2022. Như vậy, vương quốc này còn lại khoảng 52,1 tỷ thùng dầu.

Tất nhiên, có thể trong những năm qua, do phương pháp khai thác tốt hơn hoặc phát hiện thêm các mỏ dầu mới, trữ lượng của Arab Saudi có thể tăng lên. Nhưng ngược lại, trữ lượng này cũng có thể giảm đi nếu các mỏ từng được phát hiện không có nhiều dầu như dự kiến.

Nếu Arab Saudi giữ tốc độ bơm dầu trung bình khoảng 9,5 triệu thùng/ngày, vương quốc này sẽ sử dụng hết trữ lượng còn lại trong vòng hơn 15 năm.

 Khách sạn Abraj Al Bait (The Clock Towers) tại Thánh địa Mecca, có chi phí xây dựng 15 tỷ USD, là tòa nhà đắt đỏ thứ hai trên thế giới. (Ảnh: Accor Hotels).

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn thu, Riyadh cũng đang có những động thái để đa dạng hóa, thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ. Trong những năm qua, Arab Saudi đã nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh, đổ hàng tỷ USD vào xây dựng sân bay và các địa điểm tham quan.

Thái tử Mohammed Bin Salman còn đặt ra kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm giảm mạnh sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Minh Quang

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.